Hải quân Thái Lan (9/9) đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ Type 071E do Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đóng nhằm tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước.
Tàu đổ bộ hiện đại bậc nhất của Trung Quốc về tay Thái Lan
Tàu đổ bộ Type 071E sẽ được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua ở Thượng Hải. Từ năm 2006, nhà máy đóng tàu này đã đóng chiếc 8 tàu đổ bộ Type 071 cho Hải quân Trung Quốc. 071E là mẫu dùng cho xuất khẩu của lớp này.
Tàu đổ bộ Type 071E có lượng giãn nước đầy tải 22.000 tấn, chiều dài 210 m, chiều rộng 28 m, mớn nước 17,4 m. Hệ thống động lực của Type 071E là động cơ CODAD (kết hợp diesel – diesel) với 4 máy chính, cho vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h. Type 071E cung cấp một mặt sàn cực kỳ rộng giúp tăng sức chứa và có đủ diện tích để dựng bệnh viện dã chiến hoặc các phòng chỉ huy tạm ngay trên tàu. Tàu có tổng cộng ba tầng bao gồm tầng cuối cùng để phương tiện đổ bộ qua lối cửa mở phía sau, tầng giữa đặt các phương tiện vận tải, trang thiết bị đổ bộ và tầng trên cùng bao gồm cấu trúc thượng tầng, sân đỗ và nhà chứa trực thăng. Sân đỗ trên tàu đổ bộ Type 071E có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng và sàn đáp có thể đỗ cùng luc 3 chiếc trực thăng. Hỏa lực chính trên tàu bao gồm một khẩu hải pháo H/PJ-26 cỡ 76 mm. Đây là biến thể từ pháo AK-176 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn tối đa 15,5 km và tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút. Ngoài ra tàu còn trang bị 4 khẩu pháo cao tốc AK-630 cỡ nòng 30 mm. Vũ khí này có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút và là lớp phòng thủ cuối cùng của tàu đổ bộ tấn công Type 071. Type 071E còn được lắp thêm một module tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N. Ngoài ra, Type 071E có biên chế thủy thủ đoàn và sĩ quan chỉ huy đầy đủ là 150 người, có thể chở theo tối đa tới 800 lính thủy đánh bộ, mang theo từ 15 tới 20 phương tiện thiết giáp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng lội nước tùy chủng loại.
Được biết, dự án chế tạo tàu đổ bộ Type 071 được Trung Quốc khởi động vào năm 2002, được cho là liên quan đến tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Do được hải quân Trung Quốc hoan nghênh nên sau khi đóng 3 chiếc đầu tiên, hải quân Trung Quốc tiếp tục đặt hàng đóng thêm 5 chiếc nữa. Với sự ra đời của tàu tấn công đổ bộ Type 075 hiện đại hơn sau đó, Type 071 đã được phép xuất khẩu hạn chế cho một số quốc gia. Type 071E đã được công khai lần đầu tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 10 tại thành phố Karachi, Pakistan vào tháng 11 năm 2018. Sự khác biệt rõ ràng giữa nó và mẫu Type 071 trước đây là có thêm một hệ thống tên lửa phòng không trên hạm HQ-10 đặt ở phía sau pháo chính.
Thái Lan đang tích cực mua sắm trang thiết bị quân sự của Trung Quốc
Ngoài việc mua tàu 071E, Hải quân Thái Lan trước đó cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc để mua ba chiếc tàu ngầm thông thường lớp S-20T Kirin với tổng trị giá 1,03 tỷ USD. S-20T được phát triển trên cơ sở tàu ngầm Type 039A do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Loại tàu này có lượng giãn nước từ 2.300 tấn đến 2.600 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng 65 người và được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533mm và có thể phóng tên lửa chống hạm YJ-83. Quân đội Hoàng gia Thái Lan (2017) cũng đã mua 28 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 từ Trung Quốc với chi phí 150 triệu USD và sau đó chi thêm 58 triệu USD để đặt mua thêm 10 chiếc nữa.
Không những vậy, Không quân Trung Quốc và Thái Lan vừa tổ chức cuộc huấn luyện chung mang tên Eagle Strike-2019 tại Thái Lan từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Không quân Trung Quốc đã đưa tới các máy bay chiến đấu J-10A/ B/C, máy bay báo động sớm KJ-500 và máy bay vận tải Y-9. v.v., Thái Lan đã huy động các máy bay chiến đấu JAS-39C/D và máy bay cảnh báo sớm SAAB-340.
