Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tiếp tục leo thang xâm lấn vùng biển Việt Nam

TQ tiếp tục leo thang xâm lấn vùng biển Việt Nam

Theo dữ liệu hành trình mới nhất mà chuyên gia hàng hải của Đại học Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, cập nhật hôm 30/9, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần thứ 4.

Nhóm tàu Hải Dương 08 đã có những hành động ngày càng leo thang khi vào sâu hơn trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chỉ khoảng 100 hải lý. Khu vực mà nhóm tàu Hải Dương 08 hoạt động lần này là 9 lô dầu khí mà Trung Quốc đã công bố mời thầu trái phép năm 2012.

Khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục Việt Nam tính từ bờ biển miền Trung và miền Nam Việt Nam, chồng lên các lô dầu khí mà Việt Nam đang có các hợp đồng hợp tác dầu khí với các đối tác nước ngoài của Nga, Ấn Độ, Mỹ…

Tháng 6/2012, khi Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí ở khu vực này, Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động bất hợp pháp này của Trung Quốc. Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc mở thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã tổ chức họp báo về việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế với chín lô dầu khí nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Tại họp báo, Ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN đã đưa ra các tọa độ cụ thể khẳng định khu vực này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam và đây không phải là vùng có tranh chấp. Việc làm của CNOOC là sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển và đặc biệt không phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động dầu khí. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm và gây căng thẳng tình hình trên Biển Đông; yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái này.

Hành động mời thầu quốc tế trái phép 9 lô dầu khí tháng 6/2012 đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Một số học giả quốc tế khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò và khai thác trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc cũng gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ tại cuộc Hội thảo Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS)của Mỹ tổ chức trong hai ngày 27- 28/6/2012 tại Washington với sự tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu và luật sư đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Indonesia…..

Hiểu rõ hành động mời thầu 9 lô dầu khí của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam là bất hợp pháp,vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) nên các tập đoàn dầu khí quốc tế của các nước đều tẩy chay việc làm sai trái này của Trung Quốc.

Trong hơn 7 năm qua, kể từ khi Trung Quốc công bố mời thầu (6/2012), không một công ty dầu khí quốc tế nào hưởng ứng lời mời thầu của Trung Quốc. Trong khi đó các công ty dầu khí của Ấn Độ, Nga, Mỹ tiếp tục kiên trì triển khai các hợp đồng hợp tác dầu khí với Việt Nam bất chấp việc Trung Quốc hăm dọa, gây sức ép bởi lẽ họ hiểu rõ đây là khu vực hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 08 vào hoạt động trái phép ở khu vực này là một bước leo thang mới trong hành vi gây hấn của họ ở Biển Đông. Mục tiêu của họ là biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp này thành khu vực có tranh chấp để đòi “cùng khai thác” theo kiểu của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa ra chủ trương “tại các khu vực có tranh chấp, khi hai bên đang đàm phán, chưa giải quyết được thì gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nói như vậy nghe qua tưởng là rất thiện chí, rất phù hợp với UNCLOS 1982 vì trong UNCLOS 1982 có điều khoản nói rằng, nếu những vùng biển mà chồng lấn lên nhau, hai bên có thể ngồi đàm phán, hoạch định, ranh giới nó, nhưng trong quá trình hoạch định mà chưa đi đến giải pháp cuối cùng thì hai bên có thể dùng giải pháp tạm thời là cùng nhau khai thác khu vực tranh chấp đó. Vấn đề ở đây là vùng chồng lấn đó phải được hình thành trên cơ sở các tiêu chí của UNCLOS 1982, nhưng theo quy định của UNCLOS 1982 thì khu vực mà nhóm tàu Hải Dương hoạt động từ đầu tháng 7 đến nay hoàn toàn không liên quan gì đến Trung Quốc mà nó thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Rõ ràng, chủ trương và cách làm hiện nay của Trung Quốc là muốn biến vùng không có tranh chấp thuộc chủ quyền của người khác thành vùng có tranh chấp để chí ít họ không cho các nước khai thác tài nguyên chính đáng của người ta; nhảy vào xí phần, đề nghị cùng khai thác, không được cho nước thứ ba vào. Nếu không được thì họ làm theo kiểu các anh khai thác tôi cũng vào khai thác để dồn ép, gây sức ép. Nếu như không có sự tỉnh táo với cách làm này của Trung Quốc thì coi như họ đã thắng lợi trong ý đồ của mình.

Một số ý kiến nói rằng việc Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương địa chất 08 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến nay để “trả đũa” việc Việt Nam triển khai hoạt động ở lô 06-1 là không hoàn toàn chính xác. Đó chỉ là cái cớ mà Trung Quốc đưa ra để biện hộ cho các hành vi sai trái của họ. Những bước đi này là nằm trong tính toán sắp đặt sẵn trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và hiện nay họ đang thực hiện bước mới so với trước đây. Hoạt động vừa qua nhằm thể hiện quyền năng của họ trong mặt quản lý cái mà họ gọi là của họ, đồng thời để tranh giành tài nguyên thiên nhiên của chính các nước ven Biển Đông, mà Việt Nam là nước Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn vào.

Hôm 03/10/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa lên tiếng phản đối hành vi xâm lấn của Trung Quốc; nhấn mạnh nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương 08 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Việc phản đối về mặt ngoại giao và thông qua phát biểu của Người phát ngôn là cần thiết phải làm, đứng về mặt thủ tục pháp lý quan trọng, không thể thiếu được. Tuy nhiên, Để dư luận thấy rõ hơn về mức độ vi phạm ngày càng leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc, Việt Nam cần công bố công khai rõ tọa độ khu vực vi phạm của nhóm tàu Trung Quốc, các hành vi đe dọa trên thực địa của Trung Quốc. Một khi biết rõ mức độ vi phạm của Trung Quốc dư luận quốc tế mới có thể lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam.

Mặt khác, theo các chuyên gia quốc tế, với việc Trung Quốc ngày càng leo thang xâm lấn, Việt Nam nên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc như Philippines đã làm để có được sự ủng hộ chính thức của cộng đồng quốc tế và cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông về lâu dài.

RELATED ARTICLES

Tin mới