Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Marie C. Damour (29/10) cho biết tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp với hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bà Marie C. Damour tái khẳng định tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp với hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tầm nhìn của Mỹ, khu vực này được định hình bởi quan hệ đối tác giữa các quốc gia vững mạnh, độc lập tự chủ và thành công; nhấn mạnh Mỹ tìm kiếm đối tác chứ không phải bá quyền trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mỹ không tìm kiếm quốc gia vệ tinh, quốc gia phụ thuộc; cho rằng tuyên bố chủ quyền của các nước cần dựa trên luật pháp quốc tế và tất cả các nước cần được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không. Bà Marie C. Damour cho biết, Mỹ tìm kiếm những đất nước như Việt Nam, cùng chia sẻ tầm nhìn của Washington và cùng chia sẻ những lợi ích từ một khu vực ổn định – nơi tất cả các nước đều tuân thủ đúng luật chơi, không chịu sự cưỡng ép và bắt nạt, có thể đưa ra những quyết định của riêng họ. Đồng thời, bà Marie C. Damour cũng cho biết phía Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần trở thành một cường quốc khu vực có trách nhiệm và có những đối sách ngoại giao đúng đắn, phù hợp, đóng góp vào hoà bình, ổn định chung.
Ngoài ra, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam cho biết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng vô cùng lớn. Không một quốc gia nào đủ sức một mình đáp ứng nhu cầu này. Nguồn vốn duy nhất đủ sức cung ứng chính là khu vực tư nhân toàn cầu, trong đó bao gồm nhiều công ty tại Mỹ. Đó là cách duy nhất để các nước trong khu vực giải quyết được nhu cầu về đầu tư và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, bằng cách tập trung vào dòng vốn từ khu vực tư nhân, bà cho rằng mọi quốc gia có thể bảo đảm được chủ quyền, độc lập và quyền tự do lựa chọn trong quá trình này. Những nước vay nợ quá nhiều từ chính phủ nước ngoài thường cuối cùng phải thỏa hiệp về độc lập và chủ quyền.
Về quan hệ Mỹ – Việt Nam, bà Marie C. Damour cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm vừa qua và là một đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ nhờ vào sự năng nổ và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân từ phía hai quốc gia. Nhiều năm qua, nền kinh tế giữa hai nước đang ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Mỹ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử… Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào. Hiện các doanh nghiệp Mỹ luôn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Vì thế, Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì đối tác hiệu quả với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các đối tác khác và cộng đồng doanh nghiệp để tạo điều kiện tối ưu nhất cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Tổng Lãnh sự Mỹ cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được môi trường đầu tư ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Mỹ nói riêng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Ngoài ra, Mỹ cũng hoan nghênh Việt Nam đảm trách một vai trò lớn hơn cả trong khu vực và trên trường quốc tế.
Để thúc đẩy hợp tác quan hệ song phương hơn nữa, bà Marie C. Damour cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần: Nâng cấp các hệ thống trung chuyển và hậu cần, nhất là tuyến trung chuyển hàng hải; kiến tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện, cởi mở, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.
Quan hệ hợp tác Việt – Mỹ được cải thiện trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 12/7/1995), đến nay, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.
Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội (vào tháng 8/-1995). Sau đó, vào tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam – Mỹ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai. Tiếp đó, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam – Mỹ được công bố sau cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama có đoạn: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”.
Tháng 5/2016, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục tạo ra một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy, vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương đã được xóa bỏ, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai. Nói chung, chuyến thăm được đánh giá đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam”.
Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngay từ cuối tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Mỹ, trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba ở châu Á có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, “để đề ra lộ trình cho quan hệ Việt Nam – Mỹ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt Nam – Mỹ trên lĩnh vực chính trị-ngoại giao nhìn chung tiếp tục diễn tiến thuận lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017 của Tổng thống Donald Trump, hai nước tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Có thể thấy rõ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian qua đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau. Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp về chương trình nghị sự toàn cầu, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN, thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam – Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Hiện Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 24 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 100 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và đạt kỷ lục 60,3 tỷ USD (năm 2018). Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đưa ra dự báo kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 80 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 908 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 9 tỷ USD.
Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Mỹ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. Trong 24 năm qua, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước có những thay đổi ấn tượng. Nếu như lúc ban đầu, hai nước mới chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc song phương tập trung vào giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh tại Việt Nam, thì sau đó bắt đầu diễn ra các chuyến viếng thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và đi cùng với đó là những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ. Đặc biệt, ngày 23/5/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực. Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực. Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.
Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ vào năm 2000 và thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học-công nghệ. Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) chính thức được ký kết ngày 6/5/2014 đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng.
Mỹ và Việt Nam bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (tháng 12/2011); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ký Tuyên bố hợp tác về khoa học công nghệ (tháng 3/2015), Dàn xếp Hành chính trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (tháng 5/2016). Tháng 3/2018, hai bên lần đầu tiên tổ chức Đối thoại về An ninh năng lượng tại Hà Nội.
Ngoài ra, hợp tác về giáo dục-đào tạo là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện có trên 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ. Hai bên tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam; trao đổi về Hiệp định thực thi Chương trình Hòa Bình, cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.