Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXây dựng mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển...

Xây dựng mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông: Hành động bá quyền phi pháp mới của TQ

Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang triển khai xây dựng trái phép mạng lưới các máy bay không người lái để “giám sát” và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hành động bá quyền mới của Trung Quốc

Theo thông tin trên, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang xây dựng mạng các máy bay không người lái (drone) để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông.

Văn phòng Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”; tuyên truyền rằng “hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp”.

Việc triển khai mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông là động thái mới nhất của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đẩy mạnh việc thực thi yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên thiết lập các tiền đồn quân sự trên bảy đảo nhân tạo mà nước này tiến hành bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; triển khai nhiều hệ thống quan trắc, giám sát trái phép dưới nước, trên không và trên mặt biển ở Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.

Mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông trái phép của Trung Quốc nhằm phục vụ âm mưu tăng cường kiểm soát khu vực

Thứ nhất, hệ thống trên có khả năng thu thập thông tin, hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực, khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Thứ hai, hệ thống giám sát cũng hỗ trợ hải quân, không quân và pháo binh Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác.

Thứ ba, hệ thống giám sát trên còn giúp Trung Quốc bảo vệ sáng kiến “Vành đai, Con đường”, trong đó bao gồm “Con đường Tơ lụa trên biển”, trải dài từ bán đảo Triều Tiên tới vùng biển Đông Phi, qua những khu vực Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm hoạt động.

Thứ tư, hệ thống giám sát trên cũng sẽ hỗ trợ ngư dân Trung Quốc tổ chức đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của các nước, tránh bị lực lượng chấp pháp các nước bắt giữ.

Cuối cùng, việc cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc… sẽ khiến Trung Quốc có thể theo dõi, giám sát bất hợp pháp hoạt động quân sự cũng như bố trí chiến lược tại các đảo, đá của các nước trên Biển Đông.

Hệ thống giám sát của Trung Quốc là bước đi nguy hiểm, tác động lớn đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Thứ nhất, một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp; đe dọa đến hoạt động tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; góp phần gia tăng cơ sở vật chất – kỹ thuật để khẳng định “chủ quyền” phi pháp trong khu vực; đẩy mạnh khả năng thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông đê phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống giám sát ngầm dưới biển còn khiến Trung Quốc nắm bắt, kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông.

Thứ hai, tuy Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng các hệ thống giám sát của Bắc Kinh chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải. Nhưng mục đích thật sự của Chính quyền Bắc Kin nhằm phục vụ nhu cầu quân sự. Hành động theo dõi, giám sát hoạt động của tàu, thuyền của các nước đang qua lại ở Biển Đông là vi phạm các quy định về luật pháp quốc tế và đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải.

Việc Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông mà chưa được Việt Nam đồng ý là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông cũng đi ngược lại Điều 2 và Điều 3 của Tuyên bố về ứng xử của các các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 2 quy định: “Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”. Trong khi đó, Điều 3 ghi rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS 1982”.

Nhìn chung, Trung Quốc triển khai mạng lưới giám sát bằng drone ở khu vực Biển Đông là để tăng cường quyền kiểm soát trong khu vực, ngăn chặn Mỹ và các nước can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực Biển Đông mà còn vi phạm luật pháp quốc tế liên quan. Trước tình hình trên, các nước liên quan, nhất là Mỹ cần theo dõi chặt chẽ những hoạt động phi pháp của Trung Quốc để đưa ra phương án xử lý hiệu quả nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới