Tiếp tục leo thang trong tham vọng độc chiếm Biển Đông bất chấp chủ quyền các bên liên quan cũng như luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ phải trả những cái giá rất đắt khó có thể lường hết vào lúc này, không chỉ là sự phản đối, tẩy chay và cô lập ở khu vực cũng như trên thế giới mà cả những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Tham vọng vô đáy
Trung Quốc cho tới nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng lại trong tham vọng độc chiếm Biển Đông, điều vốn thể hiện rất rõ trong yêu sách vô lý về “đường lưỡi bò 9 đoạn” đưa ra năm 2009 và học thuyết “Tứ Sa” công bố năm 2013. Thôi thúc bởi tham vọng vô đáy ấy, Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục có những hành vi hung hăng, gây hấn trên Biển Đông tiếp sau những hành vi sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số rạn đá ngầm, san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, kiểm soát bãi cạn Scarborough trước đó do Philippines quản lý năm 2012.
Gần đây nhất là đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 và nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 7 đến nay. Những hành vi này được tiến hành với mưu đồ thâm hiểm, sâu xa là biến những vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp, những vùng biển thuộc chủ quyền các bên liên quan khác thành các vùng biển tranh chấp để từ đó đòi đưa ra những yêu sách chủ quyền phi lý.
Khi chiếc mặt nạ rơi xuống
Trên thực tế, không có bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế lớn nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc với những hòn đảo, thực thể mà họ chiếm đóng bằng vũ lực trên Biển Đông. Một số cường quốc, trong đó nhất là Mỹ, đã thường xuyên đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo, thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp trái phép trên Biển Đông, nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên thực tế, đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này. Một số quốc gia khác như Australia, Pháp, Anh… cũng đã lên kế hoạch cho các hoạt động tuần tra nhằm duy trì và bảm đảm “tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”.
Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan, xem thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã và đang phải trả giá không nhỏ. Trước hết, chính Trung Quốc chứ không phải ai khác với hành vi này của mình đã “tự lột chiếc mặt nạ” một cường quốc “đang trỗi dậy hòa bình” và có trách nhiệm với khu vực cũng như cộng đồng quốc tế mà nước này tốn rất nhiều công sức để gây dựng. Rất nhiều quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế khi đề cập tới vấn đề Biển Đông hay hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới đều lên tiếng chỉ trích, lên án các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông dù với hình thức nói trực diện hay “ẩn ý”.
Không chỉ bị lên án, phản đối và cô lập, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ hơn nếu tiếp tục leo thang hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông. Vụ kiện của Philippines ra Tòa PCA chỉ là hành động mang tính pháp lý đầu tiên chống lại tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, trong tương lai còn có thể tiếp tục có những biện pháp pháp lý tương tự, thậm chí mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.
Càng tham lam, trả giá càng đắt
Tại cuộc tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế” do Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia, học giả cho rằng cùng với các biện pháp đã thực thi để kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông, Việt Nam cần có những hành động, biện pháp tiếp theo phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng PLD cho rằng, Việt Nam có thể đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bởi các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, đặc biệt sự việc hiện nay ở bãi Tư Chính, là hành vi đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, học giả tham dự cuộc tọa đàm, Việt Nam còn có thể đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu tham vấn pháp lý đối với Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về áp dụng và giải thích Công ước UNCLOS 1982 tại Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của Tòa ICJ thì điều này có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu bởi phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc pháp lý hơn PCA. Cái giá đắt khác mà Trung Quốc có thể sẽ phải trả là đối mặt với sự trừng phạt của quốc tế nếu bất chấp luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Trên thực tế, tại Mỹ, một nhóm Thượng nghị sĩ thuộc lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ đã 2 lần đệ trình dự án luật mang tên “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”, yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan tới các hoạt động “nguy hiểm và phi pháp” tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Dù dự án luật “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” chưa được Quốc hội Mỹ xem xét thông qua, song không loại trừ lại được tiếp tục đưa ra nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi hung hăng hòng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong trường hợp được thông qua, dự án luật yêu cẩu Chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, cũng như thu hồi hoặc từ chối cấp thị thực đối với bất cứ ai liên quan tới “những hành động và chính sách đe dọa nền hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông; đồng thời tăng cường nỗ lực của Mỹ và các đồng minh để chống lại “việc quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp mà họ đã chiếm giữ ở Biển Đông”. Càng bất chấp luật pháp quốc tế, leo thang tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung có thể sẽ phải trả những cái giá ngày càng đắt.