Cùng với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích Trung Quốc, cho rằng hành vi của Bắc Kinh đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam là hoàn toàn đi ngược với luật pháp quốc tế. Theo ông Gregory Poling, Trung Quốc đang gửi đi thông điệp rằng nước này không chấp nhận các hoạt động thăm dò dầu khí mới của bất kỳ các nước ASEAN nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc có thể bỏ qua các dự án cũ. Những gì diễn ra ngoài khơi của Việt Nam và Malaysia chính là sự quấy rối của Trung Quốc đối với các hoạt động khoan dầu mới và Trung Quốc đã trả đũa với việc điều tàu thăm dò ở các khu vực này. Không chỉ có tàu thăm dò Hải Dương 8 ở vùng biển của Việt Nam mà còn có ít nhất hai tàu thăm dò khác, 1 ở vùng biển của Malaysia và 1 hoạt động ở khu vực giữa Việt Nam và Malaysia; đồng thời nhận định hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương 8 rõ ràng là nhằm trả đũa việc Việt Nam tiếp tục khoan thăm dò dầu khí hoặc cho phép công ty Rosneft tiếp tục khoan ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn. Điều này là không thể chấp nhận được. Bắc Kinh cho rằng có thể sử dụng đe dọa, cưỡng ép và dọa sử dụng vũ lực nhằm buộc Việt Nam dừng các hoạt động khoan thăm dò của công ty Rosneft để từ đó Việt Nam sẽ không thể hợp tác với các công ty nước ngoài nào khác ngoài các công ty của Trung Quốc trong đầu tư khoan dầu khí. Các công ty nước ngoài như Chevron, Conocophillips, BP, và mới đây nhất là Repsol đều đã ngừng hoạt động và chỉ còn hai công ty duy nhất còn đầu tư vào các dự án khoan dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam là Rosneft và Exxon. Đáng chú ý, chuyên gia Gregory Poling cho rằng Việt Nam cần có được sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều hơn và tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác thông qua các chuyến thăm cấp cao. Việt Nam có thể kêu gọi các nước khác đưa vấn đề Biển Đông ra tại các diễn đàn quốc tế như các cuộc họp của ASEAN hay hội nghị G7 hoặc các cuộc họp của Liên Hợp Quốc trong hai năm tới. Còn một giải pháp nữa đó là năm 2014, Việt Nam đã cung cấp hình ảnh tại thực địa cho báo chí nước ngoài và nếu được chứng kiến những hình ảnh trực tiếp về các hoạt động quấy rối của tàu Trung Quốc, chắc chắn báo chí nước ngoài sẽ đăng tải ngay lập tức.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Gerhard Will – nguyên chuyên gia về Biển Đông, Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP) cho rằng trong những tuần qua, Trung Quốc đã có thêm các hành vi vi phạm tại Biển Đông để củng cố yêu sách của họ. Đúng là những năm trước đây, Trung Quốc đã xây dựng những tiền đồn thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo và bây giờ người ta biết thêm rằng, Trung Quốc muốn thực hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng biện pháp quân sự. Tôi tin rằng, đó là một nấc leo thang mới. Tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và dĩ nhiên là ở gần bờ biển Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc. Trung Quốc ở đây luôn muốn thử xem phía khác sẽ phản ứng như thế nào. Do đó, phải nhìn nhận những nỗ lực này là một phép thử xem Trung Quốc sẽ đi xa được tới đâu và người ta có thể tạo ra ranh giới cho Trung Quốc tới mức nào. Một điều quan trọng trong tình huống này là cần phải chỉ cho cộng đồng quốc tế thấy được câu chuyện đang diễn ra và không chỉ yêu cầu các nước châu Á mà là cả cộng đồng quốc tế lên tiếng. Ngoài ra, việc EU, Đức, Pháp, Anh đặc biệt nhấn mạnh rằng những gì xảy ra trên Biển Đông cũng liên quan tới châu Âu đương nhiên không được Trung Quốc hoan nghênh. Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông chỉ là vấn đề của họ với các nước láng giềng Đông Nam Á, các nước khác không tìm kiếm gì ở đây, họ cũng không có lợi ích gì ở đây. Tuyên bố của EU và tuyên bố chung của Đức, Pháp, Anh có ý nghĩa đáng kể bởi họ nói rõ ràng rằng, đây không chỉ là vấn đề khu vực mà cả quốc tế. Chúng có liên quan tới lợi ích của chúng tôi và chúng tôi muốn xung đột leo thang trong những ngày này phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế – điều mà Trung Quốc thường bỏ qua.
