Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHoạtđộng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biển đảo và chiến...

Hoạtđộng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biển đảo và chiến lược biển của TQ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông; thành lập thêm nhiều Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau; tăng cường giao lưu học thuật quốc tế về Biển Đông nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên và “bằng chứng lịch sử” để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc

Chủ trương, chính sách và hoạt động nghiêu cứu khoa học biển của Trung Quốc

Hoạt động nghiên cứu về Biển Đông được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm; các Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu tiến hành đồng bộ hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhiều lần đưa ra tuyên bố khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Trung Quốc đối với công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc cũng dành một nguồn kinh phí và chính sách lớn cho các đơn vị nghiên cứu, có chính sách đãi ngộ tốt đối với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu của TQ trong vấn đề Biển Đông; mở thêm nhiều đơn vị nghiên cứu mới bằng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, song Chính phủ Trung Quốc vẫn đứng đằng sau chỉ đạo.

Các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành nghiên cứu một cách đồng bộ về: Luật Biển Đông và quan hệ quốc tế; Lịch sử và văn hóa Biển Đông; Kinh tế chính trị xã hội các nước ven Biển Đông; Tài nguyên môi trường Biển Đông; Hợp tác an ninh và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; Chiến lược và quyết sách trong vấn đề Biển Đông; Luật quốc tế và tranh chấp Biển Đông, Chính sách Biển Đông của các các nước; Nghiên cứu đối sách giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông; Bảo vệ môi trường và khai thác phát triển tài nguyên Biển Đông; Chiến lược và cơ chế phát triển kinh tế hải dương; “Con đường tơ lụa trên Biển” thế kỷ 21… Ngoài ra, các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành hợp tác nghiên cứu, trao đổi nghiên cứu học thuật với hơn 20 nước như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Philippnes, Indonesia, Đài Loan… và có liên kết với gần 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu trên thế giới và nhiều tổ chức Chính phủ, phi chính phủ của khu vực và quốc tế.

Các kết quả nghiên cứu đã “góp phần” tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Một số viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc như Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung tâm hợp tác sáng tạo Nam Hải Trung Quốc được đưa vào danh sách các Viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách quốc gia. Những thành quả nghiên cứu của một số viện trên như “Nguyên nhân và phát triển tranh chấp ở Biển Đông”, “Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông hàng năm”… được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc; được nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc và quốc tế sử dụng các dữ liệu trong các công trình nghiên cứu.

Số lượng chuyên gia, học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông ngày một tăng; các đề tài, bài nghiên cứu về Biển Đông ngày càng nhiều.Trước đây, số chuyên gia, học giả Trung Quốc nhiên cứu về Biển Đông chỉ có một nhóm nhỏ, nằm rải rác ở một số Viện, Trung tâm, đại học lớn của Trung Quốc, như Viện Nghiên cứu Nam Hải, Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các chuyên gia, học giả và các Viện, Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “nhiều như nấm”, hầu hết các tỉnh, thành và đại học của Trung Quốc đều có các Viện, Trung tâm nghiên cứu riêng. Đáng chú ý, Trung Quốc đang trẻ hóa đội hình chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đa phần số chuyên gia của Trung Quốc có độ tuổi từ 30-45 và số lượng các bài viết, đề tài nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc tăng đột biến trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu của Trung Quốc còn mang nặng tính bao biện cho lập trường và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đổ lỗi cho các nước khác làm phức tạp tình hình và “xâm chiếm” biển đảo của Trung Quốc; ít có các bài viết phân tích từ khía cạnh luật pháp quốc tế một cách công bằng.

Đáng chú ý, Trung Quốc có một lực lượng chuyên gia, học giả được đánh giá là theo trường phái “diều hâu”, trong đó chủ yếu là những sỹ quan quân đội Trung Quốc, nhiều người trong số họ mang hàm Thiếu tướng như Doãn Trác, Trương Thiệu Trung… thường có những bài viết, phát biểu mang tính hiếu chiến, đe dọa các nước liên quan. Trong bất cứ vụ việc gì ở Biển Đông, bất kể là hành động khiêu khích của Trung Quốc hay những hành đông vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, số chuyên gia này đều sử dụng chiêu bài “cả vũ lấp miệng em”, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc dùng vũ lực giải quyết hoặc lên án các nước “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong cùng thời điểm, Trung Quốc tuyên bố thành lập 3 trung tâm là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và tìm cách củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông.Bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao hàng năm tại tỉnh Hải Nam, Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Indonesia tuyên bố thành lập Trung tâm Trung Quốc – Đông Nam Á Nghiên cứu về Biển Đông (CSARC). Giám đốc Cục Hải dương Trung Quốc (SOA) Vương Hồng tuyên bố Trung Quốc sẽ thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Tòa Án Tối Cao Trung Quốc Chu Cường cho biết, Trung Quốc sẽ thành lập “Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” nhằm “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hàng hải và lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc”. Truyền thông Trung Quốc cho rằng mục đích của CSARC là nhằm “tăng cường trao đổi học thuật và thể chế đồng thời đẩy mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định chung trên biển giữa các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Giám đốc NISCSS Ngô Sỹ Tồn khẳng định Trung tâm sẽ là nền tảng cho các thảo luận liên quan đến Biển Đông, là một mô hình hợp tác nghiên cứu hàng hải giữa các nước trong khu vực. NISCSS sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định, việc Trung Quốc thành lập những Trung tâm trên, đặc biệt là “Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” là là động thái tiếp theo nằm trong chuỗi chiến lược hiện thực hóa yêu sách phi lý về chủ quyền tại những vùng biển mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Chiến lược biển của Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng không gian chiến lược hướng biển để duy trì sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Nghiên cứu chiến lược biển được Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhất là chiến lược khai thác phát triển Biển Đông. Trung Quốc coi khống chế được Biển Đông tức là khống chế được cả vùng Đông Nam Á và con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Giành được vị thế ở Biển Đông sẽ giúp nước này giành được thế chủ động để vươn ra các vùng biển khác, đồng thời giúp Trung Quốc tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực đối với các nước trong khu vực.

