Tiền đã rời khỏi quốc gia này với một con số kỷ lục vào đầu năm nay thông qua các kênh trái phép. Đó là tin xấu cho Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đẩy mạnh cuộc chiến ngăn chặn tiền chảy ra khỏi Trung Quốc vì đất nước này hiện phải đối mặt với những tai ương kinh tế và căng thẳng chiến tranh thương mại (dù đã giảm bớt nhưng không có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn).
Theo các nhà phân tích, tiền đã rời khỏi quốc gia này với một con số kỷ lục vào đầu năm nay thông qua các kênh trái phép. Đó là tin xấu cho Trung Quốc, nước cần giữ dự trữ tài chính cao để duy trì niềm tin vào các thị trường của mình.
Giờ đây, các quan chức Trung Quốc đang cố gắng hơn bao giờ hết để tránh lặp lại nỗi sợ hãi tài chính hồi bốn năm trước, khiến họ mất đi nguồn tiền dự trữ lên đến hàng trăm tỷ USD.
Vào cuối tuần trước, cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE) cho biết công việc quan trọng nhất của họ trong năm tới là ngăn chặn các rủi ro tài chính lớn, tránh những dòng vốn “bất thường” chảy qua biên giới và “mạnh tay” với các hoạt động giao dịch bất hợp pháp.
Dùng biện pháp mạnh
Cơ quan này đã bắt đầu “mạnh tay” với việc nguồn vốn bị chảy ra nước ngoài. Vào tháng 11, họ đã phạt Chinabank Payments của JD.com 4.2 triệu USD – một trong những khoản tiền phạt lớn nhất mà SAFE từng đưa ra – vì đã chuyển tiền ra nước ngoài.
Cơ quan quản lý này không cho biết bao nhiêu tiền đã bị chuyển đi, nhưng con số đó có thể là hàng chục triệu nhân dân tệ vì Trung Quốc tính tiền phạt dựa trên số tiền được chuyển.
Các tập đoàn lớn không phải là những tổ chức duy nhất có liên quan đến việc rút tiền ra khỏi Trung Quốc. Đầu tháng này, một khách hàng của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) đã rút 50.000 USD tiền mặt từ tài khoản ngân hàng của mình chỉ trong một tuần.
SAFE đã phạt ngân hàng này gần 6.000 USD vì vi phạm quy tắc của chính phủ giới hạn số lượng ngoại tệ mà mọi người có thể rút khỏi tài khoản của họ trong một khoảng thời gian ngắn.
Mặc dù số tiền trên là không lớn lắm, nhưng nó vẫn cho thấy chính phủ nước này sẵn sàng có biện pháp mạnh hơn đối với những trường hợp rút tiền như vậy.
“Việc kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài ngày càng khắt khe hơn”, Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Ngân hàng Natixis, cho biết.
Dòng tiền chạy trốn
Nguy cơ dòng vốn bị chảy ra nước ngoài bắt nguồn từ những lo ngại về nền kinh tế của đất nước này bị tổn thương do nhu cầu trong nước giảm và cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn kéo dài.
Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cũng cho phép đồng nhân dân tệ yếu đi, như là một cách giúp nước này chống lại tác động của thuế quan cao hơn từ Mỹ đối với hàng xuất khẩu của họ. Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm ngoái, đồng tiền này đã mất giá khoảng 12% so với đồng USD.
Tuy nhiên, một đồng tiền yếu hơn làm tăng nguy cơ mọi người sẽ cố gắng chuyển tiền ra khỏi đất nước, khiến giá trị của đồng nhân dân tệ có thể còn bị đẩy xuống thấp hơn nữa.
“Chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn được một số tiền rời khỏi đất nước. Khoảng 74 tỷ USD đã rời Trung Quốc thông qua các kênh được quy định trong nửa đầu năm nay – số tiền nhỏ nhất trong một thập niên”, Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Viện tài chính quốc tế, viết trong một báo cáo tháng 10.
Mặc dù vậy, một lượng tiền kỷ lục đã rời Trung Quốc thông qua “các giao dịch không được ghi nhận” trong thời gian đó, ông nói. Tập đoàn thương mại có trụ sở tại Washington này ước tính rằng 131 tỷ USD đã rời Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2019 thông qua “các dòng vốn ẩn”, theo dữ liệu có sẵn gần đây nhất. (Mọi người có thể chuyển tiền thông qua các phương tiện như yêu cầu bạn bè và gia đình thay nhau rút ngoại tệ từ các ngân hàng Trung Quốc nhằm lách luật, hoặc bằng cách giả vờ nói rằng có đầu tư ra nước ngoài).
Ma viết rằng sự gia tăng đó được kích hoạt bởi “những căng thẳng thương mại ngày càng gay gắt”.
“Trung Quốc cũng đã cố gắng giúp nền kinh tế của mình bằng cách cắt giảm lãi suất chuẩn, nhưng điều này có thể sẽ làm tăng lượng tiền rời khỏi Trung Quốc”, Herrero, nhà kinh tế của Ngân hàng Natixis, phân tích.
Và dù Trung Quốc và Mỹ gần đây đã đạt được một thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, điều mà có thể làm dịu căng thẳng giữa hai nước, nhưng Herrero cho rằng thỏa thuận này không có khả năng giảm bớt hoàn toàn áp lực đối với Trung Quốc.
Bà cho rằng thời gian “nghỉ ngơi” của đồng nhân dân tệ có thể là tạm thời, đồng thời nói thêm rằng Ngân hàng trung ương của Trung Quốc có thể sẽ để đồng tiền này mất giá một lần nữa nếu thỏa thuận không được ký kết, hoặc không có hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm
Trung Quốc có lý do chính đáng để giữ tiền của họ trong nước. Lần cuối cùng Trung Quốc bị rút vốn ào ạt là vào năm 2015 và 2016, khi nền kinh tế bắt đầu giảm tốc và Ngân hàng nhân dân Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ, làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Trung bình, số tiền rời khỏi Trung Quốc tương đương với 6% GDP của đất nước trong hai năm đó, theo ước tính của Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Tổng cộng, Trung Quốc đã mất 1,28 nghìn tỷ USD và buộc phải dùng đến nguồn dự trữ ngoại hối của mình để ngăn chặn đồng tiền của họ không bị mất giá nhanh hơn nữa.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm hơn 800 tỷ USD trong hai năm đó trước khi phục hồi một ít trong năm 2017. Kể từ đó, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát vốn và khiến cho mọi người gặp khó khăn hơn khi đổi tiền lấy ngoại tệ hoặc chuyển tiền ra nước ngoài.
“Các nhà quản lý Trung Quốc đã học được bài học của họ trong giai đoạn đáng sợ 2015-2016”, các nhà phân tích từ Bank of America viết hồi tháng 11.
Các chuyên gia phân tích tại UBS cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã thực hiện các bước để bù đắp cho việc rút vốn. Đầu tháng này, họ lưu ý rằng nước này gần đây đã mở cửa thị trường tài chính hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Những biện pháp đó có thể thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài dành cho thị trường Trung Quốc và thu hút nhiều tiền hơn bên trong quốc gia này.