Sau khi Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ (18/12) đã thông qua “Đạo luật ủng hộ và Chính sách Tây Tạng” (Tibetan Policy and Support Act, H.R. 4331), được cho là phiên bản nâng cao của “Đạo luật Chính sách Tây Tạng” năm 2002, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng cứng rắn, lên án hành động trên của Mỹ.
Theo thông tin trên, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật ủng hộ và Chính sách Tây Tạng” (Tibetan Policy and Support Act, H.R. 4331). Nội dung luật này nói rằng bất kỳ quan chức Trung Quốc nào can thiệp vào vấn đề chuyển thế (tái sinh) của đức Dalai Lama sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ và từ chối họ nhập cảnh Hoa Kỳ. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối Hoa Kỳ và đã nghiêm khắc giao thiệp.
Dự luật đã được đề xuất lên Hạ viện và Thượng viện bởi Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC), Hạ nghị sỹ Dân chủ James McGovern và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Florida Marco Antonio Rubio. Ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tuyên bố tại phiên điều trần rằng: “Yêu cầu của Bắc Kinh về việc chỉ định chính thức nhà lãnh đạo tôn giáo người Tạng kế vị đức Dalai Lama là vi phạm rõ ràng về tự do tôn giáo quốc tế và truyền thống của người Tạng. Dự luật gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu can thiệp vào tự do tôn giáo của Tây Tạng”. Ngoài việc quy định rằng Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và thị thực đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan, dự luật cũng yêu cầu không cho phép Trung Quốc thành lập một lãnh sự quán mới tại Hoa Kỳ trước khi Hoa Kỳ được đặt lãnh sự quán ở Lhasa, Tây Tạng. Tiếp sau đây, dự luật sẽ còn phải được toàn bộ Hạ viện biểu quyết thông qua, sau đó cần được Thượng viện thông qua và hai phiên bản của dự luật sẽ được điều phối trước khi đệ trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Ngay sau khi Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (19/12) đã tuyên bố phản đối về việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mới về Tây Tạng. Ông nói, hành động này của phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và gửi tín hiệu sai tới các thế lực đòi Tây Tạng độc lập; Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận. Cảnh Sảng cho rằng chính sách và lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tây Tạng là nhất quán và rõ ràng, “vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp”. Ông nhấn mạnh rằng các dự luật liên quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là coi thường sự thật và đầy định kiến. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Ông thúc giục Hoa Kỳ cần nhận thức đầy đủ mức độ nhạy cảm cao của các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, tuân thủ các cam kết đôívới Trung Quốc trong vấn đề liên quan đến Tây Tạng; chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng thúc đẩy các dự luật liên quan.
Trước đó, Thượng viện Mỹ (11/9) đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Dự luật nói trên được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menedez, còn cần được Hạ viện thông qua trước khi chuyển tới Tổng thống Donald Trump ký thành luật chính thức. Dự luật “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Dự luật được coi là sản phẩm thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tiến bộ tại Quốc hội Mỹ về việc phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân nhân quyền. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nó sẽ chỉ mang tính biểu tượng nếu bên hành pháp không thực hiện các đề xuất của mình.
Không những vậy, Hạ viện Mỹ (3/12) đạt số phiếu áp đảo 406/1 để thông qua dự luật Sự Can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu (Dự luật Duy Ngô Nhĩ) năm 2019, cho phép chính quyền Mỹ xác định và trừng phạt quan chức bị xem là chịu trách nhiệm liên quan trong việc giam hàng loạt thành viên nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương. Dự luật sẽ tăng cường thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, bao gồm những thiết bị có thể được sử dụng để “đàn áp quyền riêng tư, tự do di chuyển và các quyền con người cơ bản khác”. Dự luật Duy Ngô Nhĩ là phiên bản sửa đổi đáng kể của dự luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện thông qua hồi tháng 9, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ bổ nhiệm “đặc phái viên” về Tân Cương và đề xuất chính quyền xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt. Dự luật được Hạ viện thông qua mang tính ràng buộc hơn, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật, đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Dự luật cho thấy Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc sẽ là một trong những quan chức bị trừng phạt. Dự luật tiếp đến sẽ được chuyển tới Thượng viện và được thông qua với nội dung hiện tại hoặc nội dung các thượng nghị sĩ yêu cầu sửa đổi. Bản thảo cuối cùng được trình lên Tổng thống Donald Trump để ông xem xét có ký thành luật hay không.
Phản ứng trước động thái trên của Thượng viện Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (12/9) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng “đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Mỹ chỉ trích một cách bừa bãi chính sách của Trung Quốc về Tân Cương trong sự coi thường sự thật. Đó là sự can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chúng tôi phản đối và kiên quyết phản đối. Việc thành lập các trung tâm cải tạo tại Tân Cương hoàn toàn hợp pháp, nhằm mục đích cứu những người bị lừa dối hoặc thậm chí đã gia nhập lực lượng khủng bố và phạm tội nhẹ để giúp họ thoát khỏi tư tưởng cực đoan”. Ngoài ra bà Oánh còn chi trích các quan chức Mỹ “không quan tâm đến sự thật, bôi nhọ và chỉ trích tình hình nhân quyền ở Tân Cương và chính sách của Trung Quốc và cho rằng “sự can thiệp trắng trợn như vậy vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ chỉ khiến người dân Trung Quốc trở nên phẫn nộ hơn”. Theo bà Hoa Xuân Oánh, “Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ hãy tôn trọng sự thật, hãy lý trí trở lại, loại bỏ tư duy chiến tranh lạnh, ngừng lấy các vấn đề liên quan tới Tân Cương như một cái cớ để can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, và chấm dứt ngay việc thúc đẩy dự luật này trở thành luật để tránh gây tổn hại cho mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ”.