Sau nhiều lần chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”, Mỹ và một số quốc gia khác đã quyết định hành động.
Nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc, Washington đã kết hợp với Nhật Bản và Australia và cho ra đời sáng kiến đánh giá hạ tầng mang tên “Blue Dot Network” (BDN – Mạng lưới Điểm Xanh), được tạo ra với mục đích đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng “bền vững”, báo ABC News (Australia) đưa tin.
Thông tin về sáng kiến BDN đã được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 hôm thứ 3 (5/11) vừa qua. Được biết, các đơn vị chủ trì dự án này là Tập đoàn Đầu tư tư nhân ngoài nước (OPIC) của Chính phủ Mỹ, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Bộ Ngoại giao – Thương mại Úc (DFAT).
Tên gọi của dự án này được lấy ý tưởng từ cuốn sách “Pale Blue Dot” (Chấm xanh Mờ nhạt) của nhà khoa học quá cố Carl Sagan và tấm ảnh tàu Voyager 1 chụp Trái đất từ ngoài vũ trụ.
Theo thông cáo được đăng tải trên website của OPIC, dự án BND được tạo ra nhằm kết hợp các công ty, tổ chức thuộc chính phủ và tư nhân nhằm “thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy dành cho phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu, trong một khuôn khổ cởi mở và toàn diện”.
Theo đó, “BDN sẽ đánh giá và cung cấp chứng nhận cho các dự án cơ sở hạ tầng dựa trên các quy chuẩn chung, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững về tài chính tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”, theo thông cáo của OPIC.
Tuyên bố của ông Ross được cho là nhằm xoa dịu những nghi ngờ về việc chính quyền Mỹ “lơ là” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi ông Trump đã vắng mặt tại hội nghị ASEAN trong 2 năm liên tiếp và chỉ gửi Bộ trưởng Thương mại cùng cố vấn an ninh quốc gia tham dự sự kiện này.
“Chúng tôi không định từ bỏ vị thế địa chính trị hay quân sự của mình”, ông Ross cho biết nhiều người đã hiểu nhầm khi cho rằng Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa với việc Mỹ giảm quan tâm tới khu vực này.
“Chúng tôi còn ở đây lâu dài; chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm và sẽ nỗ lực có thêm các thỏa thuận thương mại song phương, và tôi sẽ giành nhiều thời gian hơn tại khu vực này”, ABC dẫn lời ông Ross.
Câu trả lời dành cho chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien cho biết sáng kiến BDN của Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ là đối trọng của các công trình cơ sở hạ tầng mà Mỹ cho là “chất lượng không tốt” thuộc BRI của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ.
Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các dự án BRI và cáo buộc các dự án này ngầm phá hoại chủ quyền và ổn định tài chính tại các quốc gia nhận vốn đầu tư của Trung Quốc.
Bên cạnh Mỹ, nhiều nước khác cũng đã lên án sáng kiến BRI của Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”, do Bắc Kinh thường có động thái đòi các quốc gia “gán nợ” bằng một số điều kiện có lợi cho họ, khi các quốc gia này không thể trả nợ.
Vấn đề này đã trở thành tâm điểm tranh luận vào năm 2017, sau khi Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota của nước này cho Trung Quốc trong vòng 99 năm để được xóa khoản vay 1 tỉ USD đã nhận từ Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết sáng kiến BDN hiện nay tuy mới ở giai đoạn khởi phát, nhưng chắc chắn nó sẽ thu hút các quốc gia cam kết “phát triển cơ sở hạ tầng bền vững” tham gia.
Khoản đầu tư 17 tỉ USD
Theo ABC, sáng kiến BDN là một phần trong chính sách đối ngoại tập trung vào “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” của chính quyền Tổng thống Trump, được Mỹ đưa ra tại hội nghị cấp cao ASEAN 2 năm trước, tổ chức ở Manila, Philippines.
Theo các số liệu chính thức của Washington, giá trị trao đổi thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lên đến 1.900 tỉ USD vào năm 2018, và giúp duy trì việc làm cho 3 triệu lao động Mỹ.
Tại diễn đàn về BDN ở Bangkok, Nhật Bản và Mỹ đã kí kết một bản cam kết hợp tác đầu tư 10 tỉ USD trong các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ngoài ra, hai nước còn kí kết một số thỏa thuận khác như thỏa thuận kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng khác của châu Á.
Được biết, ngoài Thái Lan, sáng kiến BDN cũng sẽ có sự tham gia của Indonesia và Việt Nam.