Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Duterte đã đồng ý thành lập các nhóm làm việc khai thác thỏa thuận thương mại dầu khí ở Biển Đông và “ăn chia” theo tỷ lệ 60/40. Tuy nhiên, hành động này của Chính quyền ông Duterte đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ, cũng như người dân Philippines.
Theo Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (28/10), “tiền đề cho việc thỏa thuận với Trung Quốc là việc nước này phải thừa nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của Philippines trong các khu vực sẽ khai thác chung”; đồng thời nhắc lại chiến thắng mang tính bước ngoặt của Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague, phán quyết chống lại các yêu sách lịch sử phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông năm 2016; cho rằng việc Manila thắng lớn ở vụ kiện trên có nghĩa là Philippines sẽ không tham gia hợp tác với Trung Quốc trong các khu vực nằm trong phán quyết, trừ khi Bắc Kinh thừa nhận chủ quyền của Manila trong khu vực. Trước đó, bà Leni Robredo (9/2019) cũng lên án việc Tổng thống Duterte có ý định gạt phán quyết Biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm; đồng thời nhấn mạnh: “Tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào không nên trả giá bằng việc duy trì các quyền của Philippines đối với Biển Đông. Đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau là một trong những trọng trách quan trọng và khó khăn nhất của bất cứ chính quyền nào”. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8, Bà Leni Robredo thậm chí nói rằng người dân Philippines lo ngại Tổng thống Duterte “bán mình” cho Trung Quốc và “không hiểu tại sao chính quyền mới thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ cần có một đường lối rõ ràng để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của Manila. Tổng thống đã đưa ra rất nhiều tuyên bố mang lại cảm giác chúng tôi đang quen với những gì mà Trung Quốc muốn”.
Cùng đồng hành với Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, nhiều chính trị gia và dư luận Philippines cũng phản đối gay gắt ý định gác phán quyết Biển Đông đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh của chính quyền ông Duterte. Trong đó, Ngoại trưởng Philippines Philippines Teodoro Locsin Jr. lên tiếng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là vượt lên trên thỏa hiệp giữa ông Duterte và Tập Cận Bình, do đó không thể gạt phán quyết sang một bên. Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpion khẳng định, ông Duterte không có thẩm quyền “gạt sang một bên” phán quyết Biển Đông theo luật pháp Philippines; đồng thời nhấn mạnh kể cả tạm gác phán quyết sang một bên và đưa ra sau này, Philippines vẫn phải phản đối bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Manila ở Biển Đông. Theo ông Antonio Carpion, “bất cứ sự đồng ý hoặc ngụ ý đồng ý nào cũng đều có thể dẫn tới việc đánh mất các quyền chủ quyền của Philippines theo phán quyết của Tòa Trọng tài. Chính quyền và người dân Philippines phải luôn cảnh giác để tránh điều này”. Trong khi chỉ trích Tổng thống, thẩm phán Antonio Carpion lại lời ngợi khen cho Ngoại trưởng Teodoro Locsin vì đã làm rõ vấn đề và góp phầnngăn chặn ý định từ bỏ chủ quyền của chúng ta theo phán quyết của Tòa Trọng tài. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc; đồng thời khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Philippines. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (11/9) cho biết, chính phủ Philippines không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trích dẫn đề xuất của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Rosario giải thích, hoạt động thăm dò chung giữa hai nước ở Biển Đông sẽ “hợp hiến và nhất quán” với phán quyết của Tòa trọng tài nếu Trung Quốc có thể ký hợp đồng dịch vụ với Philippines với tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40, trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn; đồng thời nhấn mạnh nếu một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ được đưa ra, theo đó công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là chủ sở hữu cổ phần hoặc nhà thầu phụ, thì Tổng thống sẽ vẫn thể hiện được sự trung thành với hiến pháp và phán quyết của tòa. Theo cách này, Tổng thống sẽ không quay lưng lại với cam kết với người dân Philippines ông đã đưa ra vào tháng 10/2016 khi ông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và Brunei. Ngoài ra, ông Albert del Rosario viện dẫn kết quả cuộc khảo sát mới đây của SWS (Social Weather Stations – tổ chức nghiên cứ xã hội độc lập của Philippines) cho biết, 87% số người được hỏi đều nhất trí quan điểm, chính phủ nên khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng các quan chức Philippines nên bắt giữ và truy tố ngư dân Trung Quốc đã gây ra sự hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông; nhấn mạnh “chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, bao gồm ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn chặn Philippines phát triển các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển, xây dựng các căn cứ quân sự và đối đầu với nhà lãnh đạo của chúng ta bằng lời đe dọa chiến tranh”; khẳng định “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có EEZ, có giá trị hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sắp được tiến hành tại khu vực này. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi”; nhấn mạnh “vùng EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình”.
Trước đó, hàng ngàn người dân Philippine đã thể hiện phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì Chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời phản đối việc Chính phủ Philippine vay nợ từ Trung Quốc; họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và “nhu nhược” trước Trung Quốc; ngoài ra, họ cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương. Đáng chú ý, theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Social Weather Stations (16/7) công bố, cứ 5 người Philippines thì có 4 người không tán thành Chính phủ nước này không hành động đối với sự xâm nhập của Trung Quốc ở vùng biển phía Tây Philippines, cụ thể: 81% trong số 1.200 người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn không đúng đắn khi để Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và quân sự hóa các đảo này; 80% những người được hỏi khẳng định chính phủ có quyền tăng cường năng lực hải quân. Trong khi đó, 74% cho biết chính phủ nên đưa vấn đề này tới các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ASEAN cho các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao với Trung Quốc để xử lý tranh chấp Biển Đông; 73% người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn đúng đắn khi tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trong khi 68% cho rằng chính phủ Philippines nên đề nghị các nước khác làm trung gian hòa giải. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 18% người được hỏi nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc, 53% rất ít tin tưởng và 27% chưa quyết định. Đáng chú ý, 81% người được hỏi biết về tranh chấp trên Biển Đông trong khi 19% người mới chỉ biết về vấn đề này khi được phỏng vấn trong cuộc khảo sát. Sự thiếu tin tưởng đối với Trung Quốc có chiều hướng cao hơn ở những người biết nhiều hơn về tranh chấp.
Trong khi đó, để biện minh cho Chính quyền Duterte, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. lại cho rằng thỏa thuận “ăn chia” 60/40 của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông là “công bằng”. Vị quan chức này lý giải vì Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng, vì thế Manila sẽ có lợi khi Trung Quốc phải chịu phần lớn chi phí.
Giới quan sát cho rằng ông Duterte và đồng minh đã “sập bẫy” tâm lý của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh hoàn thành việc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, triển khai quân chiếm đóng bãi cạn Scarborough, quân sự hóa các đảo nhân tạo, triển khai lực lượng tàu chiến vây quanh một số thực tế do Philippines kiểm soát, đưa tàu hải cảnh và dân quân biển vào các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines,… đã khiến ông Duterte cho rằng “không thể ngăn cản ông Tập Cận Bình nếu ông ấy muốn” và tốt hơn nên bắt tay ăn chia với Bắc Kinh.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng đưa ra nhận định các chủ trương bắt tay Trung Quốc của Philippines có thể làm suy yếu giá trị thực tế của phán quyết năm 2016 vốn có lợi cho Philippines. Sở dĩ phe đối lập ông Duterte khẳng định không ủng hộ “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà ông Duterte và ông Tập Cận Bình đang hào hứng là vì. Thứ nhất, phán quyết năm 2016 cho thấy Manila không cần phải khai thác chung với Trung Quốc vì các khu vực hai bên định “ăn chia” 60/40 đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Điều đó có nghĩa là không tồn tại tranh chấp, nên nếu gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác” chính là sập bẫy của Trung Quốc – “biến của người khác thành của chung”. Thứ hai, ông Duterte chủ trương ăn chia 60/40 và cho rằng có lợi với Manila – đó là quan điểm sai lầm. Nếu việc hợp tác thành hiện thực, tạm chưa bàn đến việc ông Duterte có khả năng vi hiến (vì vượt thẩm quyền cho phép nước ngoài vào EEZ khai thác tài nguyên) thì khả năng tiếp theo là Trung Quốc sẽ lấn tới và chiếm các vùng biển của Philippines. Hậu quả là ngư dân lẫn các lực lượng chấp pháp của Manila bị đẩy ra khỏi khu vực.
