Từ năm 2014 đến nay, song hành với việc khẩn trương, gấp rút bồi lấp các đảo đá, bãi ngầm chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo, Trung Quốc đồng thời triển khai xây dựng nhiều loại công trình quân sự trên các đảo nhân tạo đó và cứ sau khi mỗi đảo, bãi được bồi lấp là ngay lập tức xuất hiện các cơ sở hạ tầng quân sự như doanh trại, sân bay, bến cảng, đồn canh, tháp pháo cùng với các trang bị, vũ khí, binh lực được bố trí, lắp đặt và vận hành. Giới quân sự các nước trong và ngoài khu vực đều theo dõi, ghi nhận được sự xuất hiện và hoạt động ngày càng tăng của máy bay, tên lửa, radar và các thiết bị quân sự hiện đại của Trung Quốc tại Biển Đông. Hầu hết trong số họ đều đánh giá: Đây là những bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc theo đuổi chiến lược “quân sự hóa” Biển Đông nhằm khống chế và tiến tới “độc quyền kiểm soát” Biển Đông. Hãy xem họ “quân sự hóa” 7 đảo đá và bãi san hô gồm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Xu Bi và Vành Khăn nằm trong quần thể thuộc huyện đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như thế nào.
Tại Bãi Chữ Thập: Bãi Chữ Thập có tên quốc tế là Fiery Cross Reef hay là North West Investigator Reef, nằm ở tọa độ 9º 35’N, 112º 54’E, trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, có chiều dài 14 hải lý, tổng diện tích khoảng 110km2 và được xem là một trong những thực thể địa lý lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Khi thủy triều lên, đa số bãi chìm dưới nước, tuy nhiên vẫn có một số điểm còn nổi trên mặt nước. Dù vậy, bãi cạn này vẫn có vị trí địa chiến lược quân sự quan trọng trong quần thể quần đảo Trường Sa. Từ trước năm 1988, Trung Quốc chưa hề có mặt ở quần đảo Trường Sa nói chung và bãi Chữ Thập nói riêng. Cuối tháng 01/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp bãi san hô này. Từ đó đến trước năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng tại đây một tòa nhà bê tông dài 60m làm trạm đồn trú cho lực lượng hải quân đánh bộ, trang bị kèm theo một số thiết bị radar và giám sát, 1 sân bay trực thăng, một số bệ súng, pháo ven biển và hệ thống phóng lựu chống biệt kích. Họ còn xây dựng 1 nhà trồng rau xanh để cải thiện đời sống cho số quân đồn trú trên bãi này. Từ tháng 8/2014, Trung Quốc đẩy nhanh quy mô cải tạo bãi Chữ Thập thành đảo nhân tạo, nâng diện tích bồi lấp, cơi nới tăng thêm tới 2,65km2, có cả một hồ nhân tạo rộng tới 52ha ở phía bắc và bồi đắp được một bãi đất dài khoảng 3.000m, rộng từ 200 – 300m để xây dựng đường băng sân bay quân sự. Đến tháng 5/2015, Trung Quốc đã xây dựng trên đảo nhân tạo này một công trình ngầm lớn, một cụm 7 tòa nhà cao 5-6 tầng, 30 nhà trung bình, 1 đường băng sân bay với đài chỉ huy không lưu, đài radar không lưu và 30 nhà chứa máy bay. Tại cụm tòa nhà lớn, họ bố trí trạm radar hải đối hải, trạm quan trắc biển, an ten liên lạc vệ tinh, bệnh viện cấp 2… Ở phía đông nam đảo, họ còn xây thêm một bãi đáp trực thăng, còn ở phía tây bắc đã hoàn thành 9 cầu tàu cho tàu quân sự, bán quân sự ghé đậu.
Tại Bãi đá Châu Viên: Bãi đá Châu Viên có tên quốc tế là Cuarteron Reef, nằm ở tọa độ 8º 53’N, 112º 51’05”E, có chiều dài tính theo trục Đông – Tây là 3 hải lý, tương đương 5,56km và diện tích đạt 8km2. Trừ một số điểm nổi lên ở phía bắc với độ cao 1,6m so với mặt nước biển thì đa số bãi đá này chìm dưới nước khi thủy triều lên. Bãi đá này bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp vào ngày 18/02/1988. Tính đến tháng 01/2015, Trung Quốc đã bồi lấp bãi đá này thêm được 0,3 – 0,4km2 diện tích mới và đã xây dựng 1 doanh trại cho quân đồn trú, 1 bức tường chắn sóng biển, 1 hải đăng cao 50m, 1 sân bay trực thăng và 1 bến cảng quân sự. Gần đây, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã bố trí một hệ thống radar tần số cao mới trên đá Châu Viên và có nhiều dấu hiệu cho thấy một hệ thống cầu cảng và nhà ở quân sự sẽ được xây dựng.
Tại Bãi Ga Ven: Bãi Ga Ven có tên quốc tế là Gaven Reefs, nằm ở tọa độ 10º 12’N, 114º 13’E, bao gồm hai rạn đá ngầm nửa nổi, nửa chìm khi thủy triều lên: Đó là đá Ga Ven ở phía bắc và đá Lạc ở phía nam. Bãi Ga Ven nằm trong lãnh hải của đảo Nam Yết và cách đảo Nam Yết 7 hải lý về phía đông và 8,5 hải lý về phía đông đông bắc. Đá Ga Ven ở phía bắc có diện tích rộng khoảng 0,86km2, đá Lạc ở phía nam nhỏ hơn và có diện tích 0,67km2. Tháng 2 năm 1988, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm bãi Ga Ven thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 2015, Trung Quốc đã sử dụng tàu hút bùn và tầu kéo để nạo vét và cải tạo bãi đá Ga Ven trở thành một căn cứ quân sự trên một diện tích 15ha. Hiện nay, tại bãi đá Ga Ven, Trung Quốc đã xây dựng 1 tòa nhà kiên cố 8 tầng cao 30m, bốn góc nhà có bố trí lỗ châu mai, trên nóc có 2 radar hàng hải, 2 antel Parabol, tầng 5 của tòa nhà lắp 4 ụ pháo 7 nòng 30mm, tầng 1 có 4 ụ pháo 76mm. Ở hướng tây bắc – đông nam Ga Ven, Trung Quốc xây một bãi lớn bằng bê tông có cầu cảng dài 100m cùng với nhiều ụ súng, pháo, radar và các thiết bị thông tin khác. Ở phía đông nam Ga Ven, Trung Quốc xây dựng 1 sân bay trực thăng diện tích 33m x 33m với một thực thể khác giống như tháp phòng không.
Tại bãi Tư Nghĩa hay còn gọi là bãi Huy Gơ, có tên quốc tế là Hughes Reef, nằm ở tọa độ 9º 55’N, 114º 30’E. Bãi Tư Nghĩa thuộc cụm đảo Sinh Tồn và nằm trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn, khi thủy triều xuống thấp, bãi này nổi lên trên mặt nước. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi Tư Nghĩa vào tháng 2/1988 và khi đó, tại bãi cạn này, Trung Quốc mới chỉ xây dựng một công trình nhà ở tạm với diện tích 380m2. Đến năm 1990, họ mới xây dựng 1 nhà 2 tầng với cầu cảng, lô cốt, ụ pháo và đài thông tin liên lạc. Nhưng đến năm 2015, bãi cạn này đã được bồi lấp thành đảo nhân tạo với diện tích 9,5ha và trên đó đã xuất hiện 1 tòa nhà cao 8 tầng với lỗ châu mai được bố trí ở 4 góc nhà. Cũng như tòa nhà 8 tầng ở bãi Ga Ven, tòa nhà này có 2 radar hàng hải, 2 antel Parabol, 1 thiết bị liên lạc vệ tinh ở trên nóc; tầng 6 có lắp radar điều khiển hỏa lực; tầng 5 lắp đặt 4 ụ pháo 30mm; tầng 1 có 4 ụ pháo 76mm. Còn bãi đáp trực thăng, cầu cảng và tháp viễn thông 4G nằm ở phía đông.
Tại đá Gạc Ma: Đá Gạc Ma có tên quốc tế là Johnson South Reef, nằm ở tọa độ 9º 42’N, 114º 17’E. Đây là một rạn đá ngầm mầu nâu được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Qua khảo cứu nhiều nguồn tư liệu cho thấy, một số tảng đá lớn ở phía đông nam của rạn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều dâng cao, có tảng lớn nhất cao 1,2m, còn các phần khác của rạn thì chìm dưới nước. Gạc Ma được xem là điểm đầu mút về phía đông nam của cụm đảo Sinh Tồn với diện tích khoảng 13,2ha. Đá Gạc Ma có vị trí địa lý chiến lược quân sự rất quan trọng trong khu vực Biển Đông nên Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ ngày 14/03/1988. Nói đến đá Gạc Ma, không ai không nhớ đến hình ảnh 64 cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung Quốc xem Gạc Ma giống như Chữ Thập, là hai vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Do đó, tốc độ và quy mô cải tạo để biến bãi đá này thành đảo nhân tạo là rất nhanh và lớn để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự. Tại đá Gạc Ma, Trung Quốc đã bồi lấp đá này lên tới 7km2, xây dựng một đê chắn sóng xung quanh để bảo vệ. Trên phần diện tích bồi lấp, họ xây dựng một tòa nhà kiên cố cao 8 tầng có thiết kế các lỗ châu mai. Trên nóc nhà có bố trí 2 radar hàng hải, 2 antel Parabol; trên tầng 5 của tòa nhà, lắp 2 ụ pháo 7 nòng loại 30mm; dưới tầng 1 cũng có 2 ụ pháo 76mm. Ở hướng Đông Bắc Gạc Ma cũng bố trí các ụ pháo 30 và 76mm. Ngoài ra còn có 1 sân bay trực thăng, 1 cầu cảng quân sự, 2 tháp radar đối không, 1 tháp antel liên lạc viễn thông 4G, 2 cột điện gió và 1 ngọn hải đăng.
Tại bãi đá Xu Bi: Bãi đá Xu Bi có tên quốc tế là Subi, nằm ở tọa độ 10º 54’N, 114º 06’E, có hình dạng như một viên kim cương với trục dài khoảng 3,7 hải lý nằm theo hướng Đông – Đông Bắc và trục ngắn hơn có độ dài khoảng 2,7 hải lý. Bãi đá Xu Bi nằm trong cụm đảo Thị Tứ và cách đảo Thị Tứ khoảng 14 hải lý và là một thực thể địa lý nằm xa nhất về phía bắc bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép. Tại bãi đá Xu Bi, Trung Quốc đã bồi đắp mở rộng thêm được 456ha và cho xây 1 bãi đáp trực thăng, 1 đồn gác bằng bê tông để cho quân đồn trú.
Tại bãi Vành Khăn: Vành Khăn có tên quốc tế là Mischief Reef nằm ở tọa độ 9º 55’N, 115º 32’E cách cụm đảo Sinh Tồn khoảng 50 hải lý, tương đương 92,6km. Bãi Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng từ tháng 2/1995. Dựa vào cấu tạo địa chất ở đây là bãi san hô có hình vành khăn với đường kính đến 7,4km nên Trung Quốc bồi lấp bãi này thành một đảo nhân tạo có vụng biển ở giữa. Góc rộng nhất được xây dựng sân bay quân sự với đường băng dài 2644m x 54m; diện tích còn lại được sử dụng xây dựng 1 tòa nhà bát giác, 1 antel vệ tinh, 7-8 cột điện gió, trạm radar… Ở phía tây nam, xây dựng cầu cảng và có lối thông vào vụng biển. Do đó, Vành Khăn trở thành căn cứ cho tàu chiến, tàu bán quân sự của Trung Quốc neo đậu.
Đó là chưa kể, năm 2016, 2017 đã phát hiện Trung Quốc triển khai gần chục máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Shenyang (Thẩm dương) J-11 và máy bay tiêm kích – ném bom Xian (Tây An) JH-17 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó, Trung Quốc còn triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không hiện đại nhất của nước này là HQ-9 (tương đương như S-300 của Nga), gồm 8 ống phóng tên lửa đi kèm radar tới đảo Phú Lâm. Ngoài ra, giới quân sự Mỹ cũng tiết lộ, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã bố trí lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B tại các bãi, đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Hành động bồi lấp các đảo, bãi ở Trường Sa và “quân sự hóa” các thực thể trên của Trung Quốc đã bị báo chí quốc tế phanh phui, vạch trần khiến bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải đăng đàn họp báo để lấp liếm rằng: Mục đích chủ yếu của Trung Quốc khi xây dựng các đảo ở Nam Sa (tức Trường sa của Việt Nam) là để thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế mà phía Trung Quốc đảm nhận như tìm kiếm cứu nạn, phòng tránh thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh hàng hải, dịch vụ sản xuất ngư nghiệp… Nhưng với các phương tiện trinh sát theo dõi, phát hiện hiện đại ngày nay thì sự thật đó vẫn phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ, khiến giới quân sự các nước phải đánh giá rằng với việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự và các phương tiện quân sự như trên, Trung Quốc có thể khống chế cả một vùng rộng lớn trên Biển Đông. Và sau tên lửa phòng không, máy bay, radar…Trung Quốc có thể sẽ triển khai các vũ khí hiện đại hơn cùng với việc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ), tiếp theo có thể sẽ là triển khai tên lửa đạn đạo để kiểm soát hoàn toàn vùng biển rộng lớn này. Người ta không khỏi lo ngại và băn khoăn, cớ sao Trung Quốc phải hành động như vậy.
Lần giở lại tài liệu từ những năm trước đây, mới có thể thấy rõ hơn những gì Trung Quốc toan tính
Những năm 90 và đầu thập kỷ 2000, chủ trương “hợp nhất khu vực” Trung Quốc – ASEAN được lãnh đạo Trung Quốc coi là một ưu tiên hàng đầu, nhằm thực thi một phần trong chính sách “trỗi dậy hòa bình”. Sự hợp nhất khu vực bao gồm cả chính trị và quân sự mà động lực của nó là để tập trung năng lực trong nước cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, Trung Quốc đã chủ động thực hiện “tạm ngưng chiến lược”, tránh đối đầu bằng sức mạnh với các nước có tranh chấp chủ quyền biên giới xung quanh. Chiến lược này được thực hiện từ năm 1990 đến năm 2007 và đã đạt được tiến bộ lớn vào thời kỳ đó. Trung Quốc đã được các nước Đông Nam Á hoan nghênh và được coi là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn khu vực, làm đối trọng với các cường quốc bên ngoài bao gồm cả Mỹ. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã thúc đẩy hàng loạt mối quan hệ với ASEAN. Thành công nhất là các chương trình phát triển kinh tế, thương mại và cơ sở hạ tầng. Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc với ASEAN tăng mạnh từ khoảng 8 tỷ USD năm 1991 lên 106 tỷ năm 2004 và 231 tỷ USD năm 2008. Trong khi đó, thương mại giữa các nước ASEAN và Mỹ trong cùng năm chỉ đạt 172 tỷ USD. Không những thế, Trung Quốc còn tập trung đầu tư hỗ trợ cho dự án hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, với hệ thống vận tải bằng đường sắt xuyên khu vực nối Nam Ninh – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Phnôm Pênh, Băng Cốc – Kuala Lumpur – Singgapore; Dự án hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông nối Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc – Singgapore; Dự án vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ và sáng kiến Hải Nam. Tuy nhiên, các chương trình trên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức vì liên quan đến khu vực mà ở đó chủ quyền và quyền tài phán trên biển vẫn nằm trong tranh chấp. Chính điều này đã khiến giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của Trung Quốc phải tính toán lại nhằm đưa ra mục tiêu và các bước đi nhằm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông.
Một bộ phận trong giới trên ở Trung Quốc giữ quan điểm cho rằng, nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục chính sách đầu tư lớn cho khu vực cùng với chính sách “đóng băng tranh chấp”, họ chắc chắn sẽ giành được lực hút đối với các nước trong khu vực, hay sẽ tạo ra được “đòn bẩy” và sẽ dẫn đến sự từ bỏ tự nguyện các yêu sách về Biển Đông của các nước.
Tuy nhiên, bộ phận lớn giới học giả và hoạch định chính sách của nước này lại có quan điểm cho rằng: “Nếu Trung Quốc áp đặt các yêu sách mở rộng ở Biển Đông một cách đầy gây hấn thì các hòn đảo và không phận trên biển tương ứng của chúng có thể dễ dàng rơi vào tay chúng ta như những quả chín. Ít nhất, Trung Quốc cũng sẽ chi phối vấn đề này và giành được phần của kẻ mạnh trong bất kỳ giải pháp nào”. Lập luận của những người này dựa trên hai cơ sở: Thứ nhất, chính sách “kiểm soát tài nguyên” là mục tiêu theo đuổi của Trung Quốc nhằm nâng cao an ninh tài nguyên và bảo đảm sự kiểm soát hầu hết tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở Biển Đông. Nhiều người trong số họ cho rằng: Dân tộc Trung Hoa đang phải đối mặt với thách thức lớn là vấn đề tài nguyên. Và họ đoán chắc, biển cả chắc chắn sẽ trở thành một vũ đài quan trọng đối với các cuộc đấu tranh quốc tế về chính trị, kinh tế và quân sự, cũng là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đấu tranh của bất kỳ quốc gia nào cho quyền và lợi ích của mình. Với Trung Quốc, mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm sự tiếp cận và kiểm soát được các nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong tương lai. Thứ hai, Chính sách “an ninh nâng cao” là mục tiêu Trung Quốc hướng đến nhằm bảo đảm sự kiểm soát đối với Biển Đông, tạo ra một “vùng đệm” an ninh biển để bảo vệ các trung tâm dân số lớn thuộc các vùng công nghiệp và văn hóa khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc. Trung Quốc cần phải kiểm soát các vùng biển duyên hải căn cứ vào cách tiếp cận địa chiến lược của một nước có nhiều quan ngại an ninh liên quan đến cả biển và đất liền. Vì vậy, Biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải là những khu vực mà các chiến lược gia Trung Quốc cho là cần phải phát triển kiểm soát quân sự, để loại bỏ các mối đe dọa từ bên ngoài và qua đó nâng cao mức độ an ninh của khu vực duyên hải Trung Quốc.
Dường như loại quan điểm này đã thắng thế và thuyết phục được giới lãnh đạo Trung Quốc với bằng chứng là vào tháng 5/2015, khi Trung Quốc công bố “Sách trắng quốc phòng”, Bắc Kinh đã phần nào hé lộ tham vọng bành trướng sức mạnh quân sự ra các vùng biển xa. Còn trong Chiến lược Biển Đông của họ có nêu rằng, năm 2016 là năm kết thúc giai đoạn 1 và sẽ bước sang triển khai giai đoạn 2 (2016 – 2030), với mục tiêu là phát triển toàn diện. Trong lĩnh vực kinh tế, họ sẽ hình thành quy mô phát triển sản nghiệp biển mang hàm lượng kỹ thuật cao, từng bước đưa khoa học kỹ thuật đóng góp khoảng 70% trong phát triển kinh tế biển. Về quân sự, Trung Quốc sẽ xây dựng hệ thống phòng thủ chiến lược biển hiện đại, lấy hải quân làm nòng cốt, phấn đấu đến năm 2050, lực lượng bảo vệ biển của Trung Quốc ngang tầm với các nước phương Tây. Và giai đoạn cuối cùng (2031 – 2050), Trung Quốc xác định là giai đoạn đưa quốc gia cất cánh.
Rõ ràng, những tính toán và xác định chiến lược trên đã trở thành động lực thôi thúc Trung Quốc phải tìm chỗ đứng vững chắc trên Biển Đông mà không phương cách nào tốt hơn là “quân sự hóa” toàn bộ các đảo, bãi đã chiếm giữ được để trong bất cứ tình huống nào, họ luôn ở thế thượng phong. Nhưng đó là theo cách tính của người Trung Quốc. Còn theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, người ta lại cho rằng đó là thiển cận. Một chuyên gia quân sự Mỹ đã nói toẹt ra rằng: Nếu trường hợp có xung đột xảy ra, liệu mỗi bãi, đá mà Trung Quốc tôn tạo và “quân sự hóa” sẽ chịu nổi bao nhiêu quả Tomahawk đây. E rằng chưa đến năm ngày, binh lính Trung Quốc sẽ theo các đảo, bãi này mà chìm xuống biển. Đúng như là dân gian có nói, “mình tính chưa chắc bằng người khác tính” là vậy.