Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam và hội chứng dựa dẫm

Việt Nam và hội chứng dựa dẫm

Xưa nay sự dựa dẫm đã quá quen thuộc trong hầu hết mối quan hệ từ gia đình đến xã hội và cả quan hệ làm ăn. Khi con cái còn nhỏ chưa vào đời phải nhờ sự bảo bọc của cha mẹ cũng là chuyện bình thường, đó không chỉ là nguồn vui của cha mẹ mà còn là nguồn sống của con. Nhưng sẽ không có gì để tự hào về những đứa con đã trưởng thành mà vẫn dựa dẫm vào gia đình về mọi phương diện, từ công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho đến thăng tiến trong công việc. Tập quán nuôi gà công nghiệp này, xã hội phương Đông còn nhiều, chứ phương Tây đã ngày càng ít đi, con cái thoát ly dần ảnh hưởng của cha mẹ, tự định hướng cho đời mình.

Trong tình hình làm ăn của doanh nghiệp chúng ta hiện nay thì sao? Nhiều người cho rằng sự dựa dẫm là một điều kiện không thể thiếu được và đã trở thành hội chứng. Dựa dẫm thì khó độc lập vì lúc nào cũng có sự trao đổi. Cho dù núp bóng dưới tên gọi nào đi nữa thì khi dựa dẫm cũng phải nghĩ đến cái giá phải trả là bao nhiêu, trả trước hay trả sau và không nên mơ hồ về điều này.

Cuộc sống dạy cho chúng ta một điều rằng chẳng có ai đem tiền bạc biếu không cho người dưng thiên hạ nếu không phải là những người làm từ thiện, mà ngay làm từ thiện họ cũng hưởng được cái “lợi” là tìm được niềm vui. Thế cho nên dựa dẫm chỉ có giá trị tích cực là khi mượn thế và lực của người khác để thực hiện ý muốn của mình bằng một cái giá chấp nhận được, nhưng sẽ là tiêu cực nếu sau khi đạt được mục tiêu rồi mà không đủ tự tin vào nội lực để thoát khỏi sự lệ thuộc. Trong nhiều trường hợp đó là bước đầu trở thành tù binh của các nhóm lợi ích.

Khi doanh nghiệp quốc doanh ỷ lại và lệ thuộc vào Nhà nước không chỉ đồng vốn, các chính sách ưu đãi về phân bổ tài nguyên quốc gia thì doanh nghiệp tư doanh cũng phải tìm đất sống cho mình. “Nhất thân nhì thế” không chỉ là tập quán trong quan hệ xã hội mà đã thâm nhập sâu vào quan hệ làm ăn và mức độ ngày càng tinh vi với những bảo lãnh, những chống lưng của các quan chức đương nhiệm hay đã hạ cánh an toàn, rõ nét nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nơi mà dựa dẫm đã trở thành sự tương tác lợi ích. Hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp không lớn lên bằng nội lực bản thân mà dựa vào ô dù, phe nhóm để làm giàu trên đôi vai gầy của nền kinh tế.

Nhưng suy cho cùng thì thể chế nào tạo ra doanh nghiệp nấy. Thể chế quyết định việc tổ chức bộ máy hành chính, sử dụng con người, quản lý mọi hoạt động xã hội. Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn cho rằng doanh nghiệp chúng ta đang vận hành trong một “thể chế sáu không”: không nhất quán, không lành mạnh, không thông suốt, không đồng bộ, không khả thi và không tiên liệu. Trong khi đó, Nhà nước lại ôm đồm những việc ngoài chức năng quản lý và vẫn còn dị ứng với các tổ chức xã hội có thể chia sớt gánh nặng cho mình. Sống trong không gian ấy thì các doanh nghiệp phải dựa thế dựa thần để tồn tại là điều dễ hiểu.

Vậy thì có mấy dạng dựa dẫm phổ biến? Một là các đại gia tầm cỡ biết dựa vào sự không minh bạch để tìm cơ hội làm giàu. Trúng thầu một dự án, ôm được một công trình lớn hay mua một khu đất, làm một con đường, đều là cơ hội biến đất thành vàng, lấy vàng đổi đất, được ban phát từ những người, những cơ quan biết rõ thông tin và có quyền ban phát. Đây là dạng dựa dẫm cơ hội, anh cho tôi cơ hội tất nhiên tôi biết điều với anh, không chỉ để cùng làm ăn lâu dài mà qua đó hình thành những nhóm lợi ích.

Hai là các doanh nghiệp thường thường bậc trung biết tận dụng sự gian dối để tồn tại. Luật pháp và các quy định không rõ ràng nhất quán là điều kiện cho gian dối sinh sôi nảy nở, không gian dối thì làm sao có tiền để chung chi, có chung chi đều đặn thì mới tạo được quan hệ lâu dài trong quỹ đạo làm ăn không minh bạch. Cái vòng tròn khép kín ấy như chuyện “cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”, cả hai dựa vào sự gian dối để cùng nhau sống khỏe, doanh nghiệp có thể giàu nhưng nền kinh tế hao dần nội lực.

Loại thứ ba chiếm nhiều nhất trong số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh doanh trong “cơ chế đèn vàng”, cái xấu cái tốt đan chen, thế nào là đúng, thế nào là sai đôi khi cách nhau chỉ một lằn ranh nhỏ. Cho dù mình không làm điều gì sai trái nhưng biết đâu quét nhà lại chẳng ra rác, thôi thì hay nhất là đi tìm sự an toàn và tránh phiền hà bằng cách dựa dẫm vào những người, những cơ quan có quyền hành đủ gây khó cho mình. Đây là loại dựa dẫm vì sợ, chẳng liên quan gì đến việc đi tìm cơ hội hay gian dối làm ăn.

Thế nhưng sự dựa dẫm không chỉ có một phía. Quan chức là người có quyền nhưng quyền đó không thể chuyển đổi thành tiền vậy là phải dựa vào doanh nghiệp. Giá trị thặng dư doanh nghiệp có được thông qua quyền ban phát của quan chức chính là công cụ biến quyền lực thành đồng tiền. Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sống bằng sự dựa dẫm lại có khả năng làm trung gian kết nối các phe nhóm có quyền lợi khác nhau, phá vỡ cả trật tự quản lý, để tất cả trở thành đồng minh chiến lược của nhau.

Vậy thì doanh nghiệp có đáng trách không khi tập quán dựa dẫm đã trở nên phổ biến trong đời sống kinh doanh. Hay chính thể chế là tác nhân gây ra hội chứng này?

Ông Khổng Tử bên Tàu nói rằng: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu ngày mà chẳng thấy mùi thơm tức là mình đã hóa ra thơm vậy. Ở chung với người bất lương như vào trong chợ cá ươn, lâu mà không biết mùi hôi vì mình cũng đã hóa ra hôi rồi”. Câu nói gần 2.500 năm trước đây vẫn còn là một bài học cho người đương thời.

Sống trong một thể chế kinh tế nhiều khuyết tật, các giá trị bị đảo lộn, mạnh được yếu thua, doanh nghiệp đàng hoàng nhưng yếu thế thì phải tìm cách thích nghi để tồn tại, như bầy cá đang bơi trong dòng nước đục thì hoặc phải uống nước bẩn để sống hoặc chết dần vì không chịu nổi ô nhiễm môi trường. Vấn đề là làm sao cho dòng nước ngày càng sạch để cho bầy cá sống khỏe. Điều khó khăn nhưng phải làm là dũng cảm vượt lên chính mình, thoát ra khỏi cái vòng kim cô “đặc thù Việt Nam” để cải cách thể chế cho phù hợp với tình hình hội nhập sâu rộng hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới