Ngày 24/10, sau gần 4 tháng hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam, nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút về Tam Á.
Theo dữ liệu từ Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời khỏi Vùng Đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam và di chuyển về Tam Á, Hải Nam, dưới sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác
Tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ cuối tháng 06/2019, thoạt đầu hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam gần Bãi Tư Chính, rồi sau đó đi ngược lên khảo sát một dải biển dọc theo bờ biển miền Nam Trung Bộ, ngang tầm Phan Thiết ở phía dưới và Bình Định ở phía trên, càng ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km, tức là rất sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam. Song song với việc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam, từ cuối tháng Sáu cho đến nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục sách nhiễu và tìm cách cản trở hoạt động của giàn khoan Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Theo Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung Quốc đã đạt được đa mục tiêu sau gần 4 tháng triển khai các hoạt động của tàu thăm dò địa chất này, cùng với đội tàu hộ tống, áp tải; đồng thời cho rằng Trung Quốc rút tàu còn có lý do cân nhắc tam giác quan hệ an ninh Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, đặc biệt trong tình hình Mỹ có các điều chỉnh trên bàn cờ an ninh chiến lược quốc tế, mà trong nội bộ Việt Nam có sự nhận thức mới. Đáng chú ý, chuyên gia Hà Hoàng Hợp (Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS -Yusof Ishak ở Singapore) nhận định “rất có khả năng Trung Quốc sẽ cho một giàn khoan dầu đến khu vực mà tàu Địa Chất Hải Dương 8 đã điều tra địa chấn trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Liên quan việc Trung Quốc rút tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (24/10) đã xác nhận thông tin trên và cho biết, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đã hoạt động thăm dò trong vùng biển “thuộc quyền quản hạt của Trung Quốc ở Biển Đông” từ tháng 7 và nay đã “hoàn thành nhiệm vụ tác nghiệp”.
Trong khi đó, kể từ khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lãnh đạo các cấp của Việt Nam, Bộ Ngoại giao, các tổ chức xã hội… đều đưa ra các tuyên bố phản đối, đồng thời lên án hành vi trên của Trung Quốc. Không những vậy, chính giới nhiều nước, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trong khu vực và quốc tế đều thể hiện thái độ bất bình, lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc, đồng thời thể hiện thái độ ủng hộ hoạt động của Việt Nam ở Biển Đông. Dưới sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc buộc phải rút nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 khỏi Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này cho thấy, công lý và lẽ phải luôn chiến thắng cường quyền.