Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt - Pháp: Ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển...

Việt – Pháp: Ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Trong chuyến thăm Pháp của Thường trực Ban Bí Trần Quốc Vượng, hai bên đã trao đổi, thảo luận về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật quốc tế.

Theo thông tin trên, trong chuyến thăm, đồng chí Trần Quốc Vượng đã có các cuộc gặp, làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện, Phó chủ tịch Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pháp; trao đổi với lãnh đạo Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Đảng Những người Cộng hòa; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp -Việt; dâng hoa tại tượng Bác và thăm không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng lịch sử sống Montreuil; gặp gỡ trí thức trẻ Việt kiều và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Phá… Tại các cuộc làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp; mong muốn hai bên tiếp tục các cơ chế đối thoại và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết; đề nghị Pháp, với vai trò quan trọng của mình trong châu Âu, tiếp tục thúc đẩy để Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA). Hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông và thảo luận các biện pháp góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. 

Đại diện Chính phủ, Nghị viện Pháp khẳng định coi trọng Việt Nam trong chiến lược thúc đẩy quan hệ của Pháp với ASEAN và châu Á, cho rằng hai nước có nhiều cơ hội để phối hợp, đẩy mạnh hợp tác trong các khuôn khổ đa phương khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ năm 2020-2021. Phía Pháp khẳng định tiếp tục thúc đẩy Nghị viện châu Âu và Quốc hội Pháp phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, bày tỏ ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). 

Trước đó, trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp – Việt Nam Catherine Deroche, hai bên nhất trí quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm quyền khai thác trong vùng thềm lục địa của nước khác. Không những vậy, nhiều quan chức cấp cao của Pháp cũng đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này. Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne (28/6) tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo ông Jean-Baptiste Lemoyne, Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này; đồng thời nhấn mạnh Pháp là một phần thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Paris có 7.000 binh sĩ ở khu vực này và đó là bằng chứng cho cam kết của Pháp đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này.

Được biết, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 4/1973. Từ cuối những năm 1980, Pháp đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ và xóa nợ cho Việt Nam, giúp nước ta giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris. Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande năm 2016 và chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2018. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác, nổi bật có Ðối thoại chiến lược an ninh quốc phòng và Ðối thoại cấp cao hằng năm về kinh tế.

Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD. Trao đổi thương mại hai chiều trong sáu tháng đầu năm 2018 đạt 2,3 tỷ USD. Năm 2017, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp chín dự án với tổng vốn đầu tư hơn ba triệu USD. Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và nước ta đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Ðến nay, Pháp đã cung cấp và cho Việt Nam vay ưu đãi 2,2 tỷ euro. Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục – đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới… Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có hơn 7.000 sinh viên. Pháp đứng thứ bảy trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường du lịch trọng điểm. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh – quốc phòng, hợp tác địa phương, y tế có nhiều dấu ấn. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ.

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đến Pháp trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, tổng số hiện nay là hơn 300.000 người, phần lớn đã có quốc tịch Pháp. Tri thức là thế mạnh của cộng đồng Người Việt Nam tại Pháp với khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Hội Người Việt Nam tại Pháp có bề dày truyền thống, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới