Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĂn miếng trả miếng: Mỹ siết chặt thị thực đối với quan...

Ăn miếng trả miếng: Mỹ siết chặt thị thực đối với quan chức, công dân TQ theo đạo luật liên quan đến Hồng Kông

Trong một diễn biến mới nhất, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh đối với một Giám đốc điều hành tờ Thời báo Hoàn cầu trực thuộc Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp đáp trả tương ứng của Washington đối với hành động trước đó của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc quan chức Mỹ tới Hồng Kông và Tân Cương.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19/12, tài khoản Weibo “paingod”, được xác nhận là của Hách Quân Thạch, Giám đốc New Media của Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 16/12 cho biết ông đã bị Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc từ chối nhập cảnh. Những hình ảnh được chủ trang đưa ra cho thấy Đại sứ quán Mỹ tuyên bố ông không đủ điều kiện để được họ cấp thị thực phi di dân theo các điều khoản của pháp luật Mỹ. Qua lý do được Đại sứ quán Mỹ đưa ra thì Hách Quân Thạch đã không được cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc ông buộc phải ở lại Trung Quốc trong chuyến thăm Mỹ. Đại sứ quán Mỹ cũng chỉ ra rằng việc từ chối visa này không thể bị kháng cáo, nhưng ông Thạch có thể chọn nộp đơn lại và phải nộp lại các biểu mẫu và lệ phí.

Việc Giám đốc điều hành cấp cao của Thời báo Hoàn cầu bị từ chối nhập cảnh khơi dậy sự chú ý của dư luận bên ngoài. Một số cơ quan truyền thông Đài Loan cho rằng vụ việc này cho thấy Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được Mỹ thông qua đã bắt đầu được thực thi nghiêm túc. Một số phương tiện truyền thông nước ngoài khác chỉ ra rằng Đạo luật liên quan đến Hồng Kông của Mỹ đã thực sự được áp dụng.

Mặc dù việc Giám đốc điều hành cấp cao của Thời báo Hoàn cầu bị từ chối thị thực không có mối liên hệ trực tiếp với tình hình ở Hồng Kông, nhưng cơ quan phương tiện truyền thông chính thức mang nặng sắc thái chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và thường xông lên tuyến đầu “chống Mỹ” này đã nhiều lần gây xôn xao về tình hình ở Hồng Kông. Dân chứng vụ phóng viên Phó Hào của tờ Thời báo Hoàn cầu bị hành hung ở Hồng Kông và Tổng Biên tập Hồ Tích Tiến đã tới Hồng Kông để phỏng vấn và thường xuyên lên tiếng về tình hình biểu tình ở đặc khu hành chính này.

Vụ việc này đã gây nên sự chú ý ở nước ngoài, chính ông Hách Quân Thạch đã trả lời vấn đề trên Weibo cá nhân của mình vào ngày 16/12, nói đó là một “tai bay vạ gió từ bên ngoài”. Ông nói, chuyến thăm Mỹ này là được người khác mời, tuy bị từ chối nhập cảnh, nhưng ông coi như đã được tới lãnh thổ Mỹ du lịch nửa ngày. Trong khi đó, vụ việc Hách Quân Thạch bị Mỹ từ chối nhập cảnh đã gây nên bàn tán sôi nổi trên mạng. Có ý kiến viết: “Nghề nghiệp: Biên tập viên Thời báo Hoàn cầu thì bị từ chối là đúng rồi. Tới đây sẽ là ai?”; cũng có người giễu cợt: “Tưởng Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông chỉ có để mà có thôi sao?”… Ngoài giám đốc điều hành của Thời báo Hoàn cầu, cũng có thông tin cho thấy các phóng viên các báo lớn thân Đại Lục ở Hồng Kông như Văn Hối báo và Đại Công báo cũng đã bị hạn chế vào Mỹ. Cũng có tin đồn rằng ông Hà Trụ Quốc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Chủ tịch của Tập đoàn báo chí Sing Tao (Tinh Đảo) Hồng Kông, đã bị phía Mỹ bắt giữ và từ chối nhập cảnh, nhưng ông này đã phủ nhận.

Dự luật “Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông” có nội dung đáng chú ý nhất. Dự luật này được đưa ra nhằm đảm bảo các quyền của người dân và sự tự do của Hồng Kông bằng việc liên hệ giữa vị trí thương mại đặc biệt của Hồng Kông với mức độ tự trị của đặc khu này. Dự luật này được đề xuất bởi dân biểu đảng Dân chủ Jim McGovern, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith hồi tháng 6, khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra. Sau đó, dự luật này được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, rồi đến bàn làm việc của ông Trump để được ký thành luật. Sau khi được thông qua, thứ nhất, dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông nào có các hành vi vi phạm quyền con người ở Hồng Kông. Thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phải xác nhận, ít nhất mỗi năm một lần, liệu Hong Kong đủ tự trị về mặt chính trị (trong quan hệ với Trung Quốc đại lục) để tiếp tục được hưởng các ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho đặc khu này hay không, nhằm giúp nơi đây giữ vững vị trí là trung tâm tài chính thế giới. Khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào ngày 01/7/1997, theo một hiệp ước giữa Anh và Trung Quốc, Bắc Kinh phải đảm bảo Hồng Kông có”mức độ tự trị cao, ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và phòng vệ”.

Hồng Kông được cấp quy chế thương mại đặc biệt theo Đạo luật chính sách Mỹ – Hồng Kông năm 1992. Theo đó, Hồng Kông sẽ tiếp tục được đối đãi như một “vùng lãnh thổ tách biệt” với Trung Quốc đại lục “về các vấn đề kinh tế và thương mại”. Vị trí này cũng đồng nghĩa khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các mặt hàng xuất khẩu của Hồng Kông vẫn được miễn trừ thuế quan của Mỹ cũng như các biện pháp bảo hộ khác nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo việc chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông sẽ ảnh hưởng tới không chỉ Hồng Kông và Bắc Kinh, mà còn cả các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.300 công ty Mỹ hiện hoạt động ở Hồng Kông, hưởng lợi nhờ vị trí nằm sát Trung Quốc đại lục cũng như hệ thống tư pháp độc lập của đặc khu này. Bắc Kinh đã lên án dự luật này là một sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố dự luật này đã “bỏ qua thực tế và sự thật”, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ “phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ”. Phía Trung Quốc đã tuyên bố đình chỉ xem xét yêu cầu đến Hồng Kông của máy bay và tàu hải quân Mỹ và trừng phạt 5 tổ chức phi chính phủ của Mỹ, trong đó có Quỹ Dân chủ Quốc gia Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới