Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl Schultz (21/10) cho biết, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương phối hợp cung Bộ Tư lệnh Ấn – Thái Bình Dương tiến hành các hoạt động quốc phòng và an ninh ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Đô đốc Karl Schultz, “Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ hợp tác với các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng như năng lực của họ. Vì vậy, đã có một câu chuyện thực sự tích cực với Cảnh sát biển Việt Nam”; đồng thời cho biết “nhiều quốc gia Ấn – Thái Bình Dương thiếu năng lực giám sát vùng biển chủ quyền của họ. Trước hành vi cưỡng chế và đối kháng từ Trung Quốc, Tuần duyên Mỹ đưa ra sự tham gia và hợp tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên nghiệp và cá nhân”, đồng thời cam kết “Mỹ sẽ hỗ trợ đào tạo kiến thức chuyên môn phù hợp và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực tăng cường năng lực an ninh hàng hải”.
Đô đốc Schultz lấy dẫn chứng cụ thể: “Tôi muốn nói với các bạn rằng chúng tôi đã nhìn thấy những nơi như đá Chữ Thập – nơi đây từng không tồn tại sự sống nhưng đã bị biến thành một hòn đảo nhân tạo và trên đó giờ còn xuất hiện cả cơ sở quân sự. Chúng ta rõ ràng từng nghe thấy lời tuyên bố nói về việc không quân sự hóa trong khu vực và rồi sau đó chúng ta lại nhìn thấy những hành vi hoàn toàn khác”. Đô đốc Schultz cho rằng việc Trung Quốc đi ngược với tuyên bố, tiến hành quân sự hóa Biển Đông là một phần trong tham vọng của nước này mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Do đó, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đóng góp một phần trong kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm đưa ra phản ứng cụ thể, tập trung vào việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận; khẳng định, Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động trong khu vực để đảm bảo mục tiêu này.
Trước đó, Đô đốc Schultz (23/7) cho biết, hoạt động của USCG ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm giúp các nước trong khu vực củng cố năng lực thực thi chủ quyền. Ông nhấn mạnh USCG đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang tăng cường quy mô và năng lực của lực lượng. Mỹ đã chuyển nhiều tàu tuần tra có năng lực cao từng qua sử dụng, cụ thể là tàu lớp Hamilton, cho các nước như Philippines, Lanka và Việt Nam. Mỹ hy vọng họ có thể phát triển và sử dụng những nguồn lực này để chủ động thực thi lợi ích chủ quyền trong khu vực. Đô đốc Schultz cho biết USCG được huy động hỗ trợ tại khu vực theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, lực lượng cũng giúp củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, chuyển giao nhiều tàu tuần tra năng lực hoạt động cao cho các nước. Ngoài ra, Đô đốc Schultz nhận định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ và quốc tế. USCG hiện diện tại khu vực nhằm mang đến “hình mẫu về minh bạch” trong quản trị các vấn đề hàng hải dựa trên pháp luật.
Trong những năm gần đây, để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cũng nhủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, Cảnh sát biển đã, đang và sẽ tiếp tục được ưu tiên nâng cao năng lực thực thi hàng hải. Cảnh sát biển Việt Nam hiện được trang bị các loại phương tiện, vũ khí hiện đại như tàu đa năng DN 2000, tàu kéo cứu nạn 3500 CV, máy bay CaSa 212-400, thiết bị tuần thám MS 600, cùng các thiết bị trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy, chống cướp biển khác. 2 tàu tuần tra đa năng cỡ lớn nhất của VCG mang số hiệu CSB 8001, CSB 8002 được trang bị pháo nòng đôi cỡ 25mm cùng các súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm, vòi phun nước tốc độ cao 6,6m/phút, đặc biệt là hệ thống vũ khí âm thanh LRAD do Mỹ chế tạo. Chức năng của hệ thống này đóng vai trò như một thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như: tuần tra trên biển, chống cướp biển, giải tán biểu tình.