Giữa lúc việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 gặp nhiều bế tắc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đưa ra tuyên bố vừa muốn đạt thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ và tránh chiến tranh thương mại, nhưng cũng không ngại đáp trả nếu cần thiết.
Tuyên bố cứng rắn của hai bên
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới do Bloomberg LP tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Chúng tôi muốn đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ chiến đấu lại, nhưng chúng tôi đã làm việc tích cực để cố gắng không có chiến tranh thương mại. Chúng tôi không khởi xướng cuộc chiến thương mại này và đây không phải là điều chúng tôi muốn”. Cùng quan điểm trên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc nhấn mạnh “chúng tôi luôn nói, chúng tôi không muốn bắt đầu cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ”. Tuy nhiên, ông Lưu Hạc cho rằng “hai nước nên ký kết thỏa thuận càng sớm càng tốt, ít nhất là đình chiến thương mại. Điều đó sẽ tạo nên sự vững chắc cho thị trường và nền kinh tế. Dựa vào đó, chúng ta có thể đạt được đồng thuận trên nhiều vấn đề mang tính phức tạp hơn về mặt cấu trúc, hướng đến một thỏa thuận toàn diện cuối cùng”.
Đáp lại, Tổng thống Trump thừa nhân các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận, nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất một thỏa thuận với Bắc Kinh. Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, nguồn thu từ thuế áp bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là “của trời cho”, mặc dù nhiều chuyên gia lại cho rằng nguồn thu này đang gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế số một thế giới.
Thỏa thuận thương mại tiếp tục trì hoãn
Theo nguồn tin từ một số quan chức Chính phủ Mỹ, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra có thể gặp bế tắc. Ngoài việc Trung Quốc đòi cắt giảm thuế lớn hơn, còn có lý do Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông, khiến Trung Quốc cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Trước đó, nhiều quan chức Trung Quốc cũng đề cập đến khả năng Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump ký một thỏa thuận vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể bị trì hoãn sang năm 2020. Phía Bắc Kinh cũng yêu cầu dỡ bỏ thêm nhiều lệnh áp thuế khác, còn Washington phản hồi bằng cách đặt ra nhiều điều kiện bổ sung.
Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway (26/11) nhấn mạnh rằng, Mỹ và Trung Quốc thực sự đã tiến gần tới thỏa thuận và giai đoạn 1 của thỏa thuận này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, bà Conway cho biết Tổng thống Donald Trump muốn thực hiện điều này theo nhiều giai đoạn, với nhiều điều khoản mang tính tạm thời, bởi đó là “một thỏa thuận thương mại lớn và mang tầm vóc lịch sử”.
Các chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích rằng, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có mối quan tâm rõ ràng trong việc hoàn thành một thỏa thuận giai đoạn một, nhưng việc một thỏa thuận rộng lớn hơn có thể đạt được trước cuộc bầu cử ở Mỹ là khó xảy ra. Giới chuyên gia cho rằng, giai đoạn một có thể sẽ xảy ra bởi vì cả hai tổng thống đều muốn điều đó, nhưng Trung Quốc bây giờ không sẵn sàng trong việc thực hiện các thay đổi cấu trúc trong thời gian tới.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Keyu Jin, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho biết, thỏa thuận “bước 1” chỉ như một thỏa thuận “bằng mặt, mà không bằng lòng”, nhằm giúp Mỹ-Trung có thể nói rằng họ đã đạt được một số tiến bộ. Thực chất thỏa thuận “bước 1” là về những thứ có thể đàm phán và giải quyết ngay từ đầu. Những việc không thể giải quyết thông qua đàm phán sẽ bị bỏ lại sau, bị hoãn lại, và chúng ta thật sự không biết chuyện gì đang xảy ra. Vậy nên, khi các mức thuế cũ áp lên Bắc Kinh có thể phục hồi, thì đây không thể là một chiến thắng cho Trung Quốc. Hoặc là một chiến thắng cho nước Mỹ, bởi những vấn đề nhức nhối vẫn còn đó. Ngoài ra theo bà này, một số vấn đề khó khăn hơn đã được thảo luận trong bản thỏa thuận, như các vấn đề xoay quanh tài sản trí tuệ hay mở cửa thị trường Trung Quốc cũng không đạt được bước đột phá lớn. Và kể cả trong trường hợp Bắc Kinh có những sự nhượng bộ xung quanh các luật và quy định, thì sẽ mất một khoảng thời gian để những điều này được thi hành.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Đầu tháng này, hai bên thông báo đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu thỏa thuận này được hoàn tất. Giai đoạn hai sẽ tập trung vào sở hữu trí tuệ, vấn đề được cho là nguyên nhân khiến Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc. Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp tài sản trí tuệ của họ bằng cách ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, nhưng Bắc Kinh phủ nhận.