Trong chuyến thăm Trung Quốc (3-6/11), Tổng thống Macron đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gặt hái các hợp đồng trị giá 15 tỷ USD. Chuyến thăm này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với cả Pháp và Trung Quốc.
Kết quả nổi bật
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 4 lần, thảo luận hàng loạt vấn đề về khí hậu, đa dạng sinh học, tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương. Chính sách ôn hòa của Tổng thống Pháp khi tới Trung Quốc, với thông điệp “đối thoại xây dựng” và “đôi bên cùng có lợi” dường như đã phát huy tác dụng.
Trong chuyến thăm, Trung Quốc và Pháp đã ký các hợp đồng trị giá 15 tỷ USD nhân chuyến thăm này của Tổng thống Pháp. Các thỏa thuận được ký bao gồm các lĩnh vực hàng không, năng lượng và nông nghiệp. Bên cạnh đó, theo tuyên bố chung, Trung Quốc và Pháp cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận biến đổi khí hậu ở Paris, nói rằng họ coi đó là một quá trình không thể đảo ngược. Tuyên bố Pháp-Trung thể hiện sự bất bình đối với quyết định chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu của chính quyền Donald Trump.
Bước tiến đầu tiên của Tổng thống Pháp trong việc “mở cửa”thị trường Trung Quốc đã được cụ thể hóa bằng những thỏa thuận và hợp đồng được ký trong chuyến thăm. Trong số những hợp đồng quan trọng, phải kể đến đơn đặt hàng 120 động cơ Leap do Safran sản xuất trị giá khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD), và việc thành lập liên doanh giữa Saft (Total) và một nhà công nghiệp Trung Quốc để sản xuất pin lithium-ion. Tuy nhiên, Paris đã không đạt được thỏa thuận về dự án xây một nhà máy tái chế chất thải hạt nhân của Orano (trước đây là Areva) tại Trung Quốc. Hợp đồng này, ước tính trị giá khoảng 11 tỷ euro (12,2 tỷ USD), đã được đàm phán từ hơn 10 năm nay. Dù vậy, Bắc Kinh cũng nhượng bộ khi cam kết sẽ đưa ra kết luận trước ngày 31/1/2020. Một dấu hiệu đáng khích lệ khác, hai vị nguyên thủ đã cùng nhau chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận về công nhận lẫn nhau và bảo vệ các chỉ dẫn địa lý giữa EU và Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa hai bên này sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các nhà sản xuất nông nghiệp của EU. Thỏa thuận về bảo hộ đầu tư vẫn đang được hai bên tiếp tục đàm phán. Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ cho hợp tác giữa EU và Trung Quốc, để các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nước thứ ba thông qua dự án “Vành đai và con đường” phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế.
Một bước tiến khác có thể nhắc tới, là cuộc hội đàm và họp báo chung của hai nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc đã cho thấy sự thống nhất quan điểm trước chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả trong lĩnh vực môi trường, thương mại và vấn đề hạt nhân Iran. Hai vị nguyên thủ đã nhấn mạnh rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mà Mỹ đã chính thức thông báo rút vào ngày 4/11, là “quy trình không thể đảo ngượ”. Trong Lời kêu gọi Bắc Kinh về bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu được công bố nhân dịp này, cả hai nước đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu, để đảm bảo thực thi Hiệp định Paris “một cách toàn diện và hiệu quả”. Cùng ca ngợi chủ nghĩa đa phương, phản đối “chủ nghĩa bảo hộ và trò chơi tổng bằng không”, chỉ trích “một cuộc chiến thương mại chỉ đem đến những người thua cuộc”, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang đứng về một bên để đối trọng với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống Donald Trump đang thực hiện. Ngay trong vấn đề hạt nhân Iran, nhà lãnh đạo Pháp cũng cho rằng những căng thẳng hiện nay thể hiện sự thất bại của “chủ nghĩa đơn phương thô bạo” kiểu Mỹ.
Đây là một kết quả đáng kể trong chuyến thăm lần thứ hai của Tổng thống Macron tới Trung Quốc, với trọng tâm ưu tiên là các vấn đề kinh tế và thương mại. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump mở cuộc chiến thương mại với nhiều đối tác, trong đó cả Trung Quốc và Pháp đang phải đối phó, Paris hy vọng có thể tìm được một tiếng nói chung với Bắc Kinh, cho phép tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Về phần mình, Trung Quốc cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với EU, mà Pháp, một trong những nền kinh tế đầu tàu với tiếng nói có trọng lượng ở châu Âu, là lựa chọn hàng đầu. Bắc Kinh chủ trương tăng cường quan hệ với Paris để thông qua đó thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-EU, cũng như cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với các nước phương Tây.
Tuy nhiên, xét trên thực tế, mối quan hệ này lại đang chứng kiến tình trạng bất đối xứng gia tăng, với cán cân thâm hụt thương mại nghiêng về phía Pháp lên đến gần 30 tỷ euro (33,2 tỷ USD). Thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông Macron là vừa phải mở rộng hợp tác thương mại vừa phải bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Pháp. Tổng thống Pháp cũng không giấu tham vọng “tái cân bằng quan hệ” giữa hai nước.
Dư luận Pháp hoài nghi
Chính sách ôn hòa của Tổng thống Pháp khi tới Trung Quốc, với thông điệp “đối thoại xây dựng” và “đôi bên cùng có lợi” dường như đã phát huy tác dụng với các những lợi ích thương mại và ở một phương diện nào đó, mục tiêu tái lập thế cân bằng trong quan hệ đối tác giữa Pháp và Trung Quốc đã đạt được.
Tuy nhiên, giữa Pháp và Trung Quốc vẫn còn tồn tại rất nhiều đối nghịch Đây là chủ đề được báo chí Pháp bàn tán nhiều nhất. Nhìn chung, các báo đều nhấn mạnh đến chủ trương mềm mỏng của Pháp trong đối sách với Trung Quốc, với hy vọng giành được những lợi ích thương mại. Tuy nhiên phương pháp nhẹ nhàng của Tổng thống Macron có nguy cơ không thành công. Nhật báo Le Figaro đã nêu bật thái độ e ngại trong hàng tít trang nhất về chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp: “Thương mại: Sự đánh cuộc đầy rủi ro của ông Macron với Trung Quốc”. Kèm theo là một bài xã luận khá bi quan, tự hỏi là phải chăng quan hệ Pháp-Trung Quốc chỉ là một bên có lợi. Le Figaro cho rằng việc giữ hòa khí rất quan trọng đối với một “quốc gia nhỏ” như Pháp đang muốn đứng lên chống lại cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Cái khéo của Tổng thống Pháp, theo Le Figaro, là ông Macron đã không đến Trung Quốc một mình. Để có thêm trọng lượng trong các cuộc thảo luận và nâng cao cấp độ của chuyến thăm, ông Macron đã cùng đến Bắc Kinh với Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Đức Anja Karliczek và Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Phil Hogan. Tuy nhiên, theo Le Figaro, vấn đề đặt ra là Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, vì Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề cạnh tranh với đối thủ nặng ký là Washington. Các chiến lược gia Trung Quốc đánh giá là châu Âu quá rụt rè để có thể đóng vai một đối trọng cấp toàn cầu.
