Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế TQ tăng trưởng kém nhất từ năm 1992 do thương...

Kinh tế TQ tăng trưởng kém nhất từ năm 1992 do thương chiến

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 năm nay giảm xuống đến mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ do nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới tiếp tục chịu tổn thất từ thương chiến với Mỹ.

Theo số liệu thống kê được Bắc Kinh công bố hôm thứ Sáu 18/10, Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6% trong giai đoạn 3 tháng 7-9, giảm so với con số 6,2% hồi quý 2. Mức này thấp hơn con số các nhà kinh tế học dự đoán là 6,1%.

“Căng thẳng thương mại với Mỹ là yếu tố chính đè nặng lên tinh thần kinh doanh và các hoạt động đầu tư, mặc dù các chính sách kích thích nội địa đang tạo ra vùng đệm hỗ trợ”, Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Công ty Quản lý Tài sản JPMorgan nhận xét về nền kinh tế Trung Quốc.

Số liệu kinh tế tệ hơn dự đoán của kinh tế Trung Quốc được công bố chỉ một tuần sau khi Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận “giai đoạn một”, nhằm ngăn cho cuộc chiến thương mại trầm trọng hơn.

“Các cuộc đàm phán đang diễn ra có thể có một số tác động tích cực tới tinh thần của giới kinh doanh, nhưng mặc dù có triển vọng đạt được thỏa thuận nhỏ đó, hầu hết thuế nhập khẩu của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc vẫn giữ nguyên và đang làm tổn thương ngành xuất khẩu của Trung Quốc”, ông Zhu nói.

Theo thỏa thuận tạm thời mà Mỹ-Trung đạt được hôm thứ Sáu tuần trước, ông Trump đã hoãn tăng thuế vào ngày 15/10, đổi lại Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu mua lượng lớn nông sản Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng cho hay khía cạnh tài chính và tài sản trí tuệ cũng được bao hàm trong thỏa thuận này.

Thỏa thuận này sẽ cần vài tuần để chi tiết hóa trước khi được ông Trump và ông Tập Cận Bình duyệt lần cuối, nhiều khả năng là vào cuối tháng 11 này, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 Argentina.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ sau tin tức tiêu cực về kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông và Shanghai Composite của sàn Thượng Hải lần lượt giảm 0,5% và 1,3%.

Số liệu vừa công bố của chính phủ Trung Quốc cho thấy một số tín hiệu hồi phục của nền kinh tế vào tháng 9. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng từ 4,4% hồi tháng 8 lên 5,8%. Chỉ số bán lẻ tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với hồi tháng 8 và tăng trưởng đầu tư tài sản cố định cũng nhích lên một chút.

Phát ngôn viên của cục thống kê Trung Quốc cho hay các biện pháp kích thích kinh tế mà Bắc Kinh thực thi từ đầu năm nay, bao gồm giảm thuế, tăng đầu tư xây dựng hạ tầng và giảm giá đồng tiền đã bắt đầu lan tỏa ra khắp nền kinh tế. Tuy nhiên, một chút tín hiệu khả quan trong tháng 9 không làm vơi đi bức tranh kinh tế u ám trước mắt của Trung Quốc. Theo Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia cấp cao của Capital Economics, áp lực lên kinh tế Trung Quốc sẽ “tăng cường” trong những tháng tới.

“Nhu cầu thế giới giảm nhiệt sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu; các giới hạn tài chính cũng sẽ khiến các khoản chi cho cơ sở hạ tầng sẽ nhanh chóng mờ nhạt và sự tăng trưởng vừa qua trong ngành xây dựng bất động sản dự kiến sẽ sớm bốc hơi”, Evans-Pritchard viết trong một bài nghiên cứu, theo CNN.

Các nhà phân tích của hãng Nomura cũng cho rằng việc phục hồi kinh tế trong tháng 9 sẽ sớm chết yểu và dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ sớm rơi xuống mức 5,8% trong quý 4 vì xuất khẩu bị đình trệ do kinh tế thế giới suy giảm và cuộc chiến thương mại chưa thể chấm dứt.

Trong bối cảnh đó, giới chức Trung Quốc loan báo Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới như giảm lãi vay và tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cũng tuyên bố sẽ tiếp tục giảm thuế và gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hôm thứ Bảy, một ngày sau khi báo cáo kinh tế quý 3 của Trung Quốc được công bố, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu đoàn đàm phán thương mại với Mỹ, có động thái “xoa dịu” Mỹ khi cho hay Bắc Kinh sẽ làm việc với Washington để giải quyết “các quan ngại cốt lõi của hai bên trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau”.

Thỏa thuận giai đoạn 1 Mỹ-Trung chưa bao hàm các vấn đề gai góc mà Mỹ đòi Trung Quốc thay đổi như cơ cấu kinh tế và trợ cấp nhà nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới