Tranh chấp tại biên giới Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục nóng lên sau cuộc đối đầu mới giữa quân đội hai nước tại khu vực.
Gần một năm sau khi xảy ra vụ gầm ghè nhau ở biên giới, ngay lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm thủ đô New Delhi của Ấn Độ, các lực lượng hai nước lại có cuộc đối đầu mới.
Vụ việc lần này xuất phát từ một tháp quan sát do Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dựng lên bên phần đất tranh chấp hiện do Ấn Độ kiểm soát. Theo tờ The Indian Express, tháp canh này nằm gần Đường kiểm soát thực tế (LAC), tức đường biên giới trên thực tế giữa hai nước. Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Ấn Độ cho hay tháp canh trên đã bị cảnh sát biên giới cùng lục quân nước này phá hủy vào ngày 11.9.
Ngay sau đó, PLA đã điều động lực lượng tăng cường, buộc phía Ấn Độ huy động thêm người tới khu vực, châm ngòi cho một cuộc đối đầu căng thẳng. Tờ The Indian Express hôm 13.9 cho hay các lực lượng hai bên vẫn đang trong tình trạng “trợn mắt nhìn nhau” và giới chức hai nước vẫn đang nỗ lực tìm cách hạ nhiệt tình hình.
Vị trí đối đầu mới nằm ở vùng Ladakh, nơi từng diễn ra cuộc đối đầu kéo dài 3 tuần giữa hai nước vào tháng 4.2013, khi các binh sĩ PLA đột nhập và hạ trại tại khu vực do Ấn Độ kiểm soát. Đến tháng 10.2013, hai bên ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới nhằm khai thông bế tắc trong vấn đề tranh chấp biên giới. Tuy nhiên, đợt đối mặt mới cho thấy tình hình căng thẳng ở biên giới Ấn – Trung vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Nguy cơ chiến tranh
Vụ đối đầu mới xảy ra hơn 3 tháng sau khi phía Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc xác định rõ các vị trí của hai bên dọc LAC. Cụ thể, Vụ phó Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Khê Liên tuyên bố hai bên vẫn còn nhiều trở ngại phải vượt qua trước khi có thể xác định rõ ranh giới. Thay vào đó, ông này kêu gọi hai bên sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử về vấn đề biên giới.
Theo trang tin Firstpost của Ấn Độ, việc Trung Quốc không quan tâm đến chuyện xác định rõ ràng ranh giới là một trong những dấu hiệu cho thấy nước này có thể đang lên kế hoạch tiến hành cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày như cuộc chiến năm 1962. “Điều đó cho thấy họ muốn thay đổi hiện trạng và lấy đi một phần lãnh thổ từ chúng ta”, trang này lập luận.
Trong một bài bình luận đăng trên website của Tổ chức Nghiên cứu Nam Á (SAAG), nhà phân tích chiến lược ở New Delhi, Bhaskar Roy nhận định rằng với mưu chước đề xuất thiết lập bộ quy tắc ứng xử, Trung Quốc không muốn giải quyết sớm vấn đề biên giới trước khi “củng cố tuyên bố chủ quyền của họ trên lãnh thổ Ấn Độ”.
Vào tháng 7, tờ Hoàn Cầu thời báo loan tin PLA đã triển khai tên lửa phòng không HQ-9 tới căn cứ không quân Hòa Điền ở phía nam Khu tự trị Tân Cương nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiềm tàng với Ấn Độ. Sân bay này cách vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát chỉ 260 km nên oanh tạc cơ JH-7A của Trung Quốc đóng tại đây có thể tiến hành không kích nhắm vào các mục tiêu ở Ấn Độ.
Việc ứng phó với một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc là vấn đề thu hút sự quan tâm của báo giới và chuyên gia an ninh Ấn Độ trong thời gian qua. Theo nhà phân tích Roy, lựa chọn duy nhất đối với Ấn Độ là tăng cường vị thế và khả năng phòng thủ dọc biên giới hai nước. Thực tế, New Delhi đang tăng tốc nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc biên giới và tăng cường hiện diện binh sĩ, cảnh sát ở biên giới. Còn theo Firstpost, chính phủ Ấn Độ cần tăng cường khả năng cho lục quân để có thể sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá các khu vực ở biên giới do New Delhi kiểm soát, nhanh chóng thành lập một quân đoàn sơn cước mới, đầu tư cơ sở hạ tầng biên giới và triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh được đẩy mạnh kể từ khi chính phủ Ấn Độ hồi tháng 9.2014 nới lỏng quy định xây dựng đường sá và các cơ sở quốc phòng ở khu vực. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, Prakash Javadekar từng tuyên bố ông đã nới lỏng các quy định về môi trường trong phạm vi 100 km từ biên giới ở Arunachal Pradesh để tăng tốc việc xây dựng khoảng 6.000 km đường. Ông Javadekar nói rõ: “Điều này nhằm chuẩn bị cho quốc phòng… Ở phía kia, Trung Quốc không chỉ xây đường mà còn xây cả mạng lưới đường sắt”.