Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc...

Vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper

Trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á hợp tác đẩy lùi đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải trong khu vực.

Sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN mở rộng tại Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (19/11) đã tới thăm Philippines. Tại Manila, ông Esper cho biết: Hầu hết những quốc gia tới tham gia cuộc họp AMM+ “đều rất quan ngại về yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại khu vực và Bắc Kinh thiếu đi sự tuân thủ với luật pháp và quy chuẩn quốc tế”; cho rằng “chúng ta có phận sự thể hiện quan điểm công khai và khẳng định chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp. Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp và (các quốc gia) đồng lòng hành động là cách tốt nhất để gửi thông điệp nhằm khiến Trung Quốc đi theo con đường đúng đắn”.

Ngoài ra, ông Esper tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải” trong vùng biển tranh chấp chủ quyền để đảm bảo rằng Trung Quốc hiểu được Washington “từ chối nỗ lực bởi bất cứ quốc gia nào nhằm dùng sự cưỡng ép và đe dọa để đạt được lợi ích quốc gia bằng cách lấy đi từ nước khác”. Theo ông Esper, năm vừa qua là năm Mỹ thực hiện nhiều cuộc tuần tra hàng hải nhất so với 20 năm vừa qua. “Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi cố gắng truyền tải không phải là chúng tôi phản đối Trung Quốc, mà là tất cả chúng ta tuân theo các quy định và luật pháp quốc tế, và chúng tôi nghĩ Trung Quốc cũng nên tuân thủ chúng. Hành động tập thể là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp và khiến Trung Quốc đi đúng đường”.

Ông cũng chỉ ra việc Trung Quốc “sử dụng lực lượng dân quân biển để xua đuổi các thủy thủ và ngư dân Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, đồng thời triển khai lực lượng hải cảnh để ngăn Việt Nam khoan dầu và khí tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển của họ. Thông qua những hành động khiêu khích liên tục để khẳng định yêu sách đường chín đoạn, Bắc Kinh đã cản trở các nước thành viên ASEAN trong việc tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần gây ra sự bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột. Hành vi này trái ngược hoàn toàn với trật tự dựa trên luật lệ mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong hơn 70 năm qua”.

Về quan hệ Mỹ – Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, thời gian tới Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines nhiều hơn nữa trong các nỗ lực hiện đại hóa quân đội và cải thiện an ninh hàng hải, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines, và cải thiện an ninh hàng hải và ý thức về lãnh thổ; “Mỹ mong đợi các cuộc tuần tra chung về hàng không và hàng hải trong tương lai để cải thiện khả năng tương tác và thể hiện cam kết ủng hộ các quy định và quy tắc quốc tế tồn tại lâu nay”.

Trước đó, tại Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng ASEAN phải đảm bảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) không bị Trung Quốc “thao túng” nhằm “hợp thức hóa hành vi quá đáng và yêu sách hàng hải phi pháp của nước này, cũng như lẩn tránh các cam kết mà Trung Quốc đã thống nhất. Nếu điều trên (Trung Quốc thao túng) xảy ra, COC sẽ trở nên phản tác dụng và gây ra đe dọa tới những bên coi trọng quyền tự do được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”. 

Chính quyền Mỹ gần đây nhiều lần lên án những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (15/11) chỉ trích Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo” với chính những cam kết của mình, không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, như việc triển khai vũ khí tới các đảo nhân tạo cải tạo trái phép trên Biển Đông dù từng hứa không quân sự hóa khu vực. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới. Hải quân Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới