Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaAi là kẻ “gắp lửa bỏ tay người”?

Ai là kẻ “gắp lửa bỏ tay người”?

Để biện minh cho những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Địa chất Hải Dương 08 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, Trung Quốc khẳng định rằng hoạt động của nhóm tàu Địa chất Hải Dương 08 là hoàn toàn hợp pháp;

Bởi vì:

1. Bãi cạn Tư Chính là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo” thuộc “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc;

2. Khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính là “vùng biển kế cận”, “vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Liệu lập trường này của Trung Quốc có đứng vững được theo quy định của Luật pháp Quốc tế hiện hành không?

Để làm sáng tỏ sự thật đúng sai về lập trường nói trên của Trung Quốc, chúng tôi xin được lần lượt bàn luận, phân tích 2 nội dung pháp lý có liên quan sau đây:

I. Vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

Khi xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp hay có bất đồng về chủ quyền quốc gia, thông thường người ta phải so sánh, đánh giá các nguyên tắc pháp lý được thể hiện trong lập trường của các bên liên quan:

1. Nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”.

Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” và các điều kiện chủ yếu để có việc “chiếm hữu thật sự” như sau:

– Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên.

– Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng….

Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: “… mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế bao gồm:

– Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

– Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.

– Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

– Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ra đời vào ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Chẳng hạn, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague vào tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc vào tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous…

Tuy nhiên, những định chế mang tầm vóc quốc tế nói trên cũng không thể ngăn cản được tình trạng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để tiếp tục tranh giành thị trường, thực hiện tham vọng bá quyền, tranh chấp lãnh thổ, nhất là đối với các hải đảo, lãnh thổ biển…, các khu vực địa lý có giá trị về địa-kinh tế, địa- chính trị, địa- chiến lược…Đỉnh điểm của những tranh chấp khốc liệt giữa các nước tư bản là Đại chiến thế giới lần thứ 1, lần thứ 2 xẩy ra vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng và tàn phá biết bao làng mạc, phố phường, của cải vật chất của nhân loại…và sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nhiều nước trên thế giới bị xâm phạm nghiêm trọng. Tiếp đến là tình trạng chạy đua vũ trang của thời kỳ chiến tranh lạnh, đến nạn khủng bố, tranh chấp sắc tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ không ngừng xây ra ở hầu khắp hành tinh này…

Gần đây hơn, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước. Tuy nhiên, những định chế nói trên cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn, cạnh tranh, tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là trong công cuộc tìm kiếm thị trường cung cấp và tiêu thụ hàng hóa của nền sản xuất tư bản phát triển; vì thế, những cuộc chiến tranh, xung đột vẫn diễn ra trên những quy mô và mức độ khác nhau: đại chiến thế giới thứ 1, đại chiến thế giới lần thứ 2, chiến tranh lạnh, tranh chấp biên giới lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo…

Để ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh do những tham vọng bá chủ thiên hạ, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, Hiến chương Liên hợp quốc đã được ký ngày 26-6-1945 ở thành phố San Francisco và có hiệu lực từ ngày 24-10-1945. Với sự ra đời của Hiến chương Liên hợp quốc có thể nói đã trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế cao nhất để bảo vệ sự tồn tại của các quốc gia, với tư cách là các thực thể trong quan hệ quốc tế thời hiện đại. Về nguyên tắc, nó là vũ khí được sử dụng để vô hiệu hóa các phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh đã tồn tại trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Đấy chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao mãi đến đầu thế kỷ 20, quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia là hành động hợp pháp và đấy cũng chính là nội dung trả lời câu hỏi vì sao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có điều khoản “Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Đây là nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam đã dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa ở giữa Biển Đông. Bởi vì, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành- nguyên tắc chiếm hữu thật sự- của Công pháp quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.

Những bằng chứng chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này là hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự:

Thứ nhất, Dưới danh nghĩa Nhà nước, thông qua các tổ chức, đơn vị hành chính do nhà nước lập ra; chẳng hạn:

Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy. Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thế không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với 2 quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là Phủ khi thì Trấn,: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Tuyển tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ 2: Việc bảo vệ và thực thi chủ quyền là liên tục và hòa bình; chẳng hạn:

Thời kỳ thực dân Pháp cai trị Việt Nam: Với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Tiếp đến là thời kỳ Việt Nam tạm thời chia 2 miền Nam Bắc. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyên miền Nam Việt Nam và các chính thể ở miền Nam Việt Nam, với tư cách là những thực thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1954 đến 1975. Các chính thể miền Nam Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này.

Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiên này:

– Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.

– Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.

– Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.

Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân giải phóng nhân dân Nam Việt Nam dưới sự lãnh đao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 05 tháng 06 năm 1975, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Và, tiếp đến là thời kỳ dưới chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 02 tháng 07 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa một cách rõ ràng, hòa bình, liên tục và hiệu quả…

2. Nguyên tắc “Chủ quyền lịch sử”

Trong khi đó, để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa- chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1909, 1956, 1974 và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa năm 1946, 1950 (Trung Hoa Dân Quốc) và năm 1988 (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Để biện minh cho sự xâm chiếm bằng vũ lực đó, phía Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Họ khẳng định rằng, Tổ tiên người Trung Hoa từ hàng ngàn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Ngày 27/6/2018, trước những chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong chuyến thăm Trung Quốc về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, leo thang căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định:

“Lãnh thổ mà tổ tiên (Trung Quốc) để lại, một tấc cũng không được đánh mất. Thứ gì của người khác thì một phân chúng tôi cũng không cần”.

Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là lập trường “Chủ quyền lịch sử” mà chúng ta đã nhiều lần được nghe. Dựa vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chưng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “ Tây Sa” và “Nam Sa”. Nhưng, theo quan điểm của ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về Công pháp quốc tế, người Trung Quốc, thì: “…chứng cứ (lịch sử} đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…”

Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “…người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”

Chỉ với một số dẫn chứng nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” là vô giá trị, nếu không muốn nói đó là quan điểm rất nguy hại, gây bất ổn cho sự tồn tại hiện thời, hợp pháp của các quốc gia trên thế giới. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử thì nhiều quốc gia sẽ không còn tồn tại như hiên nay, kể cả nước Trung Hoa vĩ đại…Vì vậy, đó chỉ là biến tướng của tư tưởng dân tộc cực đoan, bất chấp Luật pháp và Thực tiễn quốc tế để thực hiện tham vọng bành trướng bá quyền, nước lớn.

II. Bãi cạn Tư Chính có phải là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo” và khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính có phải là “vùng biển phụ cận” và “vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) theo quy định của UNCLOS 1982 không?

Mọi người đều biết rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, hơn nữa là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3.

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc tranh chấp địa chính trị, địa – kinh tế, địa – chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp Luật pháp Quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy trên 90% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng:

– Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS 1982.

– Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này.

– Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông (bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield).

Vì vậy, “theo UNCLOS 1982” Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U.

Lập luận nói trên của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi đó là sự “giải thích và áp dụng” quy định của UNCLOS 1982. Nhưng, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật Biển quốc tế có lợi cho họ.

Chúng tôi xin vạch rõ tính ngụy biện trong cách “giải thích và áp dụng” UNCLOS 1982 của Trung Quốc như sau:

Thứ 1.“Biên giới do lịch sử” để lại và “quyền lịch sử”.

Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có Công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của Công ước.

Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác.

“Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó và “Công ước được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305 khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này”.

Trong quá trình tiến hành Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không, cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại Phần V, từ Điều 55 đến Điều 75.

Trong Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biển đường “lưỡi bò” của Trung Quốc.

Thư 2.Vấn đề hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa.

Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo. Phần IV, Điều 46 đã định nghĩa:

“Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.

“Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Phần IV, không có Điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo.

Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó theo đúng các tiêu chuẩn đã được quy định trong UNCLOS1982.

Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định “vùng biển phụ cận” và “vùng biển liên quan” của các quần đảo mà họ gọi là “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông. Cũng xin lưu ý rằng những thuật ngữ “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” là những thuật ngữ không có trong UNCLOS1982. Trung Quốc đã sử dụng các thuật ngữ này để phục vụ cho thủ thuật “lập lờ đánh lận con đen” trong việc cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS1982.

Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm đã được phân tích ở Điểm I. Bởi vì, theo quy định của UNCLOS 1982, tại Phần VIII, Điều 121 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. 2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”. 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”

Theo Phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý.

Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu; không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất và, đặc biệt, không thể gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo, đơn giản là vì con người không thể sinh sống, tồn tại ở những bãi san hô luôn luôn chìm dưới mặt nước biển. Vì vậy, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này.

Từ những thông tin và phân tích nói trên, chắc chắn bạn đọc có thể đánh giá được thực chất nội dung mà hôm 18/9 ông Cảnh Sảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã lớn tiếng khẳng định rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước ở “Bãi Vạn An Bắc” trong khu vực quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Rõ ràng lời tuyên bố đó đã cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện hành, đang muốn viết lại Luật Biển Quốc tế, như nhận xét của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế.

Vì vậy, việc Trung Quốc cho rằng từ tháng 5/2019 phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước “Vạn An Bắc” của Trung Quốc (Bãi Tư Chính) đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc; vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam; vi phạm điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC) và các điều khoản liên quan trong UNCLOS1982 (Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982) quả thật là một hành vi “gắp lửa bỏ tay người”, “vừa ăn cướp, vừa đánh trống, la làng”; một sự vu khống trắng trợn đối với việc Việt Nam đã và đang tiến hành khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS1982.

Thiết nghĩ, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của nhóm tàu địa chất Hải Dương 08, vẫn tăng cường sử dụng lực lượng vũ trang, bán vũ trang để đe dọa, ngăn cản, phá hoại các hoạt động thăm dò khai thác các nguồn tài nguyên hợp pháp, gây tổn thất về người và tài sản; đồng thời vẫn tiếp tục rêu rao các luận cứ phi lý nói trên…chắc chắn người Việt Nam biết sẽ làm gì để sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình cả ở trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, pháp lý và ngay cả tại thực địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới