Gần đây, trên các trang mạng lan truyền thông tin về khả năng công ty Exxon Mobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh tại lô 118 trên thềm lục địa Việt Nam. Ngày 12/9/2019, đề cập đến vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có thông tin cho biết các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được tổ hợp nhà thầu PVN, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil đang được triển khai theo kế hoạch”. Chúng ta cùng đi phân tích về thông tin này.
Trong hơn 2 tháng qua, nhóm tàu Hải Dương 08 liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và đe dọa uy hiếp dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và công ty Rosneft của Nga ở lô 06-01 thì việc xuất hiện những thông tin trên mạng nói trên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xét từ góc độ chiến lược và nhất là những phản ứng của Mỹ gần đây đối với hành vi của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính có thể thấy rằng Mỹ khó có thể từ bỏ dự án Cá Voi Xanh.
Trước hết, có thể thấy Mỹ đã có những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về các hoạt động gây hấn của Trung Quốc đối với vùng biển của Việt Nam. Từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng Mỹ và từ các quan chức cấp cao (Cố vấn An ninh quốc gia của Mỹ) đến các Nghị sĩ của cả Thượng viện, Hạ viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích đích danh Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép các nước ven Biển Đông.
Đặc biệt, trong tuyên bố ra hôm 22/8/2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: Mỹ “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế”; “các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và rằng Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ”. Có lẽ đây là câu trả lời rõ ràng nhất thể hiện quan điểm của Mỹ đối với các hoạt động dầu khí ở Biển Đông.
Đánh giá về Tuyên bố ngày 22/8/2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ,Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho rằng “Mỹ đặc biệt đang tìm cách gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và Exxon Mobil rằng Mỹ quan tâm đến sự việc đang xảy ra này”;“Mỹ không muốn thấy Exxon Mobiltrở thành nạn nhân bị Trung Quốc đe dọa bởi vì sau lô của Rosneft hiện đang bị Trung Quốc quấy nhiễu ngoài khơi biển phía nam Việt Nam, dự án dầu khí lớn nhất tiếp theo của Việt Nam là dự án Cá Voi Xanh mà Exxon Mobil có ở ngoài khơi bờ biển phía bắc (Việt Nam)”.
Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, hiện đang liên doanh với Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh trị giá 10 tỷ USD được chính thức công bố hồi tháng 11/2017 tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng khi Tổng thống Mỹ đến Việt Nam tham dự diễn đàn này. Mỏ Cá Voi Xanh nằm ở Lô 118 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngay sát bờ biển miền Trung của Việt Nam. Có một điều khá nhạy cảm là khu vực này nằm ở gần khu vực mà năm 2014 giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc làm bùng lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam trong thời gian đó.
Sau khi gây sức ép với hoạt động hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và công ty Repsol của Tây Ban Nha năm 2017, các hành động của Trung Quốc từ đó đến nay cho thấy họ đã trở nên hung hăng hơn trong việc thách thức tất cả các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam trong vùng biển xung quanh bãi Tư Chính. Vậy liệu Mỹ có để cho Trung Quốc tiếp tục lấn tới, đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để độc chiếm Biển Đông hay không.
Xét về mặt chiến lược, Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc thôn tính Biển Đông, loại Mỹ ra khỏi “cuộc chơi” ở Biển Đông bởi lẽ Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông và việc duy trì tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông nói riêng và trên đại dương nói chung còn thuộc về “giá trị” của Mỹ, điều mà Mỹ không thể từ bỏ. Mỹ chủ động, tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở cũng là để phục vụ cho việc duy trì “giá trị” biển cả của Mỹ.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông là một cuộc chơi mà Mỹ không thể trở thành kẻ thua cuộc. Nếu Mỹ rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam có nghĩa là Mỹ đã từ bỏ cuộc chơi và thua cuộc. Trong bối cảnh, Trung Quốc gia tăng sức ép với các nước ven Biển Đông, nhất là Việt Nam và đòi đưa vào COC nội dung loại bỏ Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông trong đàm phán COC với ASEAN thì Mỹ càng phải có hành động trên thực tế hỗ trợ các nước ven Biển Đông chống chọi với Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales khi trả lời trang tin Energy News ngày 11/9 cho biết theo những thông tin ông có được, trong cuộc gặp ngày 02/8/2019 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok,Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov cho ngừng các hoạt động của Rosneft tại Việt Nam, nhưng ông Lavrov từ chối. Và trên thực tế thì Rosneft đang kiên trì triển khai dự án hợp tác dầu khí với Việt Nam tại Lô 06-1 bất chấp sự uy hiếp, hăm dọa của các tàu chấp pháp Trung Quốc.
Chẳng lẽ Mỹ – cường quốc số 1 thế giới lại không bằng Nga (nước đang gặp khó khăn do cấm vận) trong cuộc chơi chiến lược ở Biển Đông? Xét từ góc độ này thì Mỹ sẽ phải tìm cách hỗ trợ Exxon Mobil thực hiện thành công dự án Cá Voi Xanh.
Từ đầu tháng 9/2019, Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành cuộc diễn tập chung giữa Mỹ – ASEAN ở Biển Đông thành công cũng là để đáp lại những đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc yêu cầu các nước ASEAN muốn diễn tập chung với các nước ngoài khu vực khi có ý kiến của Trung Quốc. Với cách tiếp cận này, tin rằng Mỹ sẽ phải kiên trì cùng Việt Nam thực hiện thành công dự án Cá Voi Xanh.
Trung Quốc khó có thể gây hấn với việc Exxon Mobil triển khai dự án Cá Voi Xanh với Việt Nam vì bảo vệ lợi ích của công dân Mỹ và lợi ích của doanh nghiệp Mỹ là “giá trị” của Mỹ. Hơn thế nữa, qua cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể thấy Trung Quốc chưa đủ tầm ngang hàng với Mỹ.
Bên cạnh đó, những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn như Ấn Độ, Úc, Nhật, Anh, Pháp, Đức và cả khối EU…. Bởi tất cả các nước đều ủng hộ cho một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà cụ thể là ở Biển Đông, UNCLOS phải là nền tảng để giải quyết các bất đồng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước ven Biển.
Với việc xác định Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ, tin rằng Mỹ sẽ phải hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia của họ ở Biển Đông, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ hợp tác với các nước ven Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, trước mắt là bảo vệ lợi ích của Exxon Mobil trong dự án Cá Voi Xanh, một dự án đầy tiềm năng và hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Việc Mỹ kiên trì thực hiện dự án Cá Voi Xanh còn tạo thêm niềm tin với các nước trong khu vực, đồng thời khẳng định các giá trị của Mỹ. Với cách nhìn đó, tin rằng Mỹ nhất định sẽ không để Trung Quốc bành trướng, thôn tính Biển Đông.