Tiến sĩ Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu chính sách ASAN (Hàn Quốc) cho rằng, tình hình an ninh ở Biển Đông ngày một xấu đi là do Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển này và gây quan ngại lớn về an ninh cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ông Lee Jaehyon cảnh báo về việc Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật từng bước độc chiếm Biển Đông theo cái gọi là “đường 9 đoạn”, tiến hành bồi đắp, xây dựng hạ tầng hay quân sự hóa các đảo, đá. Hiện đã có đủ khung pháp lý cho các hoạt động ở vùng biển này như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Trung Quốc là nước ký kết UNCLOS và cả TAC. Theo hai văn kiện này, bất kỳ tranh chấp hay xung đột nào trong khu vực Đông Nam Á hay Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại. Chuyên gia này cũng cho rằng, cần phải có sự đồng thuận rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế để Trung Quốc bị gây áp lực bởi những hậu quả do các hành động của nước này gây ra ở Biển Đông.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định việc Trung Quốc đưa tàu địa chất Hải Dương 8 với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và tàu “dân binh” vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới danh nghĩa khảo sát khoa học biển từ đầu tháng 7 đến nay cho thấy Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm biển Đông, ngang nhiên coi thường và công khai vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS. Trên thực địa, gần đây Trung Quốc cùng lúc triển khai các hoạt động khác nhau ở vùng biển Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm độc quyền kiểm soát thực tế không gian “đường lưỡi bò” mà họ đơn phương yêu sách chủ quyền phi lý, chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam vào thời điểm này còn nhằm vào các lợi ích khác, như thách thức và thăm dò mức độ và khả năng can thiệp cụ thể của Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp và chưa có hồi kết ở khắp nơi trên thế giới. Bằng sách lược “giương đông kích tây” và phô diễn sức mạnh cơ bắp trên biển Đông, có lẽ Trung Quốc còn muốn thử phản ứng của ASEAN và bằng thủ thuật “mèo vờn chuột” họ muốn giăng bẫy để thử tính kiên nhẫn của các nước nhỏ trong khu vực mỗi khi Bắc Kinh triển khai kế hoạch xâm chiếm vùng biển của các nước này. Bắc Kinh có thể cũng thử phản ứng quốc tế khi cố tình không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với việc khai thác tài nguyên trong không gian “đường lưỡi bò”. Hành động này có thể là cách Trung Quốc tạo dư luận và củng cố lòng tin không chỉ đối với các thế lực trong nước về khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong tình hình cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang và khó lường, mà còn đối với các “đồng minh” của Trung Quốc ở các điểm nóng với Mỹ. Không loại trừ khả năng Trung Quốc đặt các thiết bị giám sát dưới đáy biển, phục vụ xây dựng “phòng tuyến” kiểm soát không gian biển Đông trong phạm vi “đường lưỡi bò”, bao gồm không gian trên trời, không gian mặt biển và không gian đáy biển. Việc Trung Quốc khảo sát địa chất, địa vật lý rất kỹ lưỡng trong một vùng biển không lớn với thời gian kéo dài và lặp lại ở khu vực biển bãi Tư Chính khiến mọi người nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập trái phép một trạm kiểm soát biển lâu dài ở đây.
Theo ông Chu Hồi, trong những năm gần đây, để đạt được mục tiêu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng kịch bản và triển khai thực hiện nhất quán các bước chủ yếu, như: (i) Pháp lý hóa không gian Biển Đông bằng cách công bố yêu sách phi lý về “Đường chín đoạn” ra Liên Hiệp Quốc vào tháng 7/2009; (ii) Hành chính hóa (dân sự hóa) không gian đường chín đoạn bằng cách công bố thành lập thành phố địa khu Tam Sa (2012), bao gồm các thành phố Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) và Đông Sa (quần đảo tranh chấp với Đài Loan) và gần đây (2017) tuyên bố thành phố Tứ Sa (thêm bãi cạn Trung Sa phía đông nam quần đảo Hoàng Sa); (iii) Quân sự hóa biển Đông bằng cách xây dựng, mở rộng đảo nhân tạo trên 7 thực thể bãi cạn rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và một số thực thể ở Hoàng Sa, xây dựng các sân bay, cơ sở hạ tầng cho các căn cứ quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo này (2014 – 2016); (iv) Hiện thực hóa khả năng kiểm soát trên thực địa không gian đường lưỡi bò (từ 2012) bằng cách triển khai các hoạt động giả danh dân sự để xâm chiếm các vùng biển của các nước trong khu vực, biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp để ít ra cũng ép các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam phải “khai thác chung” theo cách áp đặt của Bắc Kinh.
Như vậy, quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo nói trên đã đẩy năng lực lấn chiếm trên biển của Trung Quốc vươn xa hơn rất nhiều trước đây và cũng là cách để hù dọa các nước nhỏ trong khu vực biển Đông và thậm chí cả ASEAN. Cách hành xử của Bắc Kinh như vậy khiến các quốc gia trong và ngoài khu vực có quyền nghi ngờ về sự “trỗi dậy hòa bình” kiểu Trung Quốc.