Chiến lược hải quân Trung Quốc đề ra ba nhiệm vụ nhằm định hướng cho sự phát triển năng lực hải quân của họ. Thứ nhất, ngăn chặn việc Đài Loan tuyên bố độc lập. Thứ hai, kiểm soát các tuyến giao thương và các nguồn cung cấp năng lượng xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Thứ ba, triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ba mục tiêu chiến lược
Trung Quốc tìm cách triển khai lực lượng hải quân ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời cản trở Mỹ ủng hộ Đài Loan bằng việc triển khai hải quân khi có xung đột. Nhiệm vụ này đã trở thành một điểm nổi bật của chiến lược hải quân Trung Quốc sau khi Mỹ điều động hai tàu sân bay trong suốt giai đoạn khủng hoảng ở eo biển Đài Loan năm 1995 và năm 1996. Trung Quốc cũng muốn kiểm soát các tuyến giao thương và các nguồn cung cấp năng lượng xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi ước tính chừng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở. Nhiệm vụ này đã trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ vào năm 1993 và khi Bắc Kinh nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đến thế nào vào cuối thập niên 1990. Nhiệm vụ thứ ba là triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995 và năm 1996. Bắc Kinh hiểu rằng năng lực này sẽ là một sự răn đe tối hậu chống lại Mỹ trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan cũng như các cuộc khủng hoảng khác.
Các bước đi nhằm đạt được mục tiêu
Để thực hiện các sứ mệnh này, Trung Quốc đã phát triển hoặc triển khai bốn lớp tàu ngầm và sáu lớp tàu khu trục mới trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển lực lượng hải quân viễn dương nhằm thiết lập một hệ thống phòng thủ trên biển để bảo vệ an ninh hàng hải và sự phát triển kinh tế. Vì vậy nước này đã mua lại và cải tạo chiếc tàu sân bay cũ của Ucraina sau đó đặt tên là Liêu Ninh. Vừa qua, nước này tiếp tục biên chế chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông và còn dự định sẽ sở hữu một hạm đội tàu sân bay hùng hậu sánh ngang với các cường quốc tàu sân bay hiện nay. Các tàu sân bay đều đòi hỏi đội tàu hộ tống để cung cấp năng lực phòng không và ngăn chặn các cuộc tấn công từ tàu ngầm.
Xét về lực lượng hạt nhân trên biển, Trung Quốc có bốn tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, hay gọi là SSBN. Chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc là tàu lớp Hạ bây giờ đã lỗi thời, được hoàn thành vào năm 1981 và mang theo được 12 tên lửa đạn đạo JL-1 (SLBM) có tầm bắn lên đến 2.700 km, không đủ để tấn công vào đất liền của Mỹ. Hai trong số những chiếc SSBN hiện đại và đáng tin cậy hơn thuộc lớp Tấn đã được triển khai từ năm 2004, mỗi cái mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn lên đến 8.400 km, tạo cho chúng khả năng tấn công liên lục địa. Trung Quốc được cho là sẽ triển khai ít nhất 5 chiếc thuộc lớp Tấn trong những năm tới.
Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho các nền tảng hải quân của họ để chống lại những cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Những chiếc tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng đòi hỏi tiếp cận những vùng biển mở để hoàn thành sứ mệnh của mình; nếu không chúng có thể bị giam hãm vào một khu vực giới hạn và trở thành gần như là vô ích. Chỉ một vài nơi dọc theo bờ biển của Trung Quốc là có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho hải quân của họ, nơi có thể tổ chức phòng ngự, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận vùng biển mở. Một là ở Hoàng Hải, nơi có căn cứ tàu ngầm đặt tại Xiaopingdao gần Đại Liên. Một nơi hợp lý khác là khu vực Hải Nam và khu vực nửa đóng của phía bắc Biển Đông, nơi có lợi thế gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối sang Ấn Độ Dương. Bất cứ vị trí nào khác xa hơn về phía Bắc sẽ có thể dễ bị tấn công ngăn chặn từ phía biển vào bởi Mỹ.
Vì lý do này, Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa không chỉ các tàu SSBN mà cả tàu sân bay cũng như đội tàu hộ tống khi chúng được triển khai. Khi Hải Nam phát triển trở thành căn cứ hải quân thì quần đảo Hoàng Sa ở phía nam đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lá chắn bảo vệ đường không và đường biển cho Hải Nam. Điều đó giải thích vì sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với các tàu khảo sát của Mỹ. Bảo vệ Hải Nam là một chuyện, nhưng đảm bảo cho tàu sân bay và SSBN tiếp cận được vùng biển mở là một chuyện khác. Để làm được việc này, Trung Quốc cần phải kiểm soát được quần đảo Trường Sa, hoặc ít nhất họ cần có khả năng ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp vào các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong một khu vực mở rộng đến tận eo biển Malacca. Từ năm 2009, tướng Zhang Li, nguyên Phó Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã kêu gọi xây một sân bay và một cảng biển tại bãi đá Vành Khăn trong khu vực Philipines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa mà hiện giờ đang do Trung Quốc chiếm. Dưới trướng Liu, chiến lược hải quân của Trung Quốc chuyển từ phòng thủ ngoài khơi hay phòng thủ bờ biển sang “phòng thủ biển gần”, bao trùm một khu vực rộng kéo dài tới “chuỗi đảo đầu tiên”. Vùng biển này trải dài suốt từ Nhật Bản đến quần đảo Ryukyu, đến Philipines rồi đến Biển Đông; chuỗi đảo thứ hai nằm xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương, trải dài từ Nhật Bản và bao gồm cả đảo Guam. Kể từ khi hình thành cách đây hai thập niên, khái niệm chuỗi đảo tiếp tục định hình tư duy hải quân Trung Quốc, đóng vai trò là một cách để xác định và phân ranh giới các khu vực lợi ích. Khái niệm chuỗi đảo đầu tiên bao gồm Đài Loan như là điểm then chốt và cả không gian biển bao quanh nó, cho phép phong tỏa bằng tàu ngầm trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập khỏi đại lục. Nó cũng bao gồm những vùng biển đủ lớn cho các tàu ngầm SSBN thường xuyên tuần tra và triển khai các điểm phóng tên lửa ở giữa đại dương.
Tìm cách đối phó Mỹ
Nếu là một khái niệm phòng thủ khu vực, nó bao gồm cả Hoàng Hải lẫn Biển Đông như là những vị trí trú ẩn an toàn để đặt các căn cứ hải quân cũng như đường ra biển khơi an toàn. Tuy nhiên, phòng thủ khu vực đòi hỏi phải giữ chân Hải quân Mỹ từ xa và ở một khoảng cách đủ lớn để nó không thể can thiệp vào việc triển khai của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai DF-21D, được mô tả là một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) có khả năng nhắm đến các tàu sân bay Mỹ và các tàu mặt nước lớn khác. Đô đốc Robert F.Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng khi kết hợp cùng tàu ngầm Trung Quốc, tên lửa này có thể gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hải quân Mỹ, và cuối cùng có thể sẽ “vô hiệu hóa” năng lực triển khai sức mạnh của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng với khả năng định vị và truy đuổi mục tiêu hiệu quả, loại tên lửa này có thể đe dọa các tàu hải quân Mỹ trong tầm bắn từ 1.500 đến 2.100 km.
Phù hợp với các khái niệm phòng thủ khu vực này, Trung Quốc cũng kỳ vọng Mỹ công nhận các vùng ảnh hưởng riêng của mình ở Tây Thái Bình Dương, trong đó Đài Loan và Biển Đông phải chắc chắn nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương ngăn chặn việc Đài Loan thống nhất với đại lục và khuyến khích các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Nếu có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo cách này với một nước Mỹ đang suy yếu về kinh tế thì Trung Quốc quả thật sẽ trở thành siêu cường thống trị tại khu vực Tây Thái Bình Dương.