Công ty đóng tàu Japan Marine United (JMU) của Nhật Bản đã công bố thiết kế sơ bộ của một tàu đốc đổ bộ trực thăng (LHD) mà hãng dự định sẽ đề xuất với Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đóng mới trong thời gian tới.
Sau khi Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ Type 075 do nhà máy đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua) tại Thượng Hải đóng. Tàu dài 250m, rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý/h (42,5 km/h); có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Trong tương lai Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu một mẫu tiêm kích hạm tàng hình có khả năng cất hạ cánh tương tự như F-35B Lightning II của Mỹ, đó có thể là chiếc J-26 như một số bản đồ họa từng xuất hiện. Bên cạnh đó do vẫn được thiết kế với khoang đổ bộ ngập nước, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.
Công ty đóng tàu Japan Marine United (JMU) của Nhật Bản đã công bố thiết kế sơ bộ của một tàu đốc đổ bộ trực thăng (LHD) mà hãng dự định sẽ đề xuất với Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF). Thông số kỹ thuật dự kiến của tàu đốc đổ bộ mang trực thăng tương lai của Hải quân Nhật Bản bao gồm chiều dài 220 m, bề rộng 38 m, mớn nước 7 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.000 tấn, tốc độ tối đa mà con tàu đạt tới là 24 hải lý/h. Tuy nhiên, không giống như các tàu sân bay trực thăng DDH lớp Izumo hiện đang phục vụ trong biên chế, chiếc LHD tương lai tương lai sẽ có khả năng triển khai xe bọc thép và tàu đổ bộ đệm khí (LCAC), ngoài ra nó còn có phần boong đủ dài để hỗ trợ hoạt động cho trực thăng. Con tàu có thủy thủ đoàn khoảng 500 người, đủ sức đảm bảo hoạt động cho tối đa 5 trực thăng cùng lúc trên boong, với không gian bổ sung cho khoảng 5 trực thăng khác trong 2 nhà chứa máy bay nằm bên dưới sàn. Thiết kế của JMU cho thấy con tàu sẽ có thêm 3 nhà chứa máy bay, chức năng sử dụng phụ thuộc phần lớn vào yêu cầu của JMSDF. Theo một quan chức của công ty, chiếc LHD này có khả năng mang theo 2 tàu đệm khí kiểu LCAC và hơn 20 xe thiết giáp lội nước kiểu AAV7A1 trong khoang đổ bộ. Tuy nhiên hiện tại không có thông tin nào được cung cấp về số lượng lính thủy quân lục chiếc mà chiếc LHD này có khả năng mang theo.
Nếu nhận được yêu cầu, tương tự như tàu Hyuga và Izumo, chiếc LHD này hoàn toàn có khả năng lập tức biến đổi thành tàu sân bay hạng nhẹ thông qua việc lắp thêm đường cất cánh kiểu nhảy cầu để triển khai tiêm kích F-35B. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MoD) vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức cho loại tàu chiến này, nhưng một quan chức của công ty JMU đã nói với tạp chí quốc phòng Jane’s rằng thông báo sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới.
Được biết, JMSDF được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á. Theo National Interest, JMSDF có tổng cộng 114 chiến hạm và 45.800 nhân viên tình nguyện. Lực lượng này sở hữu một hạm đội lớn gồm các tàu khu trục nhanh, mạnh, các tàu ngầm tấn công diesel-điện cực kỳ hiện đại, cùng với các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng và lục quân. Hải quân Nhật Bản có khả năng săn lùng tàu ngầm, chống lại các hạm đội tàu xâm lược và bắn hạ tên lửa đạn đạo của kẻ địch. Tuy sở hữu sức mạnh đáng gờm như vậy, nhưng đây không phải là một lực lượng hải quân thực sự, mà chỉ là một đội phòng vệ trên biển. Về mặt kỹ thuật, JMSDF là một “lực lượng tự vệ” được thành lập để vượt qua những giới hạn mà hiến pháp nước này quy định đối với lực lượng vũ trang. Nhưng nếu xét về sức mạnh tàu chiến, MSDF chính là lực lượng hải quân mạnh nhất ở châu Á. Thành phần chính của MSDF là một hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ tống, nhiều hơn cả tổng số loại tàu tương tự trong biên chế của Anh và Pháp cộng lại. Được tổ chức thành các đội tàu hộ tống, lực lượng này được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản khỏi các cuộc chiến tranh xâm lược, giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của nước này và giữ cho các tuyến đường biển luôn thông suốt. Loại tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Nhật Bản là các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo, có tên gọi Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Cả 4 khu trục hạm này đều được đặt theo tên các chiến hạm và tàu tuần dương trước đây, một thực tế thường được tránh nói đến nhưng đang trở nên phổ biến hơn khi những hồi ức về Thế chiến II phai nhạt dần.
