Phương án thống nhất Đài Loan đã được đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc quán triệt tại Hội nghị trung ương 4 vừa qua.
Quân đội Trung Quốc duyệt binh năm 2019. Ảnh: CGTN
Vào ngày 5/11, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã công bố quyết định của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 4 khóa XIX (gọi tắt Hội nghị trung ương 4), trong đó đề cập đến việc kiên định duy trì và hoàn thiện hệ thống thể chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Theo đó, thông báo khẳng định, việc nhất thiết phải duy trì “một quốc gia” là tiền đề và nền tảng để thực hiện “hai chế độ”. “Hai chế độ” lệ thuộc và chuyển hóa từ “một quốc gia” và thống nhất trong “một quốc gia”.
“[Bắc Kinh] sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi nào thách thức giới hạn “một quốc gia, hai chế độ” và sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động phân rẽ quốc gia”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Ngoài ra, Trung Nam Hải cho biết, nước này cần phải hoàn thiện phải hệ thống và cơ chế liên quan đến việc thực thi Hiến pháp và Luật cơ bản ở các đặc khu hành chính và tuân thủ nguyên tắc “người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” và “người Macau quản lý Macau”.
“Hoàn thiện sự hội nhập của Hồng Kông và Macau với tình hình chung của phát triển quốc gia, hỗ trợ bổ sung ưu thế với Đại lục và hợp tác cơ chế phát triển, thúc đẩy xây dựng khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông, Hồng Kông và Macau, tập trung giải quyết các mâu thuẫn và vấn đề sâu sắc ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển lâu dài của xã hội. Tăng cường giáo dục Hiến pháp và Luật cơ bản, tình hình trong nước, lịch sử Trung Quốc và giáo dục văn hóa Trung Hoa, đặc biệt đối với đội ngũ viên chức và thanh thiếu niên Hồng Kông, Macau, nhằm nâng cao ý thức quốc gia và tinh thần yêu nước của đồng bào Hồng Kông và Macau. Kiên quyết phòng ngừa và ngăn chặn các lực lượng bên ngoài can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và Macau, tiến hành các hoạt động ly khai, lật đổ, xâm nhập và phá hoại, qua đó đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Hồng Kông và Macau”, thông báo Hội nghị trung ương 4 Trung Quốc khẳng định.
Hội nghị này còn nhấn mạnh về sự thúc tiến quá trình hòa bình thống nhất quốc gia: “Dưới tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia, sau khi hòa bình thống nhất, chế độ xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng đầy đủ, sở hữu tư nhân, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ được đảm bảo đầy đủ”.
Trước đó, vào tối ngày 4/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tức Carrie Lam) tại Thượng Hải. Ông Tập khẳng định bà Lâm đã dẫn dắt chính quyền đặc khu làm tròn chức trách, nỗ lực ổn định tình hình, cải thiện bầu không khí xã hội, thực hiện khối lượng lớn công việc khó khăn.
Trước sự hỗn loạn ở Hồng Kông, ông Tập chỉ ra rằng ngăn chặn “cơn bão chính trị” và lập lại trật tự vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất ở Hồng Kông. Đây là lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình – phản đối dự luật dẫn độ tội phạm hình – sự xảy ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện và khen ngợi công khai các hoạt động của bà này.
Theo giới quan sát, sau cuộc họp, chính quyền Hồng Kông chắc chắn sẽ chuẩn bị đầy đủ và tăng cường các biện pháp giải quyết triệt để tình hình hiện nay của đặc khu.
Ngoài Hồng Kông, vào ngày 4/11, Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Một số biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi, hợp tác kinh tế và văn hóa giữa hai bờ eo biển (gọi tắt là 26 biện pháp). Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy trao đổi, hợp tác cũng như làm sâu sắc thêm sự hội nhập giữa hai bờ eo biển.
Đây là động thái lớn tiếp theo của Đại lục đối với Đài Loan, kể từ sau 31 biện pháp được thông qua vào ngày 28/2/2018.
Giới phân tích cho rằng, trong tình trạng quan hệ hai bờ eo biển bế tắc như hiện nay, 26 biện pháp này mang tính biểu tượng hơn. Đây là cam kết bằng giấy trắng mực đen của chính phủ đại lục cam kết với các doanh nhân và người Đài Loan, thông qua các khuyến khích kinh tế để thúc đẩy hội nhập hai bờ eo biển.
Do đó, tuyên bố “kiên quyết duy trì và hoàn thiện hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” do Bắc Kinh ban hành lần này cũng có nghĩa là tất cả mọi khía cạnh của các hành động trong tương lai sẽ được thực hiện theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.