Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ dùng tiền làm mồi nhử, Đài Loan liên tục mất đồng...

TQ dùng tiền làm mồi nhử, Đài Loan liên tục mất đồng minh

Chỉ trong 1 tuần, Solomon và Kiribati tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh việc từ bỏ quan hệ với Đài Bắc để ngả theo Bắc Kinh là vì “lợi ích quốc gia”.

Trung Quốc và Solomon ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao

Trung Quốc đã thành công khi dùng tiền tệ “câu” đồng minh của Đài Loan

Ngày 21/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Ngoại trưởng Quốc đảo Solomon Jeremiah Manele đã cùng ký kết thỏa thuận tại nhà khách chính phủ tại Bắc Kinh. Tuyên bố trước các phóng viên, ông Vương Nghị cho biết, “hiện chỉ còn một vài quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng tại những quốc gia này sẽ ngày càng nhiều người có tầm nhìn. Đây là những người sẽ đứng ra và cất lời kêu gọi công lý hợp lẽ với tiến trình lịch sử”; đồng thời lồng ghép cảnh báo Đài Loan rằng “Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất. Về mặt thực tế và pháp lí, đảo Đài Loan đã và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Tư cách này sẽ không thay đổi và không thể thay đổi”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Quốc đảo Solomon Jeremiah Manele khẳng định đây là quyết định phù hợp với “lợi ích quốc gia” của Solomon.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống của Kiribati Taneti Maamau, đảo quốc tại Thái Bình Dương cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cho rằng quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Trung Quốc được đưa ra “sau khi đã đánh giá nội bộ và cân nhắc về các mối quan hệ ngoại giao”. Quốc gia này cho rằng đây là điều “phù hợp với lợi ích lớn nhất của quốc gia và người dân”.

Đài Loan nhận quả đắng

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, Đài Loan đã mất đi 2 mối quan hệ ngoại giao. Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đã chỉ trích Bắc Kinh đang cố tình “đàn áp và giảm sự hiện diện trên trường quốc tế của Đài Loan”; cho rằng “Trung Quốc đã dụ dỗ Kiribati thay đổi quan hệ ngoại giao bằng những lời hứa đầu tư và viện trợ. Tổng thống Kiribati Taneti Mamau và một số người trong nội các của ông ấy có những ảo mộng về Trung Quốc”.

Trước đó, ngay sau khi Đài Loan tuyên bố chấm dứt quan hệ với Kiribati, bà Thái Anh Văn (20/9 cho biết, chính quyền Đài Loan vẫn luôn phản đối “Đồng thuận 1992” cũng như thể chế “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh. Đáng chú ý, cũng trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Đài Loan đã từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin Haiti và Tuvalu sẽ là những quốc gia tiếp theo cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Trước động thái này, ông Trần Thủy Biển – cựu lãnh đạo Đài Loan đã mỉa mai lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm Thái Anh Văn trên facebook cá nhân. Ông Trần Thủy Biển cho biết, ông thành tựu hơn khi trong tám năm nhiệm kỳ chỉ “đánh mất” 6 quốc gia đồng minh còn bà Thái Anh Văn đã bị 7 đồng minh quay lưng trong chưa đầy ba năm rưỡi lên nắm quyền. Kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016 đến nay, trong khoảng thời gian 3 năm 4 tháng, bảy quốc gia đồng minh đã quyết định chấm dứt quan hệ với Đài Loan, hơn nữa đây là đều là những quốc gia có dân số lớn nhất và chiếm vị trí chiến lược quan trọng nhất trong khối đồng minh của Đài Loan. Ngoài ra, ông Trần Thủy Biển cũng chỉ trích rằng, bà Thái Anh Văn vì không muốn “khiêu khích Trung Quốc” nên thực hiện kế “ngoại giao phòng thủ” giống người tiền nhiệm Mã Anh Cửu, hoàn toàn trái ngược với chính sách “ngoại giao tấn công”của ông, kết quả trong 8 năm nhiệm kỳ, Đài Loan đánh mất 9 đồng minh nhưng lại thiết lập quan hệ với 3 quốc gia khác nên tựu chung lại có thể coi Đài Loan chỉ đánh mất 6 đồng minh trong 8 năm ông nắm quyền.

Trong khi đó, ông Mã Anh Cửu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến “làn sóng chấm dứt quan hệ” của các quốc gia với Đài Loan là do chính quyền bà Thái Anh Văn không tuân thủ Đồng thuận 1992; theo đó “không tuân thủ Đồng thuận 1992 thì không có ngoại giao phòng thủ”.

Mỹ ủng hộ Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ  cho rằng việc Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan chuyển sang công nhận Bắc Kinh có hại đối sự ổn định khu vực. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, “chiến dịch tích cực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở hai bên eo biển, bao gồm cả việc lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là có hại và làm xói mòn sự ổn định khu vực”; đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc đang hủy hoại khuôn khổ giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt nhiều thập kỷ”. Theo phát ngôn viên này, các quốc gia thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc chủ yếu với mong muốn kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, thường rồi sẽ nhận thấy đây là một “bước đi tồi tệ”. Cùng quan điểm trên, Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các nước cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng hai bờ eo biển, cho rằng động thái này “gây tổn hại và làm suy yếu sự ổn định khu vực”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ cảnh báo Quần đảo Solomon sẽ phải “gánh chịu hậu quả” với quyết định cắt quan hệ với Đài Loan.

Giới truyền thông nhận định, việc Solomon và Kiribati đơn phương chấm dứt quan hệ là đòn giáng mạnh đối với lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan Thái Anh Văn; cho rằng việc Trung Quốc giành được sự ủng hộ từ Solomon và Kiribati sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Bà Thái đang chuẩn bị cho đợt tái tranh cử vào tháng 1/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, Đài Loan đã mất 7 mối quan hệ ngoại giao về tay Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức vào năm 2016. Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với chỉ 15 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia nhỏ và nghèo ở Châu Mỹ Latin và Thái Bình Dương, bao gồm Nauru, Tuvalu và Palau.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và hòn đảo không được phép có quan hệ chính thức với bất kỳ quốc gia nào. Kể từ khi bà Thái nhậm chức, Trung Quốc đã tăng cường áp lực chính trị, ngoại giao, quân sự với hòn đảo, thường xuyên điều máy bay, tàu chiến tuần tra quanh Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới