Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Trump đang tiếp thêm sức mạnh cho TQ?

Ông Trump đang tiếp thêm sức mạnh cho TQ?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiếp thêm sức mạnh cho Trung Quốc khi từ bỏ các tổ chức đa phương ở châu Á.

Dưới đây là nhận định của cây viết James Steinberg trên tạp chí Nikkei.

Tác giả Steinberg nhắc lại rằng, trong bài phát biểu năm 2011 trước quốc hội Australia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố đặt trọng tâm mới vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn được biết đến là trục xoay tới châu Á. Ở tâm điểm chiến lược này là một cam kết đối với chủ nghĩa đa phương khu vực.

Từ quyết định tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ngay từ những ngày đầu nhậm chức tới khi ký kết hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Obama tin rằng Mỹ có thể duy trì tốt nhất các lợi ích bằng cách củng cố các định chế khu vực. Ông dự Hội nghị cấp cao Đông Á đầu tiên của mình ở Bali năm 2011, sau đó tham gia sự kiện này hàng năm, chỉ trừ năm 2013 khi chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa.

Vào tháng 10/2019, Tổng thống Donald Trump đã đặt dấu chấm hết cho cách tiếp cận này. Thông qua quyết định cử một quan chức nội các cấp trung tới EAS, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp ông từ chối đích thân tham gia, Tổng thống Trump thể hiện rõ rằng các định chế đa phương không quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà ông đang tích cực mời chào.

Tất nhiên, thái độ này đã được thể hiện ngay từ đầu. Bằng cách rút Mỹ khỏi TPP trong khi thông báo sẽ chỉ tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương, và từ chối bổ nhiệm các thành viên vào cơ quan phúc thẩm WTO, chính quyền Trump đã quay lưng lại với 75 năm hỗ trợ lưỡng đảng cho thương mại đa phương.

Và chỉ một tuần sau khi từ chối tham gia ở cấp lãnh đạo chính phủ tại EAS, chính quyền Trump tuyên bố chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Không nơi nào có sự tham gia đa phương quan trọng bằng Đông Á. Trước sự lớn mạnh cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, các nước trong khu vực đang mong muốn tìm ra một chiến lược để đối phó với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các thỏa thuận đa phương hiệu quả cho phép họ trụ vững mà không bị buộc phải lựa chọn hoặc Trung Quốc hoặc Mỹ.

Dẫn đầu bởi ASEAN, khu vực đã phát triển nhiều thỏa thuận mới trong hơn ba thập niên qua, giải quyết hàng loạt vấn đề từ những mối quan tâm chính trị và xuyên quốc gia như năng lượng và y tế tới an ninh, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Á, và thương mại với Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và TPP.

Cũng không có nơi nào rõ ràng hơn ở Biển Đông. Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu của mình ở vùng biển quan trọng này bằng cách tập trung vào đàm phán song phương và tìm cách hạn chế vai trò của Diễn đàn Khu vực ASEAN – không chỉ bởi Mỹ là một thành viên.

Mỹ đã khẳng định cần phải có một cách tiếp cận đa phương để phát triển bộ quy tắc ứng xử và ngăn chặn Trung Quốc dùng ảnh hưởng để dọa nạt các nước nhỏ hơn. Nhưng điều mỉa mai là cùng lúc chỉ trích Trung Quốc, chính quyền Trump lại làm suy yếu chính định chế có thể chống lại mưu đồ của Trung Quốc.

Hội nghị Đông Á là một phương tiện đặc biệt có giá trị cho sự tham gia của Mỹ. Đây là cuộc họp khu vực rộng lớn duy nhất có sự tham gia của Ấn Độ và tất cả các đồng minh then chốt của Mỹ, cùng với Nga và Trung Quốc. Các cuộc gặp không chỉ tạo ra cơ hội thảo luận rộng rãi về các vấn đề cấp bách của khu vực mà còn cung cấp địa điểm cho các cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Mỹ và các đối tác.

Việc Mỹ không quan tâm đến các tổ chức đa phương khu vực không phải là mối đe dọa duy nhất đối với sự tồn tại của những tổ chức này. Mới đây, Ấn Độ cũng quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chile bỏ tổ chức hội nghị APEC trong bối cảnh trong nước hỗn loạn.

Có lẽ đang có quá nhiều hy vọng chính quyền Trump sẽ nghĩ lại về cái giá của cách tiếp cận thờ ơ đối với chủ nghĩa đa phương trong khu vực. Nhưng các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể đóng một vai trò then chốt trong việc giữ vững những nỗ lực đó trong khi sử dụng ảnh hưởng của họ ở Washington để thúc giục một sự tham gia lớn hơn.

Xây dựng các định chế hiệu quả ở châu Á – Thái Bình Dương là một thách thức khó khăn, nhưng chính nỗ lực duy trì chúng mới là liều thuốc giải cho sự cạnh tranh Trung – Mỹ vốn đang đe dọa đến hòa bình và thịnh vượng của khu vực quan trọng này.

RELATED ARTICLES

Tin mới