Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐấu tranh pháp lý – con đường duy nhất lập lại trật...

Đấu tranh pháp lý – con đường duy nhất lập lại trật tự ở Biển Đông

Ngày 18/11/2019, tại Washington DC. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Mỹ đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất và xa hơn nữa”. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi sâu phân tích những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, các đảo quốc Thái Bình Dương và đề xuất sự phối hợp về chính sách trong khu vực.

Trên mặt trận pháp lý, một sự kiện nổi bật nhất trong những năm qua ở Biển Đông là vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc tháng 1/2013 và được Tòa trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào ngày 12/7/2016 rằng ‘chủ quyền lịch sử’ mà Trung Quốc tuyên bố đối với “đường chín đoạn” trên Biển Đông là bất hợp pháp, “không có cơ sở” trong luật pháp quốc tế.

Một khiếm khuyết trong hệ thống luật pháp quốc tế là phán quyết của PCA không có cơ chế thực thi để buộc Bắc Kinh từ bỏ “đường chín đoạn” của họ. Bắc Kinh đã bác bỏ và không thực thi phán quyết này với lập luận rằng “chủ quyền lịch sử” của họ có trước khi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) được ký kết vào năm 1982. Tuy nhiên, lập luận này càng thể hiện sự “chày cối” ngang ngược của Bắc Kinh, cố tình phớt lờ một quy định cho các thành viên tham gia vào UNCLOS là tất cả những yêu sách nếu có trước đó phải được điều chỉnh phù hợp với UNCLOS.

Đánh giá về lập trường của Trung Quốc, tại Hội thảo bà Atsuko Kanehara, Giáo sư về Luật quốc tế thuộc Đại học Sophia – Nhật Bản, cho rằng Bắc Kinh “muốn đơn phương thay đổi luật pháp quốc tế một cách cưỡng bức”; “về nguyên tắc, luật pháp quốc tế được tạo ra dựa trên sự đồng ý của các quốc gia có chủ quyền”; “từng nước không được phép đơn phương viết nên luật quốc tế”. Nói một cách khác, Trung Quốc đã tham gia vào UNCLOS thì phải tuân thủ các quy định của UNCLOS, nhưng Trung Quốc vẫn đơn phương đòi hỏi “quyền lịch sử” trên Biển Đông, trái với các quy định của UNCLOS.

Trong một số trường hợp luật quốc tế cho phép mỗi nước được hành động đơn phương, chẳng hạn như tự xác định giới hạn của phạm vi của quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng việc tự xác định này phải dựa trên các điều luật liên quan.

Không chỉ vi phạm luật quốc tế về biển với yêu sách chủ quyền mà hành động của Bắc Kinh trên thực địa cũng đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trong khi luật pháp quốc tế nghiêm cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực thì Trung Quốc có hành vi đe dọa, uy hiếp, cưỡng ép các nước láng giềng. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên hộ tống các tàu cá của họ đi vào vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của các nước ven Biển Đông trong nỗ lực khẳng định chủ quyền. Việc Bắc Kinh sử dụng các tàu hải cảnh, thậm chí là tàu quân sự, và biến ngư dân thành dân quân biển đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng.

Hành vi của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và các tàu chấp pháp của Trung Quốc xâm lấn và uy hiếp, đe dọa hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam trong gần 4 tháng qua là những hành vi mang tính cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế, hoàn toàn sai trái và cần phải bị lên án mạnh mẽ.

Trong bài phát biểu của mình, khi nói về tranh chấp trên biển giữa Nhật với Trung Quốc, Giáo sư Atsuko Kanehara nhấn mạnh Nhật Bản, với tư cách là một nước tôn trọng luật pháp quốc tế, đã đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển của Nhật xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đang có tranh chấp trên Biển Hoa Đông với tinh thần không làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Bà Atsuko Kanehara giải thích Tokyo muốn tránh các biện pháp sức mạnh vốn luật pháp quốc tế không cho phép. Do vậy, thay vì triển khai quân đội (tức Lực lượng Phòng vệ trên biển), để đối phó với sự xâm nhập của phía Trung Quốc, Tokyo sử dụng lực lượng dân sự là các tàu tuần duyên. Bên cạnh đó, Tokyo tranh thủ các diễn đàn song phương và đa phương trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ủng hộ mạnh mẽ việc tuân thủ luật pháp quốc tế và kêu gọi các nước tranh chấp trên Biển Đông dùng luật pháp quốc tế để đối phó với Trung Quốc vì đây là điểm yếu nhất của Trung Quốc; cho rằng cần xây dựng một mặt trận pháp lý trên trường quốc tế để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, trong đó cần tạo dựng một vòng pháp lý mạnh mẽ mang tính bao vây mà Trung Quốc không thể nào thoát ra được.

Việc Mỹ cùng Ấn Độ và các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Nhật, Úc… hợp tác để duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế để chống lại đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc là hết sức quan trọng. Các chuyên gia cho rằng cách làm này không có kết quả ngay lập tức, song đây là nhân tố quan trọng để ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc; nếu không có sự góp sức này của các nước ngoài khu vực thì Bắc Kinh có thể rảnh tay độc chiếm Biển Đông. Cần có lập trường kiên định và mạnh mẽ trong một thời gian thì mới có thể đạt được kết quả mong muốn.

Trên thực tế, các hoạt động tự do hàng hải của các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Úc, Anh, Pháp… ở Biển Đông chính là để thực thi luật pháp quốc tế. Đặc biệt, việc các tàu chiến Mỹ đi vào 12 hải lý các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, mở rộng bất hợp pháp chính là để thực thi phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng.

Mặt khác, cần nhận thấy rằng mặc dù bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng bản thân Bắc Kinh cũng vẫn phải dựa vào luật pháp quốc tế. Trên thực tế, tuyên bố không tham gia vụ kiện của Philippines nhưng ngay từ đầu cho đến cuối quá trình thụ lý vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã đưa ra rất nhiều tuyên bố giải thích cho lập trường của họ về “chủ quyền lịch sử” mà trong đó họ lập luận rằng quyền lịch sử này dựa trên luật tập quán quốc tế.

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết hôm 12/7/2016, mặc dù Trung Quốc bác bỏ và không thực hiện phán quyết, nhưng họ cùng tìm mọi cách thậm chí đưa ra những quan điểm mới để giải thích cho các yêu sách của họ đã bị Tòa trọng tài bác bỏ chẳng hạn như họ đưa ra quan điểm tứ sa để giải thích cho yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nói cách khác là Bắc Kinh cũng cần sự giải thích bằng lập luận, cho dù lập luận của họ là bóp méo luật pháp quốc tế.

Các nhà nghiên cứu dự báo, với tham vọng độc chiếm Biển Đông Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục gây hấn với Hà Nội. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn như cuộc chiến thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế suy giảm, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng Hong Kong hay vấn đề Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, không loại trừ Bắc Kinh sẽ có những hành động hiếu chiến mới ở Biển Đông trong tương lai gần để giải tỏa những khó khăn kể trên.

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn phương án đấu tranh với Trung Quốc. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng trong trường hợp Trung Quốc có hoạt động gây hấn mới, giải pháp tốt nhất đối với Hà Nội là triển khai tiến trình pháp lý, tức là kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển như Philippines đã từng làm.

Việt Nam có thể tham khảo vụ kiện của Philippines. Dựa vào phán quyết ngày 12/7/2016/2016 của Tòa Trọng tài, Hà Nội sẽ có cơ hội rất cao để thắng kiện Trung Quốc. Việc này có thể sẽ gây tổn hại về thanh danh cho Trung Quốc vì nó sẽ là một thất bại nữa đối với Bắc Kinh trên mặt trận pháp lý; tạo thêm cơ sở pháp lý cho các nước và cộng đồng quốc tế đứng về phía Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, buộc Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây cũng chính là bước đi tạo ra vòng vây pháp lý đối với Trung Quốc.

Để hỗ trợ cho tiến trình đấu tranh pháp lý, Việt Nam nên cân nhắc tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước khác trong vấn đề Biển Đông, bao gồm cả các vấn đề về pháp lý. Trong khuôn khổ Asean, vốn bị chia rẽ trên các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Hà Nội nên làm việc song phương với những nước có cùng chung lập trường để có sự phối hợp về Biển Đông thay vì mong chờ ASEAN đạt được sự thống nhất, bởi trên thực tế một vài nước ASEAN đã bị phía Trung Quốc mua chuộc đứng ra bảo vệ cho các quan điểm sai trái của Trung Quốc.

Hiện tồn tại các ý kiến cho rằng một vài nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông như Malaysia, Philippines thường né tránh lên tiếng mạnh mẽ phản đối các hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa những gì họ nói và những gì xảy ra trên thực tế, cụ thể là:

(i) Cả Malaysia và Philippines vẫn luôn tuyên bố cần giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS. Bản thân Philippines cũng chưa bao giờ nói họ từ bỏ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài, thậm chí Tổng thống Philippines Duterte đã đề cập đến phán quyết ngay tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua.

(ii) Mặc dù ngoài mặt tỏ vẻ nhún nhường trước Bắc Kinh nhưng Manila và Kuala Lumpur luôn có sự hợp tác rất mạnh mẽ với các đối tác như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc….

(iii) Việc Malaysia hay Philippines né tránh công khai lên án Trung Quốc chẳng qua chỉ là muốn gửi đến Bắc Kinh tín hiệu “chúng tôi (Malaysia hay Philippines) đang muốn giữ thể diện cho quý vị (Trung Quốc) và cho quý vị thêm không gian hành động” nhưng mặt khác cả Malaysia hay Philippines không hề lơi lỏng quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ ở Biển Đông.

Kết thúc Hội thảo hôm 18/11/2019 ở Washington DC, các đại biểu cho rằng chỉ có dùng đấu tranh pháp lý chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc mới có thể duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông; đồng thời, nêu khuyến nghị các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế nên phối hợp cùng nhau tạo thành một “vòng vây pháp lý chặt chẽ” mà Trung Quốc không thể nào né tránh được trên vấn đề Biển Đông.

Đã đến lúc Việt Nam cần buộc hành vi xâm lấn của Trung Quốc đối mặt với biện pháp pháp lý quốc tế thông qua việc kiện Trung Quốc về hành vi xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi xảy ra một vụ việc gây hấn mới của Trung Quốc.

Để hỗ trợ cho đấu tranh pháp lý, Hà Nội cần tận dụng năm 2020 khi Việt Nam là nước chủ nhà của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và Việt Nam còn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để nêu bật lập trường pháp lý trên vấn đề Biển Đông, tranh thủ vận động sự ủng hộ của khu vực và quốc tế, từng bước hình thành mặt trận pháp lý quốc tế để đối phó với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với những hành động quân sự hóa và gây hấn, hung hăng thời gian qua, Trung Quốc đã tạo ra một thực trạng mới ở Biển Đông có lợi cho Trung Quốc, thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong bối cảnh đó, việc lập lại trật tự dựa trên luật lệ là mong muốn của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam cần chủ động khai thác khía cạnh này để tạo dựng mặt trận pháp lý quốc tế trên vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới