Với quan điểm nhất quán ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của Chính phủ Ấn Độ, giới học giả nước này cũng tích cực tổ chức, tham gia các diễn đàn, hội thảo về vấn đề này, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Những thách thức hiện tại và triển vọng tương lai”
Hội thảo diễn ra vào ngày 29/11tại trung tâm Hội thảo quốc tế ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với 3 phiên thảo luận, thu hút đông đảo các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông và pháp lý. Các học giả Ấn Độ và Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại và hàng hải quốc tế, có 9 trong 10 cảng container bận rộn nhất thế giới nằm trong khu vực này và lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực hằng năm trị giá khoảng 5.000 tỷ USD. Do đó, Biển Đông không chỉ liên quan tới khu vực Đông Nam Á mà gắn liền với lợi ích và sự quan tâm toàn cầu, trong đó có lợi ích của Ấn Độ. Các diễn biến tại Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại và lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Theo các học giả, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xung quanh khu vực bãi Tư Chính trong nhiều tháng đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế. Điều này làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc và suy giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với nước này. Cũng tại hội thảo, các học giả khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là văn bản có tính pháp lý như hiến pháp về biển. Các hộc giả kêu gọi các quốc gia liên quan sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) phù hợp với chuẩn mực và luật pháp quốc tế nhằm đem lại hòa bình và ổn định khu vực.
Hội thảo về Biển Đông kỷ niệm ba năm PCA ra Phán quyếtvề vụ Philippines kiện TQ trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông
Hội thảo do Hội nghiên cứu Ấn Độ Dương tổ chức vào ngày 12/7 tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, nhân dịp ba năm Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.Tham dự hội thảo có cựu Bí thư Đối ngoại, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, Anh, ông Lalit Mansingh, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ, các nhà ngoại giao đến từ các nước như Indonesia và Philippines, cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu về Biển Đông.Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số tham luận về hiện trạng cũng như tầm quan trọng trong việc thực thi phán quyết của PCA; sự cần thiết phải đạt được một COC ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN; các biện pháp giảm thiểu căng thẳng hiện nay trong vùng biển này và khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, tuân thủ trật tự dựa trên các quy tắc.Phát biểu tại hội thảo, cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Lalit Mansingh nêu những khó khăn trong việc thực thi phán quyết của PCA, một phần do cơ quan này thiếu thẩm quyền để thực thi, trong khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết và cũng không thừa nhận thẩm quyền xét xử của PCA.Theo cựu quan chức ngoại giao này, vấn đề Biển Đông sẽ có những tác động sâu sắc đến tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.
Về phần mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá tình hình Biển Đông hiện nay vẫn hết sức phức tạp, khó lường và tiếp tục thu hút sự chú ý của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả nhiều nước khác trên thế giới. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động thương mại an toàn, không bị cản trở, tăng cường lòng tin và tránh làm phức tạp tình hình. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các học giả đã đưa ra một số đánh giá về đặc điểm địa kinh tế, địa chính trị hiện nay trong khu vực; kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Biển Đông là nơi lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được lưu thông hằng năm.
Hội thảo “Hợp tác hàng hải Ấn Độ-Việt Nam: Những điểm hội tụ”
Ngày 22/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF) và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Hợp tác hàng hải Ấn Độ-Việt Nam: Những điểm hội tụ”, nhằm xác định những lĩnh vực hợp tác cụ thể tiềm năng giữa hai nước. Tham dự hội thảo có Phó Đô đốc Pradeep Chauhan, Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ; tiến sỹ Ash Narain Roy, Giám đốc Viện Khoa học xã hội cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu dẫn đầu. Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đề cập đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác tiềm năng thông qua nhiều phương cách khác nhau, bao gồm cả việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Về phần mình, ông Pradeep Chauhan, Giám đốc NMF đánh giá Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là đối tác hết sức quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Có những điểm hội tụ về địa chính trị lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ ở Biển Đông mà cả các khu vực khác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến những điểm hạn chế về kết nối hàng hải mà hai nước cần khắc phục để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác song phương. Tại hội thảo, các học giả cũng chỉ ra việc hai nước có thể đạt được nhiều mục tiêu địa kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế hàng hải tương hỗ, như thúc đẩy nghề cá bền vững, thăm dò và sản xuất năng lượng ngoài khơi, công nghệ sinh học biển. Ngoài ra, các cơ chế song phương để thúc đẩy và đảm bảo sự an toàn và an ninh hàng hải, như cảnh báo thời tiết và định vị, tìm kiếm và cứu nạn, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa… cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này.
Nhìn chung, cả phía chính phủ và học giả của Ấn Độ đều có quan điểm nhất quán, trong đó khẳng định nước này có lợi ích to lớn ở Biển Đông mà cụ thể là 55% khối lượng thương mại của New Delhi được vận chuyển qua vùng Biển Đông. Do đó, Ấn Độ thực sự có nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định và tiếp cận an toàn đối với các vùng biển trong khu vực này, đồng thời bày tỏ hy vọng luật pháp quốc tế được tuân thủ khi Ấn Độ tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển này.