Ngày 24/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu quan trọng kéo dài 40 phút tại sự kiện do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington. Phó Tổng thống Mỹ đã lên án mạnh mẽ hành vi Trung Quốc ở Biển Đông.
Bối cảnh diễn ra bài phát biểu
Bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động ngang ngược, đơn phương ở Biển Đông và các tuyên bố trước đó của giới lãnh đạo Mỹ gọi là “bắt nạt” hay “dọa nạt” các nước láng giềng. Phát biểu của Phó Tổng thống Pence được đưa ra ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại Chile vào tháng 11. Nhà Trắng tỏ ý hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ ký một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sự kiện này. Nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông từ tháng 7. Việt Nam đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc, khẳng định các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đã rời vùng biển Việt Nam từ hôm 24/10 và đang thực hiện hành trình về Trung Quốc, Reuters dẫn dữ liệu của trang web theo dõi định vị tàu biển Marine Traffic cho biết. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều quan chức, nghị sĩ Mỹ trước đó bày tỏ quan ngại về hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam của tàu Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
“TQ hành động hung hăng, gây bất ổn khi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông”
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc Trung Quốc hành động hung hăng, gây bất ổn khi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. “Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng các tàu ‘dân quân biển’ để thường xuyên hăm dọa thủy thủ và ngư dân Malaysia, Philippines. Hải cảnh Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản Việt Nam tiến hành hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển của Việt Nam”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết.
Phó Tổng thống Pence đã chỉ trích hàng loạt chính sách của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh chưa có hành động đáng kể nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, trong khi các động thái của nước này ngày càng hung hăng và gây bất ổn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đứng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hồi năm 2015 từng khẳng định nước này “không có ý định quân sự hóa” Biển Đông, nhưng họ đã triển khai tên lửa chống hạm và phòng không hiện đại tới các đảo nhân tạo được cải tạo trái phép tại đây”, Phó Tổng thống Mỹ nói thêm.
Ông cho rằng các hành động quân sự hóa và cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực những năm qua “ngày càng khiêu khích”. Phó Tổng thống Pence khẳng định Mỹ giờ đây coi Trung Quốc là một đối thủ kinh tế và chiến lược, quan điểm được thể hiện trong báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và được đông đảo người dân Mỹ ủng hộ.
Tại diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 hôm 21/10 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng đã có bài phát biểu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Đông và Hoa Đông đang tranh chấp với các nước. Ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu hồ đồ rằng “các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi”.
Trong khi đó, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn Hương Sơn lần này tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung. Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói: “Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Chúng tôi cho rằng sự khác biệt giữa các bên là khó tránh khỏi nhưng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực”.