Tuy nhiên, việc chính quyền Thái Lan đẩy mạnh mua sắm trang thiết bị quân sự từ Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối và nghi ngại từ trong nước. Sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Thái Lan (NCPO), chính quyền quân sự do các tướng lập ra, đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 20%, từ mức 5,8 tỷ USD/năm lên 7,2 tỷ USD. Sau thông báo của quân đội Thái Lan về hợp đồng mua thêm xe tăng từ Trung Quốc, Tổng thư ký Nhóm hoạt động chính trị Hội Bảo vệ Hiến pháp Thái Lan Srisuwan Janya đã lên tiếng yêu cầu điều tra các hợp đồng vũ khí này. Theo ông, “NCPO cho phép quân đội mua nhiều khí tài Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm S26T và xe thiết giáp VN1. Tại sao họ tập trung mua sắm khí tài từ Bắc Kinh, nhất là khi chúng không thể được giám sát công khai như phương Tây”.
Cùng quan điểm trên, giới chuyên gia Thái Lan cho rằng trang thiết bị quân sự của Trung Quốc có chất lượng kém. Giáo sư Paul Chambers, Đại học Naresuan của Thái Lan nhận đinh “khí tài quân sự Trung Quốc có giá rẻ nhưng chất lượng thua kém sản phẩm Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, việc Thái Lan mua xe tăng, tàu ngầm và nhiều vũ khí Trung Quốc không gây bất ngờ, khi chính quyền quân sự nước này đang ngả về Bắc Kinh do chính sách dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama”; cho rằng Bangkok đang chào đón các khoản đầu tư và vũ khí từ Bắc Kinh, nhưng sẽ duy trì chính sách đối ngoại cân bằng giữa Nga – Trung Quốc và Mỹ – Nhật. Phó Giáo sư Dulyapak Preecharush, Đại học Thammasat cho rằng “quân đội Thái Lan từng nhiều lần mua vũ khí từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ngả về phía Bắc Kinh có thể đi ngược lại chiến lược hiện nay của họ, khiến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Bangkok ít mềm dẻo hơn. Ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể khiến Thái Lan đưa ra những quyết định có lợi cho Bắc Kinh trong tương lai”.
Một số nhà hoạt động chính trị Thái Lan cũng đặt câu hỏi về việc chính quyền quân sự hối hả ký hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Trung Quốc ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/3. Theo Phó Giáo sư Preecharush, một khi các hợp đồng này được ký, chúng sẽ được thực hiện kể cả khi Thái Lan có chính quyền mới, do quân đội vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử và tiến trình chuyển giao quyền lực.
Thái Lan từng nếm “trái đắng” vì vũ khí của Trung Quốc
Trong những năm trước đây, Thái Lan đã phải trả giá tương đối đắt khi tăng cường mua vũ khí giá rẻ của Trung Quốc, như thương vụ mua xe tăng chiến đấu chủ lực Type-69-II năm 1987. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào biên chế, quân đội Thái Lan đã phải loại biên trước thời hạn toàn bộ 25 xe tăng Type-69-II do gặp nhiều hư hỏng, trục trặc và thiếu linh kiện thay thế. Chính quyền Thái Lan phải ném số xe tăng này xuống biển để làm rặng san hô nhân tạo vào năm 2010. Số phận của những chiếc Type-69-II này được coi là thất bại đáng quên trong tiến trình mua sắm vũ khí của Bangkok. Ngoài lô xe tăng Type-69-II, Thái Lan cũng gặp vấn đề lớn khi mua 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2 từ Trung Quốc với giá 60,3 triệu USD/chiếc, chỉ bằng một phần tư giá chiến hạm cùng loại của phương Tây. Ngay sau khi nhận bàn giao, hải quân Thái Lan bắt đầu than phiền về chất lượng tàu. Dây điện của 4 chiếc Type-053H2 đều bị lộ ra ngoài, buộc hải quân Thái Lan phải thiết kế lại mạng điện. Hệ thống kiểm soát thiệt hại cũng rất kém, thiết bị dập lửa và cửa chống nước không hiệu quả. Hải quân Thái Lan đánh giá nếu vỏ tàu bị thủng, nước sẽ nhanh chóng tràn vào và làm chìm tàu. Bangkok buộc phải chi nhiều tiền của và thời gian để sửa chữa những vấn đề này.
Ngoài quân sự, hai nước còn thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác song phương thương mại và đầu tư là nền tảng trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc và hai lĩnh vực này tiếp tục phát triển, mở rộng một cách nhanh chóng. Dưới tác động tích cực của sự phát triển quan hệ chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng và khả năng bổ sung cho nhau giữa kinh tế Thái Lan với Trung Quốc, quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Thương mại hai nước đi từ con số rất nhỏ, chỉ ở mức dưới 25 triệu USD năm 1975. Tới năm 2003, tổng giá trị thương mại song phương đạt 11,7 tỉ USD, tới năm 2013 là 65,6 tỉ USD, năm 2014 đạt 72,6 tỉ USD (đã tăng 3.000 lần sau 39 năm) và năm 2015 lên tới 75,46 tỉ USD. Năm 2011, tổng thương mại song phương đạt 57,98 tỉ USD và chiếm 12,7% tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Thái Lan. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan chỉ sau Nhật Bản.
Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan ngày càng nhiều. Qua các hình thức đầu tư, giá trị đầu tư của hai phía, có thể thấy rằng đầu tư của Trung Quốc tại Thái Lan đã gia tăng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1975, giá trị càng được tăng lên từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001. Mục tiêu đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan nhằm tìm kiếm thị trường cũng như nguồn nhân lực, các nguyên liệu thô để phục vụ cho sản xuất. Thái Lan có những điều kiện thuận lợi về vị trí địa chiến lược, không có tranh chấp về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan có các chính sách ưu tiên Trung Quốc trong thu hút đầu tư… nên việc gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại nước này là điều dễ hiểu. Đó cũng là một nguồn lực rất tốt cho Thái Lan để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Đáng chú ý, Nội các Thái Lan (11/7/2017) đã thông qua việc xây dựng giai đoạn một của dự án đường sắt cao tốc kết nối vùng công nghiệp ven biển miền đông Thái Lan với phía Nam Trung Quốc thông qua Lào. Theo Reuters, giai đoạn một của dự án đường sắt có tổng vốn đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD này, bao gồm 6 nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc kéo dài 250km nối thủ đô Bangkok với tỉnh Nakorn Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan. Các giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng tuyến đường đến tỉnh Nong Khai, sát với biên giới Lào để kết nối với tuyến đường sắt Viêng-Chăn (Lào) – Côn Minh (Trung Quốc) đang được xây dựng. Dự án này là một phần của kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là Sáng kiến “Vành đai, con đường” nhằm kết nối châu Âu, châu Á và Đông Nam Á.
Một số vấn đề trong quan hệ Thái Lan – Trung Quốc
Trong những năm qua, tuy quan hệ Thái Lan – Trung Quốc phát triển sâu rộng, thu hút được nhiều chủ thể chính trị, xã hội ở cả hai nước tham gia vào, quan hệ song phương cũng đạt nhiều kết quả thực chất và thiết thực, mang lại nhiều thành quả cụ thể. Nhưng trong quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng còn tồn tại một số vấn đề: (1) Thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra ngay khi hai nước chuyển trọng tâm hợp tác từ chính trị-an ninh sang đối tác kinh tế. (2) Xuất hiện mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Thái Lan. Trong trật tự thế giới mới đang hình thành, Thái Lan nhìn chung vẫn coi trọng vai trò của Trung Quốc nhưng mức độ quan hệ lại chia thành hai xu thế. Một bộ phận trong giới lãnh đạo Thái Lan coi Trung Quốc là “đồng minh” trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác trong giới lãnh đạo Thái Lan vẫn nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực nói chung và Thái Lan nói riêng, do đó Thái Lan cần phải cảnh giác, giữ khoảng cách nhất định trong quan hệ với Trung Quốc. (3) Nhân tố Mỹ tác động nhất định đến quan hệ Trung – Thái. Trong số 5 đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan rõ ràng đang bị gạt ra ngoài chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trước đây, cả Mỹ và Thái Lan đều nhận thấy Thái Lan là một “”quân cờ tiềm năng” trong Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, trong hơn 40 năm qua, quan hệ đồng minh này đã phải vật lộn để tìm ra một hướng đi rõ ràng. Các diễn biến chính trị tại Thái Lan và phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng ở Thái Lan làm dấy lên nghi ngờ liệu quan hệ đồng minh này có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không. Sự tồn tại lâu dài của mối quan hệ đối tác Mỹ-Thái Lan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong viễn cảnh chính sách đối ngoại của cả hai nước và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn. Đối với Mỹ, hợp tác quân sự – nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này – là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này. Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ và Thái Lan khó có thể tương đồng về mục đích bởi hai nước không có kẻ thù chung – hay thậm chí là một đối thủ chiến lược chung. Trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và phát hiện ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đang mong chờ sự hiện diện của Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thì Thái Lan lại đứng ngoài cuộc bởi nước này cảm thấy thoải mái với sự phát triển và ý đồ của Trung Quốc, cho dù Thái Lan là 1 trong 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc và quan hệ Mỹ – Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.