Trong cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (5/11), hai bên đã cam kết duy trì mối quan hệ quân sự bền vững và tăng cường hợp tác trên cơ sở những quan điểm đã được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump thống nhất.
Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, trong hội nghị truyền hình giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung, hai bên đã tiến hành thảo luận về hàng loạt vấn đề nóng hiện nay như tình hình Biển Đông, vấn đề Đài Loan, biểu tình ở Hồng Công và khu tự trị Tân Cương. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề trên, đồng thời nhấn mạnh cuộc đối thoại là một phần trong hoạt động tăng cường quan hệ bền vững giữa quân đội Mỹ – Trung dựa trên những điểm mà ông Tập và ông Trump đã thông qua trong cuộc gặp tại Osaka hồi tháng Sáu; cho rằng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi là lựa chọn đúng đắn duy nhất đối với Mỹ và Trung Quốc để cùng vươn tới. Quân đội hai nước cần làm tốt công việc triển khai những quan điểm mà hai nhà lãnh đạo đã thông qua và tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên quân thành yếu tố ‘bình ổn’ các mối quan hệ song phương. Một số quan chức quân đội Trung Quốc cho rằng cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung là nhằm cải thiện quan hệ hợp tác và tránh “những hiểu lầm” giữa quân đội hai nước. Trong đó, Biển Đông hiện là một trong những chủ đề khiến mối quan hệ Mỹ – Trung rơi vào cảnh bất hòa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Esper cho biết, ông “quan tâm tới việc xây dựng một mối quan hệ mang tính tích cực, định hướng có kết quả nhằm ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng, giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm hoặc tính toán sai cũng như tăng cường toàn bộ mối quan hệ hai bên”; khẳng định, cuộc thảo luận là “thiết thực và hiệu quả”. Ngoài ra, hai bên sẽ cho tổ chức thêm các cuộc đối thoại kiểu này.
Trước đó, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (9/7) cũng đã điện đàm trao đổi về những biện pháp giảm các nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Mỹ tố cáo Trung Quốc (30/6) bắt thử tên lửa đạn đạo diệt hạm trên Biển Đông, hai nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại đều đặn trong việc giảm nguy cơ tính toán sai lầm từ mỗi bên, qua đó tránh cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông. Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson cho biết nhấn mạnh hải quân Mỹ vẫn sẽ nhất quán trong sự hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua việc gửi đi các thông điệp, cũng như qua các chiến dịch của Mỹ trên biển cũng như trên không.
Được biết, trong những năm gần đây vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc luôn tiến hành tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, biến khu vực này thành bàn đạp để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ trước đến nay, Mỹ luôn có quan điểm cho rằng lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong đó, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/12/2017) đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ và đồng minh nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”; thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. Trong năm 2019, Mỹ đã 7 lần thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Cụ thể: (1) Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr (07/1) cho biết, hoạt động tuần tra trên nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và “bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”; cho biết “các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông và mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”. (2) Hạm đội 7 (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ Trung tá Clay Doss cho biết, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”. (3) Mỹ (19/5) điều tàu USS Preble (DDG-88) trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông nhằm thách thức những yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này. (4) Hải quân Mỹ (6/5) điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss cho biết, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tiền hành tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo ông Clay Doss, hai tàu trên đã thực hiện qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải quá mức” và “bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”. (5) Hải quân Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thể quyền qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế và thách thức yêu sách chủ phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. (6) Hải quân Mỹ Mỹ (13/9) điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen (13/9) khẳng định sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Theo thông tin trên, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra. (7) Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2019) cũng đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không cho biết thời gian chấm dứt hoạt động tuần tra của tàu USS Ronald Reagan.