Các tàu khu trục lớp Kongo được phát triển dựa theo nguyên mẫu khu trục hạm phiên bản Flight I thuộc lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ về hình dạng tổng thể và vũ khí. Giống như lớp Burke, trái tim của tàu chiến lớp Kongo là hệ thống chiến đấu Aegis, có khả năng theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không. Nó cũng cung cấp một hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cho Nhật Bản, chỉ cần 2 chiến hạm lớp Kongo là có thể bảo vệ phần lớn lãnh thổ nước này.
Vũ khí trang bị cho các khu trục hạm chủ yếu dùng vào mục đích phòng thủ, với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41, lắp đặt ở phía trước và sau boong tàu. Chiến hạm lớp Kongo mang tên lửa phòng không SM-2MR và tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB, loại tên lửa này sẽ sớm được thay thế bằng phiên bản IIA mới hơn. Các tàu khu trục còn trang bị 1 khẩu pháo chính cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm và 2 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần Phalanx 20 mm. Một tàu chiến đáng gờm khác của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo. Với lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn và chiều dài hơn 244m, Izumo có đường băng nối thẳng từ đầu đến đuôi tàu, một tháp chỉ huy các hoạt động bay, các thang máy nâng máy bay và một khoang chứa máy bay bằng chiều dài của tàu. Mặc dù trông có vẻ giống một tàu sân bay thông thường, nhưng Nhật Bản khẳng định Izumo thực ra lại là một “tàu khu trục trực thăng”. Izumo không thể mang các chiến đấu cơ cánh cố định nhưng có thể chở đến 14 máy bay trực thăng. Nhiệm vụ của các trực thăng có thể khác nhau, từ tác chiến chống tàu ngầm, dò tìm thủy lôi cho đến tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ bằng trực thăng. Điều này khiến Izumo trở thành một nền tảng linh hoạt, có khả năng thực thi hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Hiện Nhật đang chế tạo chiếc tàu thứ hai thuộc lớp này mang tên Kaga.
Lực lượng tàu ngầm cũng là một thành phần quan trọng của MSDF. Nhật Bản đang xây dựng một lực lượng gồm 22 chiếc tàu ngầm để đối phó với sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc. Hạm đội sẽ bao gồm các tàu ngầm thuộc 2 lớp là lớp Oyashio cũ, và lớp Soryu mới hơn, nguy hiểm hơn. Với lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn, Soryu là lớp tàu ngầm lớn nhất của Nhật sau lớp I-400 hồi Thế chiến II. Các tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập Stirling, giúp tàu ngầm âm thầm hoạt động dưới nước tới 2 tuần mà không cần nổi lên, và có thể di chuyển với tốc độ lên đến 24 km/h trên mặt nước và 37 km/h khi lặn. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 do Nhật tự chế và các tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Soryu cũng có thể rải thủy lôi để phong tỏa các eo biển, ngăn không cho quân địch xâm nhập.
Hải quân Nhật còn sở hữu 3 tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. Các tàu này giống tàu sân bay cỡ nhỏ có boong tàu dài 130 mét dọc theo thân tàu, nhưng lại không được trang bị thang nâng và khoang chứa máy bay. Tàu được thiết kế để nhanh chóng di chuyển các xe tăng thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất giữa các đảo chính của Nhật, giúp tăng cường lực lượng đối phó với các hành động xâm lược. Tàu lớp Osumi có thể chuyên chở tới 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90, cùng với 1000 binh sĩ. Được trang bị tốt sàn và tàu đổ bộ đệm khí LCAC do Mỹ thiết kế, tàu lớp Osumi có thể nhanh chóng vận chuyển các loại khí tài hạng nặng vào bờ. Khả năng này đặc biệt hữu ích bởi chiến lược quốc phòng linh hoạt mới của Nhật Bản đòi hỏi lực lượng đổ bộ có khả năng giành lại những hòn đảo bị kẻ thù chiếm đóng.