Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố, trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, sau khi Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington nói Bắc Kinh đang xây đường băng thứ 3 trong khu vực.
AFP đưa tin, trong một bài phát biểu trước các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh ngày 16/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khăng khăng rằng Bắc Kinh không có ý định rút lại các tuyên bố chủ quyền.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Vương Nghị lớn tiếng nói, nhắc tới cái tên mà Bắc Kinh dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Vương còn bao biện rằng “hoàn toàn có thể hiểu được khi Trung Quốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình và ngăn chặn việc xâm phạm các lợi ích hợp pháp của nước này”.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và trong năm qua đã tăng cường mạnh mẽ hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, với các cơ sở phục vụ mục đích quân sự.
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng các hoạt động của Bắc Kinh đang làm thay đổi hiện trạng khu vực. Lầu Năm Góc đã cân nhắc đưa tàu chiến và máy bay do thám vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Trung Quốc bị cáo buộc xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Từ năm ngoái, Bắc Kinh đã bắt đầu xây đường băng dài 3.000 m trên bãi đá Chữ Thập.
Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho hay, các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng khác trên bãi đá Xu Bi và một đường băng thứ 3 trên bãi Vành Khăn.
Các bức ảnh vệ tinh còn cho thấy Trung Quốc tiếp tục hoạt động cải tạo đất trong khu vực, trái ngược với một tuyên bố hồi tháng 8 rằng Bắc Kinh đã ngừng các hoạt động này.
Chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS, nhận định 3 đường băng tại quần đảo Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc đe dọa toàn bộ giao thông hàng không trên các thực thể mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở đó.
Điều đó sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng và “làm đau đầu thêm tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn cũng như các quốc gia bên ngoài như Mỹ”, ông Polling nói thêm, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ vào tuần tới.
Còn Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia khác của CSIS, cho rằng trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, Bắc Kinh dường như muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích của Biển Đông, cho dù việc này có làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
“Việc tiếp tục hoạt động nạo vét, cũng như xây dựng và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo đã cho thấy sự thiếu thiện chí của Bắc Kinh nhằm kìm chế căng thẳng và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng”, bà Glaser nhấn mạnh.