Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ nỗ lực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái...

Mỹ nỗ lực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở nhằm kiềm chế TQ

Tháng 11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng-Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời cho biết sẽ ủng hộ Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng cao của khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và khuyến khích nguồn vốn tư nhân tăng cường đầu tư, là lựa chọn thay thế cho đầu tư mang tính chính phủ của các nước trong khu vực.

Mặc dù khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Trump khi đó chưa rõ ràng, khuôn khổ chính sách chưa hình thành, nhưng các nhà phân tích đều nhận định rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Mỹ là nhằm làm đối trọng với sáng kiến ‘vành đai, con đường” của Trung Quốc; ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở khu vực và thế giới. Chiến lược này sau đó được sự hưởng ứng của 3 nước khác trong khu vực là Nhật Bản, Úc, Ấn Độ mà sau này thường gọi là “Bộ tứ” (bao gồm cả Mỹ).

Trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực, nhất là ở Biển Đông để thực hiện tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ, Chính quyền Trump đã tích cực phối hợp với các nước trong “Bộ tứ” chủ động đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn. Chính quyền Trump đã thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị như xây dựng cơ chế, ký kết thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với tác động toàn diện của sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Nhằm phát huy hiệu quả cơ chế viện trợ nước ngoài của Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền Trump tiến hành cải cách cơ chế viện trợ này. Năm 2018, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), ủy quyền cho Vụ quản lý tín dụng phát triển thuộc (USAID) hợp nhất với (OPIC), thành lập Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ (USDFC) mới, từ đó hình thành cơ chế hai quỹ đạo với viện trợ phát triển do USAID và Cơ quan thiên niên kỷ (MCC) phụ trách và viện trợ phát triển do USDFC và USTDA phụ trách.

Ngoài chức năng truyền thống của OPIC như có tiền vốn, đảm bảo vay vốn, bảo hiểm và tái bảo hiểm, hỗ trợ công nghệ…, USDFC còn tăng thêm quyền đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp liên doanh và có thể sử dụng đồng tiền của quốc gia khác để đầu tư và bảo lãnh.

Cùng với việc thành lập Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ (USDFC), Chính quyền Trump còn xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức song phương và đa phương. Ở cấp độ song phương, trong thời gian Tổng thống Trump thăm Nhật Bản năm 2017, OPIC đã ký với Ngân hàng quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Công ty bảo hiểm đầu tư xuất khẩu Nhật Bản. Bản ghi nhớ cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, USTDA và Bộ công nghiệp và thương mại Nhật Bản (METI) cũng ký Bản ghi nhớ hợp tác cung cấp năng lượng cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hai nước đã liên kết thành quan hệ đối tác năng lượng chiến lược, đầu tư vào các dự án khí hóa lỏng và cơ sở hạ tầng có liên quan ở khu vực này.

Ở cấp độ đa phương, tháng 7/2018, Mỹ, Nhật Bản và Úc tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ba quốc gia này cũng đã ký bản ghi nhớ thực hiện hợp tác quan hệ đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối số và năng lượng. Ba nước còn cùng thúc đẩy sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019.

Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ thiết lập Nhóm công tác 3 bên về cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ đối thoại 3 bên, ba nước đã đạt được thỏa thuận về phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á như Nepal, Bangladesh, Myanmar…, trong đó Ấn Độ phụ trách xây dựng cảng biển, Nhật Bản xây dựng khu công nghiệp, Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng điện lực.

Tại Diễn đàn thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2018 do Hiệp hội thương mại Mỹ tổ chức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 3 sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là quan hệ đối tác kết nối số an ninh mạng, thông qua khai thác năng lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển châu Á, mạng lưới nghiệp vụ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đồng thời tuyên bố sẽ cung cấp 113 triệu USD.

Căn cứ vào luật BUILD, Quốc hội Mỹ cung cấp quỹ phát triển tài chính trị giá 60 tỷ USD cho Công ty phát triển tài chính quốc tế Mỹ. Trong khuôn khổ đối tác cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhật Bản cam kết trong vòng 5 năm sẽ đầu tư 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trong kế hoạch quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao mở rộng, bao gồm cùng với Ấn Độ xây dựng Hành lang tăng trưởng kinh tế Á – Phi. Chính phủ Úc tuyên bố thành lập Quỹ tài chính cơ sở hạ tầng Úc – Thái Bình Dương trị giá 2 tỷ đôla Úc (AUD) và cung cấp 1 tỷ AUD cho Công ty tài chính và bảo hiểm xuất khẩu Úc (EFIC) để hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ nỗ lực phối hợp cùng các nước trong “Bộ tứ” xây dựng cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch với mục tiêu làm cho các nước trong khu vực thấy rõ tính hiệu quả, ưu việt của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương so với “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

“Vành đai, con đường” được Mỹ nhìn nhận như một công cụ địa chiến lược, thậm chí coi sáng kiến này là mối đe dọa chiến lược với Mỹ. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết mục đích Trung Quốc đưa ra sáng kiến hợp tác “Vành đài, con đường” là xây dựng nhiều tuyến đường thương mại ở Trung Quốc và nước ngoài nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao địa vị chủ đạo của Bắc Kinh trên thế giới.

Theo quan điểm của Mỹ, thách thức địa chiến lược mà “Vành đai, con đường” gây ra cho Mỹ được biểu hiện chủ yếu ở một số lĩnh vực sau:

Một là vấn đề quân sự hóa. Cùng với việc ra sức thúc đẩy xây dựng “Vành đai, con đường”, Trung Quốc đầu tư sức mạnh quân sự, tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực. Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy dự án “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương, đó là thông qua xây dựng cảng biển và bến tàu lưỡng dụng quân sự và dân sự ở ven Con đường tơ lụa trên biển, để hỗ trợ cho Trung Quốc điều động lực lượng quân sự ra nước ngoài. Hành động của Hải quân Trung Quốc như triển khai hàng loạt cuộc tuần tra ở Ấn Độ Dương và thành lập căn cứ hậu cần ở Djibouti…đã phản ánh xu hướng này.

Hai là vấn đề “sức mạnh sắc bén”. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng “cây gậy” kinh tế để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại, trừng phạt các quốc gia chống lại yêu cầu mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đều từng trở thành mục tiêu trừng phạt của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn dựa vào ảnh hưởng lớn của mình để can dự vào chính trị và xã hội của các nước có liên quan.

Ba là vấn đề trật tự thế giới trong tương lai. Mục tiêu Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai, con đường” là thiết lập một trật tự thế giới với trung tâm là Trung Quốc. Ở góc độ kinh tế, việc làm này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có tư cách kiểm soát chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất; ở góc độ chính trị, Trung Quốc sẽ lợi dụng địa vị của mình để kiểm soát chuỗi sản xuất của họ, ép buộc các quốc gia láng giềng phục vụ cho mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Khi đánh giá ý đồ chiến lược toàn cầu của Trung Quốc thông qua “Vành đai, con đường”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho rằng Trung Quốc dùng biện pháp “đế quốc thu mua” sử dụng tiền để gây tổn thất cho các quốc gia có liên quan, đồng thời cũng đe dọa lợi ích của Mỹ, “Washington sẵn sàng làm mọi thứ để ứng phó với Trung Quốc”. Do vậy, Mỹ luôn thể hiện thái độ sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt để gây tác động và làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của “Vành đai, con đường”.

Liên quan đến Biển Đông, Mỹ luôn coi Biển Đông là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc Mỹ đưa ra phản đối mạnh mẽ yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông trong Báo cáo“Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 04/11/2019 thể hiện rõ điều này.

Trong khuôn khổ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, Mỹ hỗ trợ cho các nước láng giềng ven Biển Đông tăng cường năng lực quản lý biển, phát triển các lực lượng tuần tra trên biển để đối phó với những thách thức từ sự gây hấn của Trung Quốc.

Mặt khác, Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các nước ven Biển Đông, bao gồm cảng biển và kể cả hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển của các nước ven Biển Đông được xác định phù hợp với các quy định của Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp cần thiết để chống lại việc Trung Quốc dọa nạt, cưỡng ép các hoạt động dầu khí của các nước ven Biển Đông, đồng thời cũng là để ngăn chặn mưu toan của Trung Quốc đẩy Mỹ và các nước ra khỏi Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới