Các đại biểu từ Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí Gensuikyo bày tỏ quan ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, kêu gọi các tranh chấp và mâu thuẫn phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong chuyến thăm Việt Nam Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và khinh khí Gensuikyo đã có cuộc gặp với Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội.
Tại cuộc gặp, Giám đốc đại diện, Trưởng Đoàn Gensuikyo Hiroshi Taka giới thiệu các hoạt động nổi bật của Gensuikyo như cuộc tuần hành vì hòa bình, chiến dịch thu thập chữ ký tại các quốc gia chống lại chiến tranh hạt nhân, cấm và xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, hỗ trợ nạn nhân bom nguyên tử. Đồng thời thông báo những hoạt động trong năm 2020 hướng tới kỷ niệm 75 năm kể từ khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử; 50 năm thông qua Hiệp ước không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) và tổ chức Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước NPT tại New York. Ông Hiroshi Taka cho biết, các thành viên trong Đoàn đều là những người nạn nhân trực tiếp chứng kiến hậu quả của vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki nên họ rất thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Đáng chú ý, tại buổi làm việc, các đại biểu trong đoàn bày tỏ quan ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, kêu gọi các tranh chấp và mâu thuẫn phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức hòa bình, hữu nghị trên thế giới như Ủy ban đoàn kết với nhân dân các nước Á-Phi, Mỹ Latin. Song song với đó, Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, trao đổi thông tin, tổ chức các sự kiện thúc đẩy hòa bình như hội thảo quốc tế, lễ kỷ niệm… Ông Nguyễn Văn Huỳnh cảm ơn Hội đồng Gensuikyo cũng như nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Đồng thời, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân và cuộc đấu tranh công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn nhất quán với chính sách phản đối vũ khí hạt nhân và là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ủng hộ, ký kết và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).