Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ trương, chính sách và hoạt động của Indonesia trong vấn đề...

Chủ trương, chính sách và hoạt động của Indonesia trong vấn đề Biển Đông năm 2019

Trong năm qua, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông, Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã tăng cường các hoạt động trên thực địa, xử lý mạnh tay đối với tàu cá nước ngoài, thúc đẩy phân định biển với một số nước trong khu vực…

Tăng cường các hoạt động trên thực địa

Trong năm 2019, Indonesia đã có một số điều chỉnh chính sách quân sự, tăng cường hiện diện tại vùng biển Natuna; đồng thời thiết lập thêm một số căn cứ quân sự mới ở Biển Đông, cụ thể:

Tổng thống Joko Widodo (5/10) cho biết sau khi khánh thành căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, 4 căn cứ khác sẽ được thiết lập tại Biak, Merauke, Morotai và Saumlaki nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp giữ 3 quân chủng hải, lục và không quân tại các khu vực biên giới trên biển. Đảo Biak và thị trấn ven biển Merauke thuộc tỉnh Papua trong khi Saumlaki nằm trên đảo Jamdena thuộc tỉnh Maluku gần biên giới trên biển với Australia và Timor Leste. Căn cứ quân sự trên đảo Morotai thuộc tỉnh Bắc Maluku sẽ cho phép TNI kiểm soát vùng biển gần phía Nam Philippines chặt chẽ hơn. Trước đó, quân đội Indonesia tuyên bố rằng các hòn đảo nhỏ trên các vùng biển của nước này có thể hoạt động giống như những “tàu sân bay” cho phép TNI nhanh chóng triển khai máy bay chiến đấu và binh sỹ tới các khu vực xung đột. Trong khi đó, Hãng thông tấn chính thức Antara cho biết, việc thành lập 3 bộ chỉ huy khu vực mới – quy tụ các lực lượng hải quân, không quân và lục quân – phân chia lãnh thổ Indonesia thành 3 quân khu nhằm tăng tính linh hoạt và cho phép quân đội Indonesia phản ứng nhanh hơn trước các mối đe dọa an ninh. Trước đó, Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto (18/12) tuyên bố quân đội Indonesia sẽ thành lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna gần khu vực Biển Đông. Theo đó, căn cứ quân sự này này nằm trong Bộ Chỉ huy hỗn hợp phòng thủ khu vực, có trụ sở đóng tại được tỉnh đảo Riau, Indonesia. Sau khi được thành lập, căn cứ quân sự này sẽ bao gồm vài trăm quân nhân và các lực lượng kỹ thuật quân sự, với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các nguy cơ như đánh bắt cá trái phép và tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, căn cứ này được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không cùng các cơ cở khác như một cảng, nhà chứa máy bay quân sự và một bệnh viện.

Trong một diễn biến khác, Cảnh sát Quốc gia Indonesia (5/7) xác nhận nước này đã triển khai chiến hạm KP Yudistira (8003), tàu tuần tra lớn nhất của Indonesia từ trước tới nay đến Biển Đông nhằm đối phó với thách thức an ninh từ Trung Quốc. Chiến hạm KP Yudistira (8003) sẽ bắt đầu hoạt động ở ngoài khơi đảo Batam từ giữa tháng 6, triển khai các hoạt động trong và xung quanh quần đảo Riau ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Natuna.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan (20/2) cho biết, Indonesia có kế hoạch mở một vùng đánh bắt cá mới ở vùng biển Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở rìa phía Nam của Biển Đông. Khu vực này từng bị Trung Quốc (2016) tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, Indonesia hiện duy trì một tàu hải quân và một tàu cung cấp dầu trong vùng biển Natuna để bảo vệ, cũng như cung cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển này. Thời gian tới, Indonesia sẽ triển khai thêm một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm mở khu vực đánh bắt cá ở Natuna là nhằm ngăn chặn “nước khác” tuyên bố khu vực này là ngư trường truyền thống của họ, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc.

Tiếp tục xử lý mạnh tay đối với tàu cá nước ngoài

Indonesia (4/5/2019) đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, 6 thuyền Malaysia, 2 thuyền Trung Quốc và 1 thuyền Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia. Theo thống kê không chính thức, tính từ tháng 12/2014 đến nay, hơn 500 chiếc thuyền các nước bị đánh chìm, bao gồm 284 tàu cá Việt Nam, sau khi bị bắt với cáo buộc “đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia”.

Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia Susi Pudjiastuti tuyên bố rằng đó là hành động cần thiết để “cảnh báo” các nước láng giềng rằng Indonesia nghiêm túc chống lại chuyện đánh cá trái phép; nhấn mạnh Indonesia chịu tổn thất kinh tế lớn vì các luật lệ lỏng lẻo, dẫn tới việc các tàu cá nước ngoài đánh bắt trong lãnh hải Indonesia. Được biết, chủ trương đánh chìm tàu cá của Indonesia được Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti tích cực triển khai. Bà Susi Pudjiastuti cho rằng kế hoạch của Indonesia là “răn đe” bằng việc cho nổ các phương tiện, công bố hình ảnh và chứng minh với thế giới rằng Indonesia nghiêm túc trong việc “bảo vệ” tài nguyên thiên nhiên.

