Trong năm qua, để bảo vệ lợi ích và hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng, Pháp đã tăng cường hiện diện quân sự, phối hợp chặt chẽ với đồng minh .
Tăng cường tuần tra, tập trận ở Biển Đông
Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck (10/10) cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo thông tin trên, Chính phủ Pháp mới đây khẳng định, nước này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo an toàn hàng hải tại các vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong thời gian tới quân đội nước này sẽ phối hợp cùng đối tác tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực này.Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle.Ngoài ra, hải quân hai nước thống nhất sẽ trao đổi để không tuần tra trên cùng một vùng biển, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, tập trận chống ngầm và đổ bộ, trao đổi binh sĩ trên các tàu ngầm của hai nước. Trong năm 2020, hải quân Pháp sẽ cùng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài khơi New Caledonia. Đô đốc Prazuck khẳng định, Pháp quan ngại mỗi khi luật biển bị đe dọa. Mỗi quốc gia có chương trình nghị sự và mục tiêu riêng, nhưng điều quan trọng là cùng chia sẻ thông điệp cần bảo vệ luật biển. Việc Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực Biển Đông thời gian gần đây là nhằm khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải tại các vùng biển mở.
Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne (28/6) tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo ông Jean-Baptiste Lemoyne, “Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này”; đồng thời nhấn mạnh Pháp là một phần thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Paris có 7.000 binh sĩ ở khu vực này và đó là bằng chứng cho cam kết của Pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này.
Đáng chú ý, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 18, Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (1/6) đã công bố chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, đồng thời khẳng định Pháp sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông tối thiểu hai lần mỗi năm. Tại Đối thoại, Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Pháp với 5 điểm nhấn: Thứ nhất, “bảo vệ quyền lợi về chủ quyền, của các công dân, bảo vệ lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế” của nước Pháp. Để hoàn thành những mục tiêu đó Paris đã huy động 7.000 lính đến khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của những người lính này rất rõ ràng: “chống khủng bố, các tổ chức tội phạm, và chống lại mọi hành vi thù nghịch nhắm vào chủ quyền quốc gia của nước Pháp”. Thứ hai, trong chiến lược an ninh được bộ trưởng Pháp, Florence Parly đề cập đến là “đóng góp duy trì ổn định khu vực qua việc tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh và quân sự. Ấn Độ và Australia là hai đối tác then chốt” của Pháp. Thứ ba, cùng với các đối tác trong vùng, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Pháp sẽ “tiếp tục tuần tra Biển Đông tối thiểu mỗi năm hai lần”. Bà Parly cũng tuyên bố không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và lên án chủ trương “sự đã rồi” của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng bộ trưởng Quân Lực Florence Parly bồi thêm “Pháp không để bất cứ một quốc gia nào uy hiếp”. Bà gián tiếp nhắc đến sự cố hồi tháng 4/2019 khi Trung Quốc đã uy hiếp chiến hạm Vendémiaire của Pháp đi ngang qua eo biển Đài Loan. Thứ tư, liên quan hạt nhân Bắc Triều Tiên, Pháp “ủng hộ những nỗ lực ngoại giao” để đạt được đến mục đích “giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách không thể đảo ngược” và những cam kết trên hồ sơ này sẽ phải được tôn trọng. Thứ năm, bà Florence Parly cho rằng, phòng chống thiên tai, giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây nên trong vùng châu Á Thái Bình Dương cũng là một ưu tiên của Pháp.
Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia (16/5) lần đầu tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Pháp (6/4) đã điều tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực thi quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc. Phản ứng trước hành động trên của Pháp, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhâm Quốc Cường (25/4) cho biết Bắc Kinh đã gửi kháng thư phản đối Pháp cho tàu Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan, đồng thời khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” đối với vùng biển này. Trung Quốc trước đó đã hủy lời mời tàu chiến Pháp tham gia lễ duyệt binh trên biển nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này hôm 23/4.
Thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Nam Catherine Deroche, hai bên nhất trí quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm quyền khai thác trong vùng thềm lục địa của nước khác. Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt Catherine Deroche bày tỏ hoan nghênh lập trường ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Trong cuộc gặp giữa tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery và Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Đại sứ Pháp (26/10) nhấn mạnh Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề biển Đông là phải đàm phán đa phương dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không. Trong cuộc gặp, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá cao quan điểm của Pháp về Biển Đông, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời mong muốn Pháp và Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC)…
Trong khi đó, tân Đại sứ Pháp Nicolas Warnery nhấn mạnh Pháp có cùng quan điểm với Việt Nam về vấn đề Biển Đông là phải đàm phán đa phương dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không. Về hợp tác song phương, ông Nicolas Warnery cho rằng quan hệ Pháp – Việt Nam đang phát triển ở tầm cao mới mà biểu hiện sinh động là nhiều dự án hợp tác giữa 2 nước đang được triển khai.
Nhìn chung, dư luận đánh giá tích cực các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Pháp ở Biển Đông, cho rằng Pháp đang đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực. Trang mạng China Topix (của Mỹ) cho rằng “Pháp sẽ thúc giục các nước EU phối hợp tuần tra hải quân nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt ở vùng biển tranh chấp, như dấu hiệu mới nhất của nỗ lực quốc tế chống lại hành vi quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông để củng cố yêu sách lãnh thổ phi pháp của mình”. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đánh giá đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với việc Trung Quốc bành trướng quân sự trên Biển Đông. Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện kinh tế, và lo ngại rằng việc để mất tự do hàng hải trên Biển Đông có thể dẫn tới tình trạng tương tự ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải. Báo Philstar (Philippines) cho rằng với việc thực hiện các cam kết tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Pháp hiện đang dẫn đầu châu Âu trong nỗ lực phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định với việc Pháp tích cực tuần tra ở Biển Đông cho thấy Mỹ không còn là nước duy nhất ở phương Tây tham gia vào khu vực Biển Đông. Hành động của Pháp cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron đang đưa ra những chính sách hữu hiệu, thực tế hơn so với người tiền nhiệm trước thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực này. Ông Gavin Williamson cho biết, lợi ích kinh tế của Biển Đông không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Hiện Pháp, Anh, Australia và nhiều nước khác đều đang tuyên bố quyền lợi đi lại ở khu vực này.
Thời gian tới, để đảm bảo lợi ích trong khu vực, cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, Pháp sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.