Được biết, từ đầu tháng 6 đến này, nội bộ Philippines bắt có dấu hiệu rạn nứt và mâu thuẫn gia tăng do cách ứng xử của Chính quyền Tổng thống Duterte trong quan hệ vói Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Cách Chính quyền của Tổng thống Duterte ứng xử trong vụ tàu Trung Quốc (9/6) đâm chìm tàu cá Philippines như giọt nước tràn lý, khiến các quan chức và người dân Philippines thể hiện thái độ bất bình, phản đối chính quyền. Đầu tiên, thái độ hờ hững của Chính quyền Duterte khi xảy ra vụ đâm chìm tàu cá ở bãi Cỏ Rong. Ngay sau khi vụ việc được truyền thông công bố, chỉ có giới chức Quốc phòng, Ngoại giao đưa ra các tuyên bố thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với hành động thái quá của Trung Quốc; đồng thời cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu xác minh ra tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm và bỏ mặc ngư dân Philippines trên biển. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Duterte lại “im lặng” một cách khó hiểu, ông không hề đưa ra bất cứ phản ứng gì về vụ việc. Chỉ đến khi bị người dân và cộng đồng quốc tế dồn vào thế khó, ông Duterte (17/6) lần đầu tiên lên tiếng và khẳng định đây chỉ là “một vụ va chạm nhỏ”; đồng thời cảnh báo tránh làm tình hình căng thẳng leo thang, cho rằng “những gì xảy ra chỉ giống như một vụ va chạm. Đây là một vụ va chạm hàng hải. Đừng tin vào những chính trị gia ngu dốt, những người muốn triển khai lực lượng hải quân tới đó”; nhấn mạnh “đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn” và Philippines chưa sẵn sàng đấu lại Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố “mềm yếu” và chịu “lép vế” của Tổng thống Philippines Duterte cho thấy ông không dám đứng ra bảo vệ ngư dân trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông; cho rằng Chính quyền của ông Duterte đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.
Thứ hai, những tuyên bố thể hiện sự nhu nhược, yếu thế trước Trung Quốc. Không chỉ thể hiện sự hờ hững, ít quan tâm tới ngư dân, ông Duterte còn đưa ra một số tuyên bố thể hiện sự nhu nhược trước Trung Quốc. Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông “không thể triệu tập Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa” để phản đối vụ việc và rằng ông Triệu Giám Hoa đã làm hết sức của minh, nên Philippines không có gì để gây sức ép với ông Triệu. Ngoài ra, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng việc “mời” phái viên Trung Quốc tới Phủ Tổng thống sẽ gây ra cảm giác rằng phía Philippines có “định kiến” với Trung Quốc. Không những vậy, ông Duterte còn chấp nhận và hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc mở cuộc điều tra chung giữa hai nước liên quan vụ đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1.
Thứ ba, chấp nhận đánh đổi tất cả để đối lấy “tình hữu nghị” với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte (25/6) cho biết Trung Quốc có thể khai thác hải sản ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines “vì tình hữu nghị giữa hai nước” và rằng Trung Quốc cũng có cùng quan điểm với Manila là việc khai thác hải sản không nên dẫn đến bất cứ sự đối đầu gây đổ máu nào. Tuyên bố trên của ông Duterte đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của chính giới, cũng như người dân Philippines. Nhiều quan chức chính phủ Manila đã ngay lập tức cảnh báo rằng cho phép Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một hành động vi hiến. Theo một số nhà phân tích, với tuyên bố nói trên, ông Duterte có thể bị truất phế vì không bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Trái ngược với thái độ cần có, Tổng thống Philippines (27/6) lại dọa bỏ tù người đòi luận tội ông vì “làm bạn” với Trung Quốc và cho phép Trung Quốc đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Philippines. Theo Tổng thống Duterte, điều khoản được quy định trong hiến pháp về vùng EEZ của Philippines chỉ dành cho những kẻ “thiếu suy nghĩ và điên khùng” vì ông cho rằng hiến pháp sẽ chỉ trở thành mảnh giấy lộn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra vì vùng EEZ; đồng thời cảnh báo tên lửa Trung Quốc có thể bay tới thủ đô Manila của Philippines chỉ trong 7 phút và nhấn tất cả những gì ông đang làm là “bảo vệ đất nước và 110 triệu dân Philippines”.
Thứ tư, “giận cá chém thớt”, đẩy quan hệ với Mỹ và đồng minh đi xa. Để biện minh cho các tuyên bố được cho là thể hiện sự “yếu thế” trước Trung Quốc, Tông thống Duterte (26/6) cho rằng đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp. Ông Duterte cho rằng: “Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc, nhưng không bao giờ nhấc đến một ngón tay. Mỹ thực sự không làm bất cứ điều gì bởi nếu muốn, họ hoàn toàn có thể mang Hạm đội 7 tới, đối đầu với Trung Quốc và nói các người không thể xây dựng một hòn đảo trên biển. Kể cả Anh hay Pháp. Họ cũng có thể gửi chiếm hạm tới và nói với Trung Quốc rằng đây không phải là lãnh hải của các người. Các người không thể tuyên bố chủ quyền với một hòn đảo”. Vị Tổng thống Philippines thách thức các quốc gia phương Tây “nếu đủ can đảm” nên giúp Manila tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.