Thúc đẩy trao đổi, đàm phán với các nước về phân định biển

Trong năm 2019, Indonesia đã tích cực thúc đẩy đàm phán phân định biển với một số nước và đã đạt được một số kết quả khả quan, cụ thể:

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí hai nước sớm thông qua Thỏa thuận phận định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên biển. Theo đó, Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa chính phủ Philippines và Indonesia đã hoàn thành và sẽ được thực thi trong năm nay; đồng thời khẳng định Hiệp định trên sẽ cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý trong phân định ranh giới EEZ giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn ở lĩnh vực hàng hải giữa hai bên, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển kinh tế của cả hai quốc gia cũng như khu vực; nhấn mạnh văn bản này giúp chấm dứt tình trạng chồng lấn EEZ giữa hai nước. Được biết, Philippines và Indonesia nhất có EEZ chồng lấn trên biển Sulu và Celebes, cũng như ở khu vực phía Nam biển Philippines thuộc Thái Bình Dương. Việc Indonessia và Philippines gần đây kết thúc quá trình đàm phán về ranh giới biển là một bước phát triển có ý nghĩa đối với 2 quốc gia thành viên ASEAN. Việc đàm phán giữa 2 nước bắt đầu vào tháng 6/1994 và bị ngưng trệ cho đến năm 2003. Đến tháng 12/2003, hai nước tái khởi động lại việc đàm phán ranh giới biển. Giới chuyên gia nhận định, đàm phán với Philippines thực sự có ý nghĩa do  cả Indonesia và Philippines đều là 2 quốc gia quần đảo lớn nhất trên thế giới và là những người khỏi xướng chế định pháp lý về quốc gia quần đảo và cũng là thành viên Công ước Luật biển 1982. Tuy nhiên, một di sản lịch sử Philippines thừa hưởng đó là đường ranh giới hình chữ nhật theo Hiệp ước Paris 1898 kết thúc cuộc chiến tranh Mỹ- Tây Ban Nha đã để lại những đường ranh giới biển không rõ ràng giữa Manila với các quốc gia láng giềng. Trong khi đó, Indonesia lập luận rằng đường ranh giới hình chữ nhật theo Hiệp ước 1898 không phù hợp với Công ước Luật Biển 1982 mà cả Indonesia và Philippines đều là thành viên.

Trong chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (8/10) cũng đã đạt được thỏa thuận khung về việc giải quyết tranh chấp liên quan quản lý Vùng thông báo bay trên khu vực đảo Riau và huấn luyện quân sự trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhiều năm qua, Vùng thông báo bay (FIR) trên khu vực đảo Riau vẫn đang được Singapore quản lý dựa trên những thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hàng không. Phía Indonesia đang tìm cách tiếp nhận lại quyền kiểm soát vùng thông báo bay này. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định Singapore mong muốn hai nước thảo luận vấn đề này theo cách cởi mở và xây dựng. Tổng thống Joko Widodo cho hay Indonesia rất hoan nghênh bộ khung thỏa thuận đàm phán về FIR và cho rằng FIR không chỉ là vấn đề chủ quyền mà còn cần phải đảm bảo yêu cầu về an toàn và hiệu quả hàng không. Về lĩnh vực quân sự, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định quan hệ quốc phòng hai nước vững chắc và tiếp tục được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua hàng loạt các cuộc tập trận chung và trao đổi đoàn giữa các cơ quan quốc phòng. Singapore muốn Indonesia tôn trọng và công nhận quyền của Singapore trong việc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự trên Biển Đông theo Điều 51 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Indonesia và Bộ Quốc phòng Singapore cũng nhất trí thiết lập cơ chế thường niên về trao đổi và đối thoại quốc phòng là Chương trình Trao đổi Kemhan-Mindef. Theo đó, sáng kiến này sẽ cho phép quân đội hai nước trao đổi thường xuyên những thông tin và quan điểm hai bên, đồng thời tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước. Hai nước cũng nhất trí tổ cuộc tập trận chung Huấn luyện Thực địa chống khủng bố năm 2020 tại Indonesia.

Xu hướng chính sách của Indonesia

Thời gian tới, Indonesia tiếp tục triển khai chính sách biển đảo trên nền tảng chủ trương, chính sách đề ra trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, Indonesia sẽ tích cực triển khai một số biện pháp để phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia.

Theo đó, chính sách Biển của Indonesia sẽ đi sâu vào việc quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Tổng thống Widodo sẽ đề ra các chính sách tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ tập trung vào một số ưu tiên chính như biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

Về vấn đề kiểm soát, ngăn chặn tàu cá các nước hoạt động trong “vùng biển” của Indonesia, Tổng thống Widodo sẽ tiếp tục thực hiện chính sách như hiện nay, song có phần cứng rắn và cương quyết hơn nhằm “cảnh báo” các nước láng giềng rằng Indonesia nghiêm túc chống lại chuyện đánh cá trái phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới