Thursday, January 2, 2025
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếQUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: QUAN...

QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM

I. Quy chế pháp lý của
đảo theo quy định của Công ước Luật biển 1982

Quy chế pháp
lý của đảo được quy định tại điều 121 của Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc
(CƯ 1982) như sau:

1. Đảo là
vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thuỷ triều
lên.

2. Trừ những
trường hợp được quy định tại khoản 3, các vùng lãnh hải, vùng kinh tế độc
quyền, thềm lục địa như đất liền.

3. Đá
(rocks), nơi không có khả năng cho việc cư trú (sinh sống) của con người và đời
sống kinh tế riêng của nó, không được phép có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục
địa…”[2]

Về nguyên
tắc, CƯ 1982 thừa nhận đảo có địa vị pháp lý ngang bằng với đất liền khi tính
tới hiệu lực của các vùng biển bao quanh nó. Tuy nhiên, do sự đa dạng của đảo
về diện tích cũng như vị trí của đảo so với đất liền, điều 121 đã dự liệu địa
vị ngang bằng của đảo với đất liền chỉ có được khi đảo có khả năng cho việc cư
trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Tức là, trong hai điều kiện
này, đảo chỉ cần thỏa mãn được một trong hai. Như vậy, điều 121 đã được quy
định với mục đích là không tạo ra những lợi thế bất công bằng của đảo so với
đất liền khi tạo ra các vùng biển bao quanh. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp
dụng các quy định của điều 121, đặc biệt là 121(3) không dễ dàng bởi sự mập mờ
của quy định này. Đối với điều kiện thứ nhất của điều 121(3), người ta có thể
lập luận rằng khả năng cho việc cư trú của con người có thể áp dụng cho hiện
tại, quá khứ hay tương lai. Con người ở đây cũng không được quy định rõ là dân
thường, hay lực lượng quân đội hoặc các nhân viên kỹ thuật cũng được chấp nhận.
Cư trú ở đây là việc sinh sống lâu dài hoặc chỉ là cư trú tạm thời cũng được
công nhận. Đối với điều kiện thứ hai, đời sống kinh tế riêng cũng có thể được
lập luận là đời sống kinh tế của chính các đảo hoặc của cả các vùng nước bao
quanh. Những quy định mập mờ như trên để ngỏ cho nhiều khả năng giải thích linh
hoạt điều 121. Mặc dù điều 121 là nhằm hạn chế bớt hiệu lực tạo ra các vùng
biển từ các đảo so với đất liền nhưng trên thực tế với những quy định mập mờ
điều 121 thường được các quốc gia sử dụng để tăng thêm các vùng biển cho các
quốc gia có chủ quyền với đảo.[3]


 

II. Quy chế pháp lý
của Hoàng Sa, Trường Sa


 

Hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa có cấu tạo gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ. Về cấu tạo địa
chất, các đảo này chủ yếu là các đảo san hô, đảo đá, có diện tích nhỏ. Đảo lớn nhất
trong quần đảo Hoàng Sa, đảo Phú Lâm, có diện tích sấp xỉ 2 km2 và đảo lớn nhất
Trường Sa, đảo Ba Đình, chỉ có diện tích gần 0,5 km2. Trường Sa và Hoàng Sa nằm
trong vùng biển Đông có khí hậu khắc nghiệt, với độ mưa lớn và mật độ các cơn
bão dày đặc. Chính vì vậy, tại các đảo này chưa từng có dân cư sinh sống trong
quá khứ, hiện tại chỉ có những lực lượng quân đội của các quốc gia chiếm đóng
và các chuyên gia kỹ thuật. Hoàng Sa và Trường Sa còn nằm trong khu vực biển có
trữ lượng cá dồi dào, có tiềm năng về dầu và khí. Biển Đông cũng là nơi có
những tuyến đường hàng hải quan trọng, có kênh đào Malasca có mật độ tàu bè qua
lại bậc nhất thế giới. Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nơi trú
ngụ của rất nhiều loài chim biển vì vậy có nguồn tài nguyên phốt phát phong phú
từ phân chim. Ngoài ra, theo một số thông tin gần đây, Hoàng Sa và Trường Sa
còn có tiềm năng về than lạnh, một nguồn năng lượng mới. Với tất cả những điều
kiện như vậy, quy chế pháp lý của Hoàng Sa và Trường Sa cũng có thể được giải
thích một cách linh hoạt trên cơ sở áp dụng điều 121 của Công ước Luật biển
1982.


 

Khả năng thứ
nhất là áp dụng các điều kiện của điều 121 một cách chặt chẽ. Do Hoàng Sa và Trường
Sa chưa từng có dân cư sinh sống trong quá khứ và hiện tại. Các đảo lại có diện
tích quá nhỏ và nằm trong vùng biển có khí hậu khắc nghiệt. Như vậy, có thể lập
luận rằng các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa không có khả năng cho việc cư trú
của con người. Đồng thời các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa không có đời sống
kinh tế riêng do tài nguyên than lạnh chưa từng được khảo sát và khai thác, còn
trữ lượng phốt phát chỉ còn lại không đáng kể và việc khai thác chỉ được thực
hiện trong quá khứ. Như vậy, với việc không có một trong hai điều kiện quy định
tại khoản 3, tất cả các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa không có đầy đủ các vùng
biển, tức là chỉ có vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, không có vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


 

Khả năng thứ
hai là áp dụng các điều kiện tại điều 121 một cách rộng nhất. Do vùng biển Đông
có rất nhiều nguồn tài nguyên phong phú như trữ lượng cá dồi dào, trữ lượng dầu
và khí, đồng thời có tuyến đường hàng hải có vai trò quan trọng đối với an ninh
của nhiều quốc gia, những nguồn tài nguyên này có thể tạo ra đời sống kinh tế
riêng cho các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, theo quy định của điều
121 tất cả các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa đều có đầy đủ các vùng biển, bao
gồm nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


 

Khả năng thứ
ba là việc áp dụng các điều kiện của điều 121 theo hướng dung hòa giữa hai khả năng
trên. Theo đó, do một số đảo của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể có khả
năng cho việc sinh sống của con người trong tương lai do sự hiện diện của nguồn
nước ngọt, đất canh tác và cây cối. Đồng thời, tại một số đảo vẫn còn trữ lượng
phốt phát. Ngoài ra, một số đảo có thể có trữ lượng than lạnh nếu được khảo sát
đầy đủ. Tất cả các đảo thỏa mãn những điều kiện trên có thể có đầy đủ các vùng
biển. Những đảo nào không thỏa mãn một trong những điều kiện trên sẽ chỉ có
vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải. Theo đó, theo những khảo sát gần
đây, tại Trường Sa có khoảng 12 đảo thỏa mãn các điều kiện trên để có đầy đủ
các vùng biển.


 

Trong ba khả
năng giải thích trên, chỉ có khả năng thứ nhất và thứ ba có thể được chấp nhận
vì nó dựa trên tinh thần của điều 121 nhằm tạo ra sự công bằng trong việc tạo
ra các vùng biển giữa đảo và đất liền. Khả năng giải thích thứ hai dẫn đến việc
những đảo có  diện tích quá nhỏ cũng có đầy đủ các vùng biển là mâu thuẫn
với tinh thần trên. Hơn nữa, nếu hiểu đời sống kinh tế riêng là bao gồm cả đời
sống kinh tế của vùng nước bao quanh các đảo thì không có vùng biển nào lại
không có đời sống kinh tế riêng dẫn đền việc không có đảo nào không có đầy đủ
các vùng biển. Như vậy, khả năng giải thích thứ hai là mâu thuẫn với điều
121.  Đồng thời, điểm đáng chú ý là tất cả các điều kiện về khả năng cho
việc sinh sống của con người và đời sống kinh tế riêng trong khả năng giải
thích thứ nhất và thứ ba phải được xác định trên tinh thần của điều 121, tức là
dựa trên những điều kiện tự nhiên, không có sự can thiệp của con người.


 

III. Quy chế pháp lý
của đảo và lợi ích của Việt Nam trong tranh chấp biển Đông


 

Việt Nam là
một quốc gia nằm ở phía Tây của biển Đông. Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng
lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy
nhiên, hiện nay Hoàng Sa đang là đối tượng của tranh chấp song phương giữa Việt
Nam và Trung Quốc. Sau khi sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1974, Trung Quốc
đang chiếm đóng hoàn toàn quần đảo này. Trường Sa là đối tượng của tranh chấp
giữa 5 quốc gia và một thực thể bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Bruney,
Philipin và Đài Loan. Trong đó, tất cả các bên trừ Bruney đều có lực lượng
chiếm đóng một số đảo. Tình hình chiếm đóng các đảo của Trường Sa có thể được
minh họa theo bản đồ dưới đây:


 


 

Bản đồ 1: Thực trạng
chiếm đóng quần đảo Trường Sa[4]


 

Giả sử Việt
Nam lựa chọn khả năng giải thích thứ nhất về quy chế pháp lý của hai quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa, theo đó không có đảo nào có đầy đủ các vùng biển. Đây là một
giải pháp an toàn vì vùng biển của các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa không có sự
chồng lấn với vùng biển của đất liền. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Việt Nam
không thành công trong việc bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo này thì sẽ không
có tranh chấp liên quan đến những vùng biển chồng lấn do Trường Sa và Hoàng Sa
tạo ra. Hơn nữa, do Trường Sa và Hoàng Sa không có các vùng biển, trong biển
Đông có thể tồn tại một vùng biển quốc tế mà tại đó tất cả các quốc gia đều có
quyền tự do khai thác vì mục đích hòa bình.[5] Với tư cách này, các quốc gia khác, đặc
biệt là các nước lớn và các nước có quyền và lợi ích liên quan có thể can thiệp
vào tranh chấp biển Đông.

Bản đồ 2: Ranh giới
ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển Đông


 

Nếu Việt Nam
lựa chọn khả năng giải thích thứ ba, theo đó một số đảo của Hoàng Sa và Trường
Sa sẽ có đầy đủ các vùng biển. Về lý thuyết nếu Việt Nam không thành công trong
việc bảo vệ chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể có các vùng chồng
lấn giữa hai quần đảo này và các vùng biển từ đất liền của Việt Nam. Đó và vùng
xanh mờ bên trái theo minh họa của bản đồ dưới đây.


 


 

Bản đồ 3: Vùng biển
chồng lấn có thể xảy ra giữa các đảo của Trường Sa và đất liền của các quốc gia
ven biển Đông


 

Tuy nhiên,
theo nguyên tắc và thực tiễn phân định biển quốc tế, đảo không bao giờ có đầy
đủ hiệu lực trong phân định như đất liền. Chính vì vậy, nếu trường hợp xấu nhất
này có thể xảy ra, do vị trí, đặc điểm địa lý và diện tích quá nhỏ của các đảo
tại Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo của hai quần đảo này sẽ có khả năng phải
nhường hiệu lực 100% cho đất liền. Tức là, vùng biển của các đảo trong phân
định sẽ bị giảm bớt, chỉ còn lại vùng biển sau khi đất liền đã có đầy đủ các
vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển 1982. Hay nói cách khác, trong
trường hợp xấu nhất vùng biển từ đất liền của Việt Nam vẫn được bảo toàn. Trong
khi đó, với cơ sở pháp lý mạnh Việt Nam có thể hy vọng việc bảo vệ thành công
chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc ít nhất là một
phần của hai quần đảo này. Trong trường hợp này, việc giải thích quy chế của
Hoàng Sa và Trường Sa theo cách này sẽ tạo thêm vùng biển cho Việt Nam. Đặc biệt,
hiện tại những đảo Việt Nam có lợi thế khi chiếm đóng những đảo lớn, trong đó
có nhiều đảo theo cách giải thích thứ ba có điều kiện tự nhiên thỏa mãn quy
định của điều 121 để có đầy đủ các vùng biển.[6]


 

Trong số các
bên tranh chấp, Philippines là một quốc gia quần đảo. Nếu Philippines thành
công trong việc giành chủ quyền đối với một số đảo tại Trường Sa, với quy chế quốc
gia quần đảo, Philippines có thể sử dụng một số đảo này làm đường cơ sở quần
đảo. Theo đó, vùng biển của Philippines sẽ được mở rộng và chồng lấn với vùng
biển của Việt Nam. Khi đó, việc Việt Nam giải thích quy chế của Trường Sa theo
khả năng thứ ba sẽ giúp Việt Nam có thể sở hữu một số đảo có đầy đủ các vùng
biển, để từ đó cân bằng lợi ích với Philippines.[7]


 

Giải thích
quy chế của Hoàng Sa và Trường Sa theo phương án ba có thể loại trừ sự tồn tại
của một vùng biển quốc tế. Do vậy, việc phân chia quyền lợi khai thác vùng biển
Đông sẽ chỉ được giới hạn trong nội bộ các bên tranh chấp. Tuy nhiên, khả năng
này không loại trừ khả năng can thiệp của các nước lớn và các nước ngoài tranh
chấp vì biển Đông còn có tuyến đường hàng hải quan trọng, nắm vai trò quyết
định đối với an ninh năng lượng và thương mại quốc tế của nhiều quốc gia trong
đó có Nhật bản và Mỹ. Như vậy, nếu coi sự can thiệp của các nước lớn là một
điểm mạnh để cân bằng lực lượng với Trung Quốc thì khả năng giải thích thứ ba
vẫn bảo toàn được điểm mạnh này.


 

Với những lập
luận trên về những điểm mạnh và hạn chế của hai khả năng giải thích quy chế
pháp lý của Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam nên chăng lựa chọn khả năng giải thích
thứ ba để tăng sức mạnh trong tranh chấp biển Đông? Để có được cách giải thích
chính thức về quy chế pháp lý của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam
có thể tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Luật biển 1982. Theo
đó, tòa công lý quốc tế, tòa án luật biển hoặc một trọng tài được thành lập
theo phụ lục VII có thể có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu liên quan đến
việc giải thích và thực hiện Công ước. Đây cũng có thể là bước khởi đầu giúp
Việt Nam đưa tranh chấp biển Đông ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế
và công khai trong cộng đồng quốc tế.


 

Phụ lục

Tên của các đảo tại
Trường Sa theo tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung và Malaysia

Tiếng
Anh                    
      Tiếng
Trung               
       Tiếng Việt   
         Tiếng Malaysia

Chú ý: Một số đảo được
gọi với nhiều tên, nhưng bảng này chỉ nêu một tên trong mỗi loại ngôn ngữ. Các
ký hiệu trong cột thứ nhất chỉ tên viết tắt của quốc gia đang chiếm đóng: C=
Trung Quốc, V= Việt Nam, P=  Philppines, M= Malaysia, T= Đài Loan.


 


[1] TS., Chương trình Nghiên cứu BiểnĐông,
Học viện Ngoại giao Học viện Ngoại giao

[2] 1. An island is a naturally formed
area of land, surrounded by water, which is above water at high tide.

2. Except
as provided for in paragraph 3, the territorial sea, the contiguous zone,
the exclusive economic zone and the continental shelf of an island are
determined in accordance with the provisions of this Convention applicable to
other land territory.

3. Rocks
which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have
no exclusive economic zone or continental shelf.

[3] Ví dụ như trường hợp đảo Aves của Venezuela,
phần phía Tây Bắc của quần đảo Hawaii của Mỹ, đảo Ceva-i-Ra của Fiji…

[4] Trong bản đồ trên các đảo màu xanh là
đảo hiện Việt Nam chiếm đóng, màu đỏ thuộc chiếm đóng của Trung Quốc, màu hồng
thuộc chiếm đóng của Philippines, màu đen thuộc chiếm đóng của Malaysia, màu
vàng thuộc chiếm đóng của Đài Loan. Ký hiệu hình vuông mô tả các đảo theo khả
năng giải thích thứ 3 có khả năng có đầy đủ các vùng biển, ký hiệu hình tròn mô
tả các đảo chỉ có vùng nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải, ký hiệu hình
tam giác là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm.

[5] Theo minh họa trên bản đồ dưới đây,
vùng biển quốc tế là vùng biển nằm bên ngoài và giữa đường ranh giới vùng đặc
quyền kinh tế màu đỏ, xanh và vàng của các quốc gia ven biển Đông. Màu đỏ, màu
xanh và màu vàng minh họa ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của
Việt Nam, Philippines và Malaysia (bao gồm cả Brunei).

[6] Xem minh họa về hiện trạng chiếm đóng
quần đảo Trường Sa tại bản đồ 1

[7] Xem minh họa về hiện trạng chiếm đóng
quần đảo Trường Sa tại bản đồ 1 về những đảo Việt Nam và Philippines hiện đang
chiếm đóng.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới