Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cho biết, “việc hai bên kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ là minh chứng cho thấy chúng ta không mắc lại những sai lầm trong quá khứ”, đồng thời nhận định thành quả quan hệ song phương đang là bài học cho thế giới.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell (18/12) cho biết, việc hai bên kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ là minh chứng cho thấy chúng ta không mắc lại những sai lầm trong quá khứ; để tới được thời điểm cột mốc 25 năm này, hai nước đã đối mặt với những hệ quả chiến tranh và ảnh hưởng tới người dân. Hiện hai quốc gia là đối tác tin cậy, với tình bạn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Quân đội hai nước cũng đã xây dựng niềm tin lẫn nhau và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và USS Carl Vinson năm 2018 trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến tranh. Sự hợp tác này góp phần tạo nên một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với đặc điểm là tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, sự hợp tác và tôn trọng các quy tắc, không có sự bá quyền hay chân lý thuộc về kẻ mạnh. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nhấn mạnh, chúng ta đã có thể vượt qua oán hận, hoài nghi và cay đắng để thay thế chúng bằng tin tưởng, tôn trọng và hợp tác. Hai nước chứng tỏ rằng hai cựu thù có thể trở thành đối tác tin cậy. Thành quả đó có ý nghĩa với chúng ta bao nhiêu thì cũng là bài học sâu sắc và kịp thời bấy nhiêu cho các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, ông David Stilwell tái khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, cam kết ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực; nhấn mạnh chủ trương của Mỹ trong việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở tại Biển Đông, khẳng định Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Mỹ cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết hai nước đã thông qua 8 tuyên bố chung, đáng kể nhất là Tuyên bố chung xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013 với 9 lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Việt Nam đánh giá cao việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam và các nước ASEAN nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Hai nước tích cực hợp tác trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, hợp tác trong ASEAN và vấn đề tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ tăng từ mức 450 triệu USD vào năm 1994 lên gần 70 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ. Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 9,33 tỷ USD. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá cao những bước phát triển mới trong hợp tác về giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh-quốc phòng cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đề nghị hai nước tăng cường hợp tác trong năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; trong đó duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc, đặc biệt là cấp cao; thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, duy trì đà phát triển ổn định, đóng vai trò trọng tâm và là động lực thúc đẩy quan hệ song phương và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như khắc phục hậu quả chiến tranh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng.
Trong những năm gần đây, Mỹ và Việt Nam có sự thống nhất về nhiều vấn đề then chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trên thực tế, quan điểm và lợi ích của hai quốc gia hiện thống nhất hơn so với vài năm trước và sự thống nhất như vậy đã – và sẽ tiếp tục – thúc đẩy mối quan hệ song phương này. Ngay cả ở cấp độ chính trị, mối quan hệ hiện đã tốt hơn so với thời điểm 6 năm về trước. Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013, khi mối quan hệ đối tác toàn diện chính thức được thiết lập, hai bên đã nhấn mạnh các nguyên tắc của mối quan hệ đối tác này, bao gồm trong đó sự tôn trọng đối với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, hai bên đã khẳng định “tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Thỏa thuận và cam kết của hai bên đối với các nguyên tắc đó có cả ý nghĩa tượng trưng lẫn thực chất, đặc biệt là đối với Việt Nam. Bằng cách đồng ý xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ “trên cơ sở tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”, Mỹ đã chính thức chấp nhận và tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, và sự công nhận này vô cùng quan trọng đối với Hà Nội bởi đã từng xuất hiện sự nghi ngờ về việc Mỹ muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam thông qua “diễn biến hòa bình”.
Sự nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng “độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” của nhau cũng là điều đáng nói. Điều này thực sự rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, một nước mà trong suốt chiều dài lịch sử đã chiến đấu chống lại Trung Quốc (nhiều lần), Nhật Bản, Pháp và Mỹ để bảo vệ nền độc lập của mình, và vẫn đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Điều đáng lưu ý là, mặc dù hai nước đã tham chiến với nhau cách đây hơn 4 thập kỷ và vẫn tồn tại một số bất đồng về chính trị và kinh tế, nhưng Mỹ và Việt Nam hiện không có bất kỳ tranh chấp nào về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Khi đồng ý đưa nguyên tắc này vào các tuyên bố chung của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Obama đã cho thấy sự hiểu biết của ông về các cuộc đấu tranh trong quá khứ, và đặc biệt là ở hiện tại, của Việt Nam. Quả thực, trong bài phát biểu trên truyền hình với người dân Việt Nam trong chuyến thăm năm 2016, ông nói: “Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền; và không một quốc gia nào khác có thể áp đặt nguyện vọng của họ lên các bạn hay quyết định vận mệnh của các bạn.” Tuyên bố này đã nhận được một sự hưởng ứng nhiệt liệt và đông đảo từ phía khán giả có mặt, chủ yếu là giới trẻ.
Người kế nhiệm Obama, Tổng thống Donald Trump, tiếp tục duy trì nguyên tắc đó, điều này được tái khẳng định trong những tuyên bố chung của ông với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017 và Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 11/2017. Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump đã nhắc lại phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC tại Đà Nẵng một ngày trước đó, trong đó ông tuyên bố rằng Mỹ “cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia hùng mạnh, độc lập tôn trọng chủ quyền của nhau” và mong muốn đối tác của Mỹ trong khu vực “tự hào và tự chủ, chứ không phải là chư hầu hay vệ tinh”. Với những nhận xét như vậy, giống như người tiền nhiệm của mình, Trump đã ngầm nhắc đến Trung Quốc, người hàng xóm khổng lồ của Việt Nam và là nước từ lâu đã bị mắc kẹt với Việt Nam trong các tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở biển Đông.
Về vấn đề Biển Đông, cả Mỹ và Việt Nam ngày càng lo ngại và chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Chẳng hạn, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 5/2019 có viết: “Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông” và với hành động này, họ đã vi phạm cam kết của Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” trong khu vực. Trong một bài phát biểu quan trọng tại Singapore năm 2015, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cảnh báo về tư duy “đề cao sức mạnh, coi việc sử dụng vũ lực như một giải pháp”. Ông không đề cập đến Trung Quốc, nhưng những phát biểu của ông nhắm vào các hành vi gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực và cách tiếp cận theo tư tưởng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đối với các tranh chấp trên biển. Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt-Mỹ được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015, nói rằng cả hai nước đều “lo ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông” và “tái khẳng định việc tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Chắc chắn là các hành động ngang nhiên của Trung Quốc tại Biển Đông kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, bao gồm cả việc đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam vào năm 2014, là yếu tố then chốt – nếu không muốn nói là yếu tố mang tính quyết định nhất – đằng sau sự tiến triển đáng kể của mối quan hệ Việt-Mỹ trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là an ninh và quốc phòng trong những năm gần đây. James Mattis, người đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào tháng 12/2018, đã đến thăm Việt Nam vào tháng 1 và tháng 10/2018. Tháng 4/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã ghé thăm cảng Đà Nẵng – chuyến thăm đầu tiên mang tính bước ngoặt kể từ năm 1975. Mỹ đã chuyển giao 1 tàu tuần duyên lớp Hamilton và 6 xuồng tuần tra cho Việt Nam; tất cả số tàu và xuồng này hiện đang tích cực đảm nhiệm các nhiệm vụ an ninh hàng hải của Việt Nam.
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington vào tháng 4/2019, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver nói rằng sự hợp tác “là một trong những trụ cột vững chắc nhất” trong quan hệ song phương Mỹ-Việt và đưa ra một số lý do cho nhận định này. Lý do quan trọng nhất là những lợi ích chung của hai nước “trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên các quy tắc, việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi riêng của các nước, bất kể quy mô của họ” và hai bên đều “có chung mối lo ngại rằng trật tự dựa trên các quy tắc có nguy cơ bị xâm hại”. Mặc dù ông không chỉ đích danh Trung Quốc khi đưa ra những bình luận đó, nhưng không thể nhầm lẫn rằng vị quan chức quốc phòng Mỹ này đã ám chỉ người khổng lồ châu Á là kẻ đứng sau “nguy cơ bị xâm hại” này. Việt Nam chắc hẳn hài lòng với nhận xét của Schriver, vì Hà Nội cũng ủng hộ mạnh mẽ trật tự dựa trên các quy tắc ở Biển Đông – và ở cả một khu vực rộng lớn hơn.
Trong các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc, cũng như trong các bài phát biểu và tuyên bố chung với lãnh đạo các đối tác chính – như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Anh và Pháp – các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đối với các tranh chấp trên biển. Các động thái gây hấn mới nhất của Trung Quốc – bao gồm cả việc đưa một tàu khảo sát địa chấn và các tàu hộ tống vũ trang vào một khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam – chắc chắn sẽ làm cho quan hệ Washington-Hà Nội trở nên gắn bó hơn. Chính phủ Việt Nam “kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngừng mọi hoạt động phi pháp” và “lập tức đưa các tàu vi phạm ra khỏi vùng biển của Việt Nam”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã bày tỏ quan ngại về việc “Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò và khai thác lâu năm của Việt Nam”. Tuyên bố này chắc chắn rất được đón nhận ở Việt Nam.
Tuy nhiên, mất cân bằng thương mại là một vấn đề lớn trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Song, trên bình diện kinh tế, hai bên đều rất quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác. Trung Quốc tuy vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 41,9 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu 65,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Cũng trong 2018, Việt Nam đã bán 47,5 tỷ USD hàng hóa cho Mỹ và mua 12,8 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Điều này có nghĩa là Việt Nam chịu thâm hụt thương mại 23,9 tỷ USD với Trung Quốc và chịu một mức thặng dư 34,7 tỷ USD với Mỹ vào năm 2018.
So với các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, các tương tác thương mại của Việt Nam với Mỹ có tính bổ trợ cao hơn, và do đó có lợi hơn. Việt Nam cũng có những lợi ích kinh tế bền vững trong việc tạo lập quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và các nước phương Tây hoặc các nước tiên tiến khác; và lý do then chốt giải thích điều này là để Hà Nội sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh về mặt chính trị và kinh tế. Do đó, không giống như các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn đã từ chối điều chỉnh các chính sách của họ để làm cho quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Mỹ và Việt Nam, trở nên cân bằng hơn và có tính tương hỗ nhiều hơn; giới lãnh đạo ở Hà Nội đã đáp lại lời kêu gọi của Trump về việc làm giảm thâm hụt thương mại. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Trump vào năm 2017, Việt Nam đã đồng ý mua 12 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Trong chuyến thăm thứ hai của Trump vào tháng 2/2019, Hà Nội đã đạt được một số thỏa thuận thương mại, bao gồm trong đó thỏa thuận mua 110 máy bay từ hãng Boeing trị giá hơn 21 tỷ USD; điều này đã khiến Trump khen ngợi các nỗ lực cân bằng thương mại song phương của Việt Nam.