Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSách Trắng lương thực và nỗi ám ảnh nạn đói từng xảy...

Sách Trắng lương thực và nỗi ám ảnh nạn đói từng xảy ra ở TQ

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, cùng xu hướng đạt đến các thỏa thuận thương mại đơn phương ngày càng tăng, đã khiến Bắc Kinh phải gióng chuông báo động về cách Trung Quốc làm sao có thể tiếp tục nuôi 1, 4 tỉ dân, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 30.11.

Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, cùng xu hướng đạt đến các thỏa thuận thương mại đơn phương ngày càng tăng, đã khiến Bắc Kinh phải gióng chuông báo động về cách Trung Quốc làm sao có thể tiếp tục nuôi 1, 4 tỉ dân, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 30.11.

Sự thay đổi thời tiết cấp toàn cầu cũng là một mối lo khác của Bắc Kinh về khâu sản xuất lương thực trong tương lai. Một báo cáo mới đây của LHQ nói tình trạng thay đổi khí hậu gây ra sự mất đất nông nghiệp và đe dọa khả năng thu hoạch của toàn thế giới. Báo cáo này nhấn mạnh sự ổn định của nguồn cung lương thực cũng bị đe dọa, bởi tình trạng thời tiết cực đoan sẽ càng gia tăng.

Đây sẽ là một chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu (COP25) sẽ diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) từ ngày 2 đến 13.12 tới. COP25 quy tụ các chính phủ trên toàn thế giới (gồm Trung Quốc) bàn các cách xử lý tình trạng khí hậu khẩn cấp.

Bắc Kinh lo ngại tình trạng bất ổn chính trị nếu để dân đói

Theo SCMP, lần đầu tiên trong 23 năm qua, chính phủ Trung Quốc công bố Sách Trắng về An ninh Lương thực hồi trung tuần tháng 10, trong đó nêu lĩnh vực này “đang trong thời điểm tốt nhất từ trước đến nay”, nhưng cũng bày tỏ những lo ngại về nguy cơ rối loạn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Sách Trắng viết: “Về trung hạn và dài hạn, khâu sản xuất và nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ vẫn được liên kết chặt chẽ, điều có nghĩa Trung Quốc không được giảm bớt các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực. Hoạt động mua bán lương thực cấp quốc tế đã bị gián đoạn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng”.

Nạn đói từng xảy ra ở Trung Quốc khiến viễn cảnh thiếu lương thực rất đáng ngại. Các nhà phân tích nói chữ “bất ổn” là một chữ gây khiếp hãi ở Bắc Kinh và toàn Trung Quốc. Hậu quả nghiêm trọng nhất là các cuộc chiến thương mại sẽ gây ra bất ổn và làm trì hoãn mảng đầu tư, gồm các công nghệ làm nông mới, theo ông David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế.

Ông Laborde nói các sức ép dân số và kinh tế sẽ có từ sự thay đổi khí hậu có nghĩa thế giới sẽ cần thêm rất nhiều phát minh công nghệ, nhưng nếu cuộc chiến thương mại kéo dài thì sẽ phá hoại mảng nghiên cứu và đầu tư, và trong 10 hoặc 20 năm nữa, thế giới có thể đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, giá bán các mặt hàng này sẽ tăng rất cao.

Ông nhấn mạnh: “Giá lương thực cao không là vấn nạn cho người giàu, nhưng là một vấn nạn lớn cho người nghèo, và nó có thể kích động sự bất ổn chính trị”.

Cố vấn An ninh lương thực Trình Quốc Cường của Bộ Thương mại Trung Quốc nói: “An ninh lương thực sẽ là quan tâm hàng đầu của Trung Quốc. Điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách tự túc. Trong khi bám sát nguyên tắc tự túc về gạo và lúa, Trung Quốc sẽ cố gắng bảo đảm có được nguồn cung gạo thóc của nước ngoài”.

Ông Trịnh cũng là Giáo sư Đại học Đồng Tế (ở Thượng Hải) nói thêm: Trung Quốc tự tin đáp ứng nguồn cầu lúa gạo trong 30 năm tới, nhưng nguồn cung thức ăn cho gia súc (để đáp ứng nhu cầu ăn thịt ngày càng cao) sẽ là “một thách thức nghiêm trọng” vào lúc đang có những cuộc đối đầu về kinh tế và địa- chính trị.

Vị cố vấn còn nói: “Điều quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là nhà cầm quyền có thể đáp ứng nhu cầu của người dân hay không, khi Đảng đã hứa đất nước sẽ là một xã hội thịnh vượng từ năm 2021, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Một ngày mai không có thịt để ăn không phải là điều mà người trung Quốc sẽ xem là một tương lai đẹp tươi hơn”.

Trả đũa nông sản Mỹ là “không khôn ngoan”

Bắc Kinh đã chỉ đạo lập Sách Trắng về An ninh Lương thực, nhằm bảo đảm nguồn cung “đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao” để cải thiện khả năng an ninh lương thực. Mục tiêu là từ năm 2022, Trung Quốc phải có 67 triệu hec-ta đất nông nghiệp (tăng so với 43 triệu hec-ta hồi năm 2018) nhằm hàng năm sản xuất 500 tỉ kg lúa gạo và ngũ cốc.

