Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngTQ 6 lần bắn pháo sáng vào máy bay quân sự Philippines...

TQ 6 lần bắn pháo sáng vào máy bay quân sự Philippines trên Biển Đông

Hôm 5/11, Tướng quân đội Philippines cho hay trong năm nay, Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines trên Biển Đông.

“Gần đây, Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 1- 2/2019.

Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo vào các máy bay Philippines khi làm nhiệm vụ tuần tra hàng hải”, CNN dẫn lời Thiếu tướng Reuben Basiao, Phó Chánh văn phòng tình báo của Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP).

Ngoài việc bắn pháo sáng cảnh cáo vào máy bay quân sự Philippines làm nhiệm vụ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, Tướng Basiao cho biết thêm, Trung Quốc còn triển khai 17 tàu nghiên cứu vào vùng biển của Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 6/2019.

Theo ông Basiao, các tàu của Trung Quốc đang ngăn chặn Philippines tiến hành sứ mệnh tuần tra hàng hải và tiếp tế cho các tàu quân sự hoạt động ở Biển Đông.

Hồi tháng Năm, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, một tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã chặn 3 tàu Philippines đang trên đường tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú trên BRP Sierra Madre, một tàu chiến bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Ngoài ra, kể từ tháng Hai, ít nhất 9 chiến hạm Trung Quốc cũng đi ngang qua vùng biển của Philippines mà không thông báo trước. Một vài lần tàu Trung Quốc đã tắt hệ thống định vị nhằm tránh bị phát hiện. Hành động của Trung Quốc buộc chính quyền Manila vài lần gửi công hàm phản đối.

Hôm 4/11, với vai trò trưởng phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN và Hội nghị Đông Á ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động “hăm dọa” trên Biển Đông.

“Bắc Kinh dùng hành động hăm dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác nguồn tài nguyên xa bờ, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2,5 ngàn tỷ USD . Các nước lớn không nên bắt nạt các nước khác”, Japan Times dẫn lời ông O’Brien.

Kết thúc hội nghị hôm 4/11, Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho công bố một bản báo cáo về chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bản báo cáo của Mỹ sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ “chưa từng có” để chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” .

“Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua bản đồ ‘đường chín đoạn’ phi lý là vô căn cứ, trái luật pháp và quá đáng”, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông , nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

RELATED ARTICLES

Tin mới