Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc đấu giữa ông Tập và Obama

Cuộc đấu giữa ông Tập và Obama

Ông Tập Cận Bình vẫn cứ đi Mỹ với một tâm thế đàng hoàng để bàn “những lợi ích chung to lớn”, để rồi hai nước Trung, Mỹ lại giàn trận cho những cuộc đấu kinh tế mới, đấu cho đến khi một trong hai con hổ hoặc bị thương, hoặc kiệt sức.

Kinh tế luôn là một đấu trường

Không phải có tiếng súng mới là chiến tranh. Trong kinh tế người ta đánh nhau cũng khốc liệt lắm.

Kinh tế thường được sử dụng như một phương tiện, phương tiện để phát triển quan hệ khi cần phát triển, phương tiện để phá bỏ quan hệ khi cần phá, phương tiện để nô dịch, để chèn ép, để bành trướng…

Thời đại hội nhập, những thuộc tính trên có thay đổi hay biến mất không? Xin thưa rằng không. Vì toàn cầu hóa kinh tế đang kết nối các nền kinh tế quốc gia lại với nhau, nhưng sự kết nối đó chưa đủ mạnh để triệt tiêu, hay bào mòn chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tham vọng bành trướng ở những nơi nó còn khu trú vững chắc, và do đó cuộc chiến trên mặt trận kinh tế còn phức tạp.

Quan hệ Trung – Mỹ có thể được coi là một ví dụ điển hình về quan hệ kinh tế thời hội nhập. Điển hình ở việc khai thác tối đa những lợi thế của toàn cầu hóa, và đây cũng là một cuộc đấu tranh khốc liệt và có bài bản. Điển hình ở chỗ quan hệ chính trị, kinh tế sẽ luôn ngày càng gay gắt, phức tạp, nhưng rồi bên nào có thần kinh vững hơn, giành phần thắng nhiều hơn trong kinh tế, sẽ là người chiến thắng.

Năm 1979, sau ba thập kỷ đánh nhau khốc liệt bằng loa phóng thanh, ba thập kỷ đàm phán kiên trì “giữa hai anh điếc” chỉ có người nói không có người nghe, Trung Quốc và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao và ký Hiệp định Thương mại song phương, dành cho nhau quy chế Tối huệ quốc. Khi đó buôn bán 2 nước chỉ có 2,45 tỉ USD, và ở Trung Quốc nhiều vùng nông thôn người dân còn chết đói.

Hoa Kỳ tính chuyện thả cho Trung Quốc miếng mồi kinh tế (tức Tối huệ quốc) để lôi Trung Quốc về phía mình chống lại Liên Xô.

Có Tối huệ quốc, Trung Quốc khai thác triệt để thị trường Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, và thị trường Hoa Kỳ trở thành bàn đạp để Trung Quốc thực hiện thành công Chương trình 4 Hiện đại hóa.

Cuộc đấu trên sân toàn cầu hóa

Tháng 12/1999, tròn 20 năm sau, trong Hiệp định về những điều kiện để Trung Quốc gia nhập WTO, lợi dụng vị thế của mình, người Mỹ đã sửa bằng hết cái họ gọi là những “sai lầm ngu xuẩn” của năm 1979, bắt Trung Quốc phải mở cửa thị trường theo những tiêu chí của WTO, mở cửa những lĩnh vực kinh tế mà Hoa Kỳ có thế mạnh. Trung Quốc chấp nhận cuộc chơi. Cuộc đấu lại tiếp tục trên một sân chơi mới, sân chơi toàn cầu hóa.

Hôm nay, kim ngạch buôn bán 2 nước đã gần đạt 600 tỉ USD, xuất siêu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ vượt 300 tỉ USD. Hàng may mặc, giày dép, đồ chơi điện tử Trung Quốc đang tràn ngập phố phường làng xóm nước Mỹ. Đại bộ phận trong số 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất Hoa Kỳ cùng với hàng vạn chuyên gia Mỹ đang khai thác thị trường 1,3 tỉ dân và “đưa việc làm sang Trung Quốc”. Nhiều sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ, từ cái lớn như tổ máy phát điện đến cải nhỏ li ti như linh kiện, phụ kiện chiếc máy vi tính đang sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc rồi đưa về bán ở Mỹ, ở khắp thế giới, ở cả Việt Nam.

Bạn muốn sang tận Mỹ để mua một chiếc máy vi tính Mỹ xịn ư? Chắc chắn bạn sẽ xách về một chiếc máy “Made in China”, và hôm nay đó là Mỹ “xịn” đấy.

Người Mỹ không hề “cay mũi” khi nhập siêu từ Trung Quốc lên tới hàng trăm tỷ USD và có thể tăng hơn nữa, vì trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có nhiều thứ của người Mỹ sản xuất và gia công tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã lên hàng thứ hai trên bản đồ kinh tế thế giới và “giấc mơ Trung Hoa” đang thành hiện thực. Trung Quốc đang cạnh tranh ngang ngửa với Hoa Kỳ, đang giành giật với Hoa Kỳ từng mảnh kinh tế, từng mảng công nghệ, từng mẩu thị trường khắp mọi nơi, mọi lúc.

Lợi ích kinh tế cột chặt quan hệ Trung – Mỹ

Nền kinh tế hai quốc gia Trung – Mỹ đang kết nối với nhau ngày một chặt, đang phụ thuộc vào nhau, và Trung Quốc đang đòi Mỹ đối xử với mình theo kiểu “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Đó là kết quả của sự vận động tự do của hàng hóa và đồng vốn trong thời đại hội nhập, và cũng là ý đồ chiến lược của hai quốc gia, đối tác.

Hôm nay giữa hai nước vẫn gay gắt căng thẳng, vẫn còn nhiều xung đột, xung đột về ý thức hệ, xung đột về chiến lược toàn cầu, nhưng vì lợi ích kinh tế quá lớn, gắn với nhau quá chặt chẽ, không một ai trong họ tính đến chuyện làm đổ vỡ quan hệ. Cho dù Biển Hoa Đông, Biển Đông đang nóng sục và có thể nóng hơn nữa, cho dù ở cả hai bên, đạn đã chất đầy kho, súng đã giương cao nòng và ông Tập Cận Bình vẫn cứ đi Mỹ với một tâm thế đàng hoàng để bàn “những lợi ích chung to lớn”, để rồi hai nước Trung, Mỹ lại giàn trận cho những cuộc đấu kinh tế mới, đấu cho đến khi một trong hai con hổ hoặc bị thương, hoặc kiệt sức.

RELATED ARTICLES

Tin mới