Tháng 4/2014, Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố “Báo cáo phát triển chiến lược biển Trung Quốc năm 2014”. So với các năm trước, “Báo cáo” này đã tăng thêm phần “Xây dựng cường quốc biển”, có những ý mới, có đột phá, trình bày khá chi tiết về mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển, cung cấp tư liệu chi tiết cho công chúng tìm hiểu tình hình phát triển các chương mục của “Báo cáo” được sắp xếp chủ yếu dựa vào sự bố trí chiến lược xây dựng cường quốc biển nói trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và các yêu cầu nêu ra trong Báo cáo công tác năm 2013 của chính phủ, kết hợp sự phát triển chính sách về biển, các sự kiện lớn về biển xảy ra trong năm 2013.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chiến lược biển phải bảo đảm ba yếu tố: Các lợi ích chung về biển của Trung Quốc; Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc; Xây dựng một “xã hội hòa hợp” về biển, trong đó công nhận sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển đang tăng lên.

Các nhiệm vụ chính về biển của Trung Quốc trong tương lai gồm: bảo vệ nguồn lực về biển của Trung Quốc đối với “các vùng nước liên quan”; phát triển kinh tế biển; tăng cường việc sử dụng biển và quản lý các đảo; duy trì môi trường biển; phát triển các ngành công nghiệp biển và khoa học về biển; nâng cao sự đóng góp của Trung Quốc vào hải dương học toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012), Trung Quốc đã đề ra chiến lược xây dựng cường quốc biển, chính thức đưa vấn đề phát triển biển trở thành chiến lược phát triển quốc gia, nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa. Phương hướng phát triển này được định vị bằng khái niệm “Chiến lược hải dương xanh” với hàm ý lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã mở rộng ra biển và trở thành cường quốc biển là một bước trên con đường đạt tới địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc.

Xây dựng cường quốc biển mang đặc sắc Trung Quốc là phần mới tăng thêm trong “Báo cáo” 2014. Nội dung xây dựng cường quốc biển gồm tư duy lý luận xây dựng cường quốc biển và biện pháp xây dựng cường quốc biển đặc sắc Trung Quốc. Chỉ có xây dựng được cường quốc biển thì mới có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các quyền lợi trên biển và an ninh nhà nước, mới có bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Nếu như trước đây, Chiến lược biển của Trung Quốc là “ưu tiên giữ ổn định, chủ yếu là gác lại tranh chấp” thì chiến lược biển từ sau Đại hội XVIII của Trung Quốc thay đổi theo hướng “chủ động, tích cực” hơn, biểu thị rõ ràng thái độ kiên quyết không từ bỏ cái mà họ coi là quyền lợi “chính đáng”.

Chiến lược trở thành cường quốc biển của Trung Quốc là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đưa đến một số tác động và hệ lụy quan trọng đối với khu vực và Việt Nam.

Đối với khu vực, Trung Quốc vươn lên thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển là làm thay đổi trật tự địa – chính trị khu vực với các hệ lụy và biểu hiện sau: (i) Thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia trong khu vực phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực. (ii) Cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang nỗ lực “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương, điều này tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức. (iii) Gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng liên tục nhiều năm sẽ có tác động dây chuyền của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang trong khu vực nhưng cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra. (iv) Đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. (v) gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc sẽ có thiên hướng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, trong năm trường hợp tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở vùng biển Đông Nam Á được “giải quyết” trong 50 năm gần đây thì hai trường hợp sử dụng biện pháp hòa bình là cơ quan tài phán quốc tế (hai vụ việc giữa Malaysia và Indonesia về đảo/đá Pulau Ligitan và giữa Malaysia và Singapore về đảo/đá Pedra Branca), ba trường hợp sử dụng vũ lực đều liên quan tới Trung Quốc (Hoàng Sa, Trường Sa và Hoàng Nham. Cùng với đó, việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế. Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn…

Đối với Việt Nam, ngoài các tác động chung đối với khu vực nói trên, là nước láng giềng cận kề nên sẽ phải chịu “sức ép” rất lớn từ việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển, nhất là sức ép về tranh chấp chủ quyền biển đảo. Điều này hiện nay đã trở nên rõ ràng, buộc Việt Nam phải gấp rút nâng cao năng lực quốc phòng và chấp pháp để tự vệ. Vai trò của luật pháp quốc tế và ASEAN, hai công cụ quan trọng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng sẽ chịu nhiều thách thức, đặt ra những khó khăn không nhỏ cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới