Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John Aquilino (29/10) khẳng định, việc Trung Quốc quân sự hóa tại vùng biển tranh chấp đang đe dọa một số quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ.
Theo Đô đốc John Aquilino, việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo, đá phi pháp ở Biển Đông, tiến hành quân sự hóa trên các thực thể này không thể được coi là phục vụ mục đích phòng vệ. Hành động của Trung Quốc đang thách thức và đe dọa tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó có các đồng minh, đối tác và bạn bè của Mỹ; đe dọa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Bắc Kinh không những không giảm nhẹ mà còn gia tăng áp lực trên toàn bộ khu vực để đạt được mục tiêu của mình. Việc làm này của Trung Quốc đã hứng chịu chỉ trích từ nhiều quốc gia ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực, trong đó có Mỹ. Thời gian tới, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ triển khai các tàu sân bay trong khu vực Ấn Độ Dương gần và động thái này sẽ không gây bất ngờ cho bất cứ ai. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương kết luận, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã và đang đe dọa tất cả các quốc gia tự do và cùng chí hướng.
Việc giới chức Mỹ, đặc biệt là giới tướng lĩnh cấp cao của Washington liên tục chỉ trích, lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là do Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự để chèn ép, xâm chiếm biển đảo của nước khác; tiến hành các hoạt động quân sự hóa trong khu vực, đe dọa trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trước Đô đốc John Aquilino, đã có rất nhiều tướng Mỹ lên án Trung Quốc ở Biển Đông, như:
Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl Schultz (21/10) cho biết, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương phối hợp cung Bộ Tư lệnh Ấn – Thái Bình Dương tiến hành các hoạt động quốc phòng và an ninh ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo Đô đốc Karl Schultz, “Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ hợp tác với các cơ quan khác của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng như năng lực của họ. Vì vậy, đã có một câu chuyện thực sự tích cực với Cảnh sát biển Việt Nam”; đồng thời cho biết “nhiều quốc gia Ấn – Thái Bình Dương thiếu năng lực giám sát vùng biển chủ quyền của họ. Trước hành vi cưỡng chế và đối kháng từ Trung Quốc, Tuần duyên Mỹ đưa ra sự tham gia và hợp tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên nghiệp và cá nhân”, đồng thời cam kết “Mỹ sẽ hỗ trợ đào tạo kiến thức chuyên môn phù hợp và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực tăng cường năng lực an ninh hàng hải”. Đô đốc Schultz lấy dẫn chứng cụ thể: “Tôi muốn nói với các bạn rằng chúng tôi đã nhìn thấy những nơi như đá Chữ Thập – nơi đây từng không tồn tại sự sống nhưng đã bị biến thành một hòn đảo nhân tạo và trên đó giờ còn xuất hiện cả cơ sở quân sự. Chúng ta rõ ràng từng nghe thấy lời tuyên bố nói về việc không quân sự hóa trong khu vực và rồi sau đó chúng ta lại nhìn thấy những hành vi hoàn toàn khác”. Đô đốc Schultz cho rằng việc Trung Quốc đi ngược với tuyên bố, tiến hành quân sự hóa Biển Đông là một phần trong tham vọng của nước này mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Do đó, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đóng góp một phần trong kế hoạch của Chính phủ Mỹ nhằm đưa ra phản ứng cụ thể, tập trung vào việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận; khẳng định, Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động trong khu vực để đảm bảo mục tiêu này.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson (12/2) cho biết, chương trình quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân khiến Mỹ tính tới phương án xây dựng loạt căn cứ quân sự gần khu vực này; nhấn mạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông; đồng thời cho biết Mỹ đang trao đổi với một số đối tác và đồng minh về việc thiết lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford (29/5) cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết về việc không quân sự hóa Biển Đông, nhưng những hành động của nước này lại đi ngược với tuyên bố trên; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm với hành động vi phạm trong tương lai.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (1/6) chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt hoạt động gây bất ổn tại châu Á. Theo ông Patrick Shanahan, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông với đường băng dài và tên lửa đất đối không là “quá đáng” và “quá mức cần thiết”; nhấn mạnh có lẽ mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực đến từ các nhân vật tìm cách phá hoại, thay vì tuân thủ, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; nhận định nếu xu thế ứng xử hiện nay của một số nước vẫn tiếp tục, “các thực thể nhân tạo trên vùng (biển) quốc tế sẽ trở thành trạm thu phí” và “chủ quyền quốc gia sẽ nằm trong sự kiểm soát của kẻ mạnh”. Cũng theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, cách hành xử làm xói mòn chủ quyền các quốc gia và reo rắc sự mất lòng tin của Trung Quốc phải chấm dứt.
Nhìn chung, việc Trung Quốc không thực hiện cam kết chính trị do chính Tập Cận Bình đưa ra để tiến hành quân sự hóa Biển Đông là một trong những nguyên nhân khiến tình hình trong khu vực ngày càng căng thẳng; gây ảnh hưởng, đe dọa hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như làm xói mòn lòng tin của cộng đồng quốc tế về việc “Trung Quốc phát triển hòa bình”. Hành động này của Trung Quốc là đáng bị lên án và Bắc Kinh cầm chấm dứt ngay lập tức các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.