Trong bài xã luận của mình, Le Figaro đã không ngần ngại so sánh hai cách đối phó với Trung Quốc hiện nay, của Mỹ và của châu Âu. Theo tờ báo, Tổng thống Donald Trump đã chọn phương pháp mạnh, áp thuế hải quan để đánh bại một đối thủ cạnh tranh không công bằng. Bruxelles cũng có thể làm theo, vì Bắc Kinh cũng gây ra những vấn đề tương tự cho châu Âu như đóng cửa thị trường, buộc chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ. Thế nhưng châu Âu đã không làm như Mỹ. Một phần là vì ông Trump không muốn liên kết với châu Âu, thậm chí còn mở ra một mặt trận thứ hai chống châu Âu. Nhưng một phần là vì EU không đủ dũng khí lao vào một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, châu Âu đã chọn phương pháp ôn hòa và Tổng thống Macron đến Bắc Kinh với thông điệp “đối thoại xây dựng”, nhắc lại công thức “đôi bên cùng có lợi” mà Trung Quốc luôn dùng. Le Figaro kết luận: “Đối với ông Tập, vốn đang tập trung vào cuộc đấu với ông Trump, phương pháp tiếp cận ngọt ngào có thể mang lại kết quả trong ngắn hạn. Nhưng về lâu về dài, cách làm này sẽ đẩy châu Âu vào một tương quan lực lượng bất lợi”.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa lớn trang nhất cho chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp: “Macron đánh cược lá bài châu Âu tại Trung Quốc”. Theo tờ báo kinh tế Pháp, tại Thượng Hải trong chuyến thăm Trung Quốc cấp Nhà nước thứ hai của ông, Tổng thống Macron đã kêu gọi châu Âu hình thành một chiến lược thương mại chung, mạnh mẽ, với những yêu cầu khắt khe đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Les Echos ghi nhận là do cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc tìm cách xích lại gần châu Âu trong một thông điệp chung bảo vệ tính đa phương. Nhưng Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu ở Bắc Kinh, Joerg Wuttke, đã cảnh báo không nên chạy theo một thỏa thuận “hạ giá”. Theo Les Echos, trong một bối cảnh quốc tế căng thẳng, vấn đề đối với Pháp là chuyến công du của Tổng thống Macron diễn ra trong lúc Paris tỏ thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, muốn rằng những “Con đường tơ lụa” không chỉ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, lên tiếng bảo vệ một trục Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sau một sự cố giữa hải quân Trung Quốc và Pháp ở eo biển Đài Loan vào tháng 4/2019. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông, với việc châu Âu kêu gọi “xuống thang”, được bộ Ngoại giao Pháp sau đó phụ họa, đã khiến đại sứ quán Trung Quốc ở Paris phản ứng gay gắt đầu tháng 10. Trước khi ông Macron đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng: “Hồng Kông và Tân Cương là những vấn đề nội bộ Trung Quốc, không nên là một chủ đề bàn thảo ngoại giao”.
Tờ Le Monde dẫn lời nhận xét chung của giới chuyên gia: “Pháp thiếu một chiến lược rõ ràng, không có một nền tảng, không có một cơ sở để xử lý các vấn đề”, như nhận xét của ông Eric de la Maisonneuve, một cựu tướng lĩnh đã về hưu, tác giả tập sách “Những thách thức Trung Quốc”. Theo tờ nhật báo hàng đầu của Pháp, nếu như chuyến đi Trung Quốc lần này là nhằm để “tái cân bằng quan hệ” như tuyên bố của Điện Elysée, thì theo quan điểm của ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế về Chiến lược (IRIS), Pháp không nên hy vọng có thể nói chuyện “ngang vai” với Trung Quốc. Trong nhãn quan của Bắc Kinh, nước Pháp vẫn chỉ là một “chú lùn” tại châu Âu, thua xa cả Đức và Anh. Cuối cùng, ông Jean-Maurice Ripert, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, khuyên rằng chiến lược của Pháp nên chú trọng đến hai yếu tố: “Nếu xem Trung Quốc là đối tác quan trọng đương nhiên là được, nhưng nếu xem Trung Quốc là bạn, là đồng minh thì không nên”. Bởi vì, Bắc Kinh có truyền thống phản đối mọi hình thức liên minh và chủ trương không liên kết.
Dư luận Pháp cho rằng những khác biệt trên khiến thế cân bằng trong quan hệ Pháp – Trung Quốc nói riêng và kể cả quan hệ EU – Trung Quốc nói chung, trở nên mong manh. Nói cách khác, kết quả đáng ghi nhận mà chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Trung Quốc mang lại, có thể chỉ đem lại lợi ích trong ngắn hạn. Lợi ích quốc gia và chính sách ngoại giao thực dụng của Pháp cần có thời gian để chứng thực kết quả.