Tổng thống Trump từng viện cớ thâm hụt thương mại Mỹ- Trung là lý do khiến Mỹ phát động chiến tranh thương mại.
RT thống kê giá trị nhập khẩu từ cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy thiệt hại từ thương chiến đổ lên cả hai quốc gia là rất lớn, song cũng ghi nhận một tin tức tốt với ông Trump rằng, thâm hụt thương mại giữa hai nước có chiều hướng giảm.
Theo đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm xuống còn 263 tỷ USD từ mức gần 302 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm ngoái.
Cụ thể, hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 53 tỷ USD, xuống còn gần 342 tỷ USD. Trong tháng 9, Mỹ chỉ nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 40 tỷ USD, giảm gần 48 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc cũng giảm còn gần 78,7 tỷ USD so với mức 93,3 tỷ USD vào năm 2018, tức chỉ giảm 14,5 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước, nhiều hơn so với mức giảm 13,5% từ chiều ngược lại.
So với 9 tháng đầu năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, xuất khẩu khoáng sản và quặng từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 65% trong năm 2019. Xuất khẩu giảm 39% đối với lâm sản và 35% đối với chăn nuôi.
Thống kê dữ liệu xuất, nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Ảnh: CNBC |
Trong khi đó, từ phía Trung Quốc, mặt hàng máy móc và thiết bị truyền thông văn phòng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lượng giao dịch giảm 55% và chịu mức giảm 15 tỷ USD trị giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Báo cáo từ một công trình nghiên cứu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố hôm 5/11 cho thấy, Trung Quốc đã mất khoảng 35 tỷ USD do hàng hóa không còn xuất sang Mỹ.
Trị giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế quan đã giảm xuống còn 95 tỷ USD trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, số hàng nhập khẩu đạt 130 tỷ USD.
Dù Trung Quốc chịu thiệt từ hoạt động xuất khẩu, điều này đồng thời đẩy giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng lên.
Thương chiến là điều tác động mạnh mẽ đến cả hai quốc gia, song cho đến thời điểm này, các dữ liệu cho thấy Bắc Kinh chịu phần thiệt hơn.
Dẫu vậy, CNBC bình luận, trên cơ sở tương đối, tổn thất của Mỹ có vẻ nghiêm trọng hơn: xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với mức giảm 13,5% của hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Khó có thể đánh giá thắng- thua trong cuộc chiến thương mại nhưng cả hai đều sẽ là bên thua cuộc cho đến khi họ thống nhất một thỏa thuận thương mại cuối cùng.
CNBC cho rằng, nếu các khách hàng Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ có thể tìm được thị trường mới, người chịu thiệt về lâu dài sẽ là các nhà xuất khẩu Mỹ.
Thương chiến giữa hai cường quốc trên đã kéo dài hơn một năm nay, dẫn đến nhiều vòng trả đũa thuế quan và trừng phạt kinh tế. Cả Mỹ và Trung Quốc đã cùng bày tỏ tín hiệu lạc quan về vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Hiện nay, hai nước vẫn chưa đạt được quyết định cuối cùng về nội dung, thời gian, địa điểm sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.