Từ năm 2014, chiến lược An ninh Lương thực của Trung Quốc đã hướng đến mục tiêu duy trì 95 % tự túc về lúa gạo và 100 % về ngũ cốc. Nhưng sự tự túc về đậu nành chỉ ở mức 15 % hồi năm 2018, vì đa phần đất dành cho việc trồng lúa và lúa mì, trong khi nông dân Trung Quốc chật vật vì phải cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài vốn có sản phẩm chất lượng cao hơn.

Sách Trắng được Bắc Kinh tung ra, vào lúc các nông sản là vấn đề chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn cho thấy Trung Quốc lệ thuộc nặng vào các loại lương thực, nhất là đậu nành vốn chiếm 57,8 % trong số nông sản mà Trung Quốc nhập từ Mỹ.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng mức thuế áp lên thép-nhôm Trung Quốc nhập khẩu, Bắc Kinh liền trả đũa hồi tháng 4.2018 với mức thuế 25 % áp lên đậu nành nhập từ Mỹ, trước khi ngưng hẳn việc mua mặt hàng này hồi cuối năm 2018.

Hiện ông Trump đang hy vọng Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa mua thật nhiều nông sản Mỹ trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, nhưng việc Trung Quốc phải lệ thuộc các nhà cung ứng nước ngoài lại không mua đậu nành Mỹ đã khiến có những chỉ trích.

Hồi tháng 11.2018, ông Long Vĩnh Đồ, một cựu quan chức đàm phán thương mại dẫn đầu Trung Quốc thương lượng để nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công khai chỉ trích chiến lược này là “không khôn ngoan”, vì Trung Quốc rất cần đậu nành nhập khẩu.

Một cuộc đình chiến tạm thời đầu năm 2018 đã ghi nhận Trung Quốc nhập 1,8 triệu tấn đậu nành Mỹ hồi tháng 4, cùng với 5,8 triệu tấn từng nhập hồi đầu năm 2018.

Khu vực nào trên thế giới sẽ nuôi dân Trung Quốc khỏi đói?

Theo SCMP, cách đây 23 năm, Sách Trắng về An ninh Lương thực của Bắc Kinh được công bố, nhằm phản ứng với nhận định sự tăng trưởng của Trung Quốc như một nhà nhập khẩu khổng lồ sẽ gây ra nạn thiếu lương thực ở khắp mọi nơi của thế giới. Đó là ý tưởng được quảng báo trong cuốn sách xuất bản năm 1995 và mang tựa Ai sẽ nuôi Trung Quốc? (Who Will Feed China?) của Lester Brown, một cựu chuyên gia phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cuộc đầu tư của Trung Quốc vào mảng nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng mạnh trong 10 năm qua, từ 300 triệu USD hồi năm 2009 lên 33 tỉ USD hồi năm 2016. Các nhà đầu tư Trung Quốc thường đến các nước kém phát triển, vì ở đó họ không có nhiều đối thủ cạnh tranh, và tiềm năng tăng sản lượng sử dụng công nghệ Trung Quốc, theo báo cáo của USDA năm 2018.

Cuộc đầu tư này chú trọng vào các vùng lân cận, nhất là Đông Nam Á và Viễn Đông Nga vốn là những vùng dễ tiếp cận về mặt địa lý và nhiều đất. Bộ Thương mại Trung Quốc nói châu Á nhận một nửa khoản đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp ở nước ngoài hồi năm 2014.

Cố vấn An ninh lương thực Trịnh Quốc Cường nói hiện cấu trúc cung ứng đậu nành cấp toàn cầu của Trung Quốc cần được đa dạng hóa, ông nêu các khu vực nên được chọn là mục tiêu đầu tư như Biển Đen, Ukraine, vùng Caucasus và Tây Á.

Nhưng ông Laborde cảnh báo việc mở rộng sản xuất ra nước ngoài cũng đem đến những rủi ro về môi trường. Hồi tháng 5, trong một báo cáo mà ông là tác giả với Carin Smaller (cố vấn của Viện Phát triển Bền vững Quốc tế) đã nhấn mạnh sự liên quan giữa việc trồng đậu nành với nạn phá rừng.

Ông nói thách thức lớn là bảo đảm Trung Quốc không gây nguy hại cho an ninh lương thực của các nước khác: “Trung Quốc cần dựa vào nguồn lương thực từ nước ngoài. Đấy không phải là một vấn nạn của riêng họ. Việc lệ thuộc một hoặc hai nhà cung ứng sẽ mang theo một nguy cơ chính trị và kinh tế. Nên điều quan trọng là nên có nhiều đối tác”.

Ông Trương Văn Đống, Giáo sư khoa kinh tế Đại học bang Iowa (Mỹ) nói: “Cuộc chiến thương mại đã vạch rõ mối nguy Trung Quốc phải lệ thuộc hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trung Quốc đã tái xác định các mục tiêu an ninh lương thực, chú trọng vào thu hoạch lương thực như gạo thóc và thịt heo.

Trong khi đó, họ cảm thấy mình bị đậu nành Mỹ bắt làm con tin, nên sẽ tăng tốc thúc đẩy đa dạng hóa trong việc mua lương thực. Chắc chắn Trung Quốc sẽ mở rộng nguồn cung ứng nông sản, và có lẽ sẽ xem xét phần chia của Mỹ trên từng loại nông sản. Các cuộc đầu tư mang tính chiến lược quan trọng nhất có thể sẽ là nông nghiệp Brazil và cơ sở hạ tầng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới