Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump (29/8) tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) tại Nhà Trắng, Đại tướng Không quân bốn sao John Raymond được cử là người lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này. Giới quan sát bên ngoài cho rằng động thái này của ông Trump là nhằm chống lại Trung Quốc và Nga.
Mỹ quyết đối phó với Trung Quốc và Nga trên moi lĩnh vực
Tổng thống Donald Trump (20/12) đã ký luật thành lập lực lượng Lầu Năm Góc để chiến đấu ngoài vũ trụ trong nghĩa vụ quân sự mới đầu tiên của quân đội Mỹ trong 7 thập kỷ. Nhận mệnh lệnh đầy tham vọng mà ông Trump ban hành vào tháng 6/2018, Lực lượng Không gian Mỹ chính thức ra đời khi ông Trump ký ngân sách quân sự hàng năm, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 738 tỷ USD.
Theo AFP, đạo luật này sẽ tạo ra lực lượng thứ sáu của Bộ Quốc phòng, tương đương với năm lực lượng hiện có – Quân đội, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển. Tổ chức mới được xây dựng trên cơ sở Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, vốn hoạt động dưới quyền Không quân kể từ khi được thành lập vào tháng 8. Giống như Thủy quân lục chiến hoạt động trong phạm vi của Hải quân, Lực lượng Không gian sẽ thuộc Không quân.
Bộ Tư lệnh Không gian sẽ tập trung vào chiến đấu – gần giống với các bộ chỉ huy khu vực của Lầu Năm Góc như CentCom, trong khi Lực lượng Không gian sẽ bao gồm các nhiệm vụ rộng lớn hơn như đào tạo, mua sắm, lập kế hoạch dài hạn và các chức năng khác. Lực lượng Không gian sẽ bao gồm khoảng 16.000 nhân viên Không quân và dân sự, một số đã tham gia Bộ Tư lệnh Không gian, theo Bộ trưởng Không quân Barbara Barrett. Họ sẽ có đồng phục, cầu vai riêng và thậm chí là bài hát riêng giống như các nhánh khác.Lực lượng Không gian Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách tập trung vào không gian vũ trụ. Mỹ có sự nhạy bén trong không gian vũ trụ tốt nhất trên thế giới. Dẫn đầu Lực lượng Không gian sẽ là Tướng Không quân Jay Raymond, người đang điều hành SpaceCom.
Trước đó, trang tin Đa Chiều cho biết, ngày 30 tháng 8, tại buổi lễ tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh này, ông Trump nói, mục đích của việc thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trong lĩnh vực không gian và chống kẻ địch xâm lược, “bảo đảm địa vị thống trị trong lĩnh vực vũ trụ của Mỹ mãi mãi sẽ không bao giờ bị đe dọa”. SpaceCom vừa được thành lập có chức năng bao gồm: cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh, kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và đảm bảo an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ, bảo vệ tài sản Mỹ trong quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài tiến hành phá hoại vệ tinh của Mỹ và giám sát, cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác.
Bộ Tư lệnh Vũ trụ là bộ tư lệnh tác chiến liên hợp thứ 11 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đây là một bộ chỉ huy chiến đấu chức năng, sánh ngang với các Bộ tư lệnh không gian mạng, Bộ tư lệnh chiến lược, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt và Bộ tư lệnh vận tải. Ngoài ra còn có 6 bộ tư lệnh tác chiến khu vực khác được chia thành theo khu vực, gồm: Bộ chỉ huy phía Bắc (Northern Command – chịu trách nhiệm về khu vực Bắc Mỹ), Bộ chỉ huy phía Nam (Southern Command – chịu trách nhiệm về khu vực Nam Mỹ), Bộ tư lệnh trung tâm (Central Command – chịu trách nhiệm về Trung Đông và Trung Á), Bộ tư lệnh châu Âu (European Command), Bộ tư lệnh châu Phi (Africa Command) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific Command).
Trong một bản tweet hôm 29/8, ông Trump nhấn mạnh rằng SpaceCom sẽ có thể ngăn chặn hiệu quả sự vi phạm không phận lãnh thổ của Hoa Kỳ và bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ trong không gian. Ông Trump viết: “Đây là một ngày có ý nghĩa bước ngoặt để khẳng định tầm quan trọng cốt lõi của không gian trong an ninh và quốc phòng của Mỹ”, “SpaceCom sẽ đảm bảo rằng lợi thế không gian của Mỹ sẽ không bao giờ bị đe dọa”.
Bộ Tư lệnh Vũ trụ sẽ xem không gian là một chiến trường trọng điểm, được chi phối bởi các vệ tinh và máy bay tầm cao. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1982 đã thiết lập một bộ chỉ huy không gian (AFSCP) trực thuộc Không quân và tập trung vào hoạt động chiến đấu không gian, nhưng Bộ Tư lệnh Vũ trụ mới sẽ tăng cường tầm quan trọng của nó, phát triển các hệ thống đặc biệt và huấn luyện các hạng mục liên quan nhằm mục tiêu đối phó với cuộc Chiến tranh giữa các vì sao.
Tờ “Liên hợp Buổi sáng” của Singapore cho rằng Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ mở đường cho việc xây dựng quân chủng vũ trụ với mục đích đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết, sau khi thành lập Bộ Tư lệnh Không gian, tướng John Raymond sẽ lãnh đạo 87 đơn vị để xử lý các nhiệm vụ bao gồm cảnh báo tên lửa, giám sát vệ tinh, kiểm soát không gian và chi viện tác chiến. Trong khi đó, ông Mike Pence, Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về vũ trụ hồi đầu tháng tám đã tuyên bố, lực lượng không gian sẽ đảm bảo rằng quốc gia có thể bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ Trái đất và giá trị của không gian, hỗ trợ phòng ngự nước Mỹ từ ngoài không gian.
Đồng minh sát cánh với Mỹ
Trong phiên họp chiều 20/11, Ngoại trưởng các nước NATO nhóm họp tại Brussels đã nhất trí đưa không gian trở thành một trong những lĩnh vực tác chiến trọng tâm của NATO. Đồng thời NATO cũng sẽ giám sát chặt chẽ chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhận định, không gian vũ trụ đang trở thành nơi cạnh tranh mạnh mẽ trong vài năm qua. Các đối thủ chính của NATO là Nga và Trung Quốc đã phát triển mạnh các công nghệ và vũ khí không gian. Vì thế, ưu tiên chiến lược của NATO trong thời gian tới sẽ là phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự cũng như dân sự của mình trước nguy cơ bị tấn công từ đối phương. Tuy nhiên, NATO tuyên bố khối quân sự này không có ý định đưa vũ khí lên không gian. Cùng với đó, các Ngoại trưởng NATO cũng đồng ý đề ra chiến lược theo dõi chặt chẽ sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg lý giải quyết định này là do Trung Quốc liên tiếp gia tăng ngân sách quốc phòng trong nhiều năm qua nhưng quốc gia này lại không chia sẻ các giá trị chung với NATO.
Trung Quốc phản đối
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (23/12) “chỉ trích” mạnh mẽ Mỹ khi cho rằng Washington mới chính là nguyên nhân trực tiếp đe dọa an ninh không gian. Cảnh Sảng cho rằng, trong thời gian qua Mỹ đẩy mạnh chiến lược không gian đặc biệt là vũ khí hóa, chiến trường hóa không gian, đi ngược lại những nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về việc sử dụng không gian một cách hòa bình, hành động của Mỹ đã phá hoại ổn định và cân bằng toàn cầu. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh, an ninh không gian mà Mỹ tìm kiếm là an ninh của bản thân nước Mỹ và đó không phải là an ninh không gian chung của toàn nhân loại. Đồng thời, nhằm viện dẫn lý do cho hành động của mình, Mỹ luôn nhắm mũi dùi công kích vào Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc có lập trường nhất quán về vấn đề này và hy vọng các bên, đặc biệt là các nước lớn có thái độ thận trọng và có trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp về an ninh không gian.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ 6 được tổ chức ở thị trấn Ô Trấn (Wuzhen), miền Đông Trung Quốc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Quốc Hoàng Khôn Minh cho rằng, tâm lý “chiến tranh lạnh” và “hành vi bắt nạt” đang cản trở sự tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực không gian mạng. Ông Hoàng Khôn Minh cũng cho rằng, với cái cớ vì an ninh quốc gia, một số quốc gia đã tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các quốc gia và doanh nghiệp của nước khác đã khiến làm gia tăng sự không chắc chắn, đối lập và tiêu cực trong lĩnh vực không gian mạng. Tuy nhiên ông Hoàng Khôn Minh đã không nói rõ đó là quốc gia nào.
Được biết, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch hoàn thành việc xây dựng trạm không gian vũ trụ vào năm 2020. Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao kỹ thuật có yếu tố con người Trung Quốc lần thứ 4 vừa được tổ chức tai thành phố Quảng Châu, Trung Quốc (16-17/11), ông Châu Kiến Bình – tổng thiết kế sư công trình đưa người lên vũ trụ của Trung Quốc cho biết, dự kiến đến năm 2022 nước này sẽ hoàn thành trạm không gian có sức chứa tối đa 3 người. Được biết, trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ gồm 3 phần, 1 module lõi, 2 phòng thí nghiệm không gian và có thời gian vận hành 15 năm. Module lõi có tên gọi Thiên Hòa dài 18,1m, đường kính 4,2m, là trung tâm, cũng là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong. Hai phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên dài 14,4m, đường kính 4,2m sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học. Trạm không gian Thiên Cung cũng dự phòng phương án thiết kế trong trường hợp mở rộng không gian trạm. Dự kiến, module lõi Thiên Hòa sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B vào năm 2020. Với việc trạm không gian quốc tế (ISS) dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ là trạm vũ trụ duy nhất trong không gian.