Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhững phương tiện, công cụ nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ...

Những phương tiện, công cụ nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông được TQ triển khai trong năm 2019

Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi có trữ lượng có thể khai thác 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu, được gọi là vịnh Ba Tư thứ hai của thế giới. Uỷ ban Chính pháp Trung Quốc từng ngang ngược tuyên bố trên mạng xã hội rằng “dưới đáy biển rộng lớn của Biển Đông là 1/3 trữ lượng dầu khí của Trung Quốc”. Ý đồ và các hành vi trên của Bắc Kinh đã bị các nước lên án, chỉ trích mạnh mẽ. Dưới đây là một số phương tiện, công cụ được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông trong năm qua nhằm vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Giàn khoan “Hải dương 982” (HD 982)

Ủy Ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc hôm 21/9/2019 thông báo triển khai giàn khoan lớn với khả năng khai thác sâu tới 5.000 m nhưng hiện chưa rõ chính xác vị trí triển khai giàn khoan. Giàn khoan dầu khí Hải Dương 982 bắt đầu hoạt động tại vùng biển sâu đến 3.000 m, đây là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc, có thể khoan dầu ở độ sâu đến 5.000 m dưới mực nước biển. Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo Hải Dương 982 tiến hành hoạt động trên Biển Đông từ ngày 21/8 đến ngày 5/11/2019, mỗi ngày 24 tiếng, tại khu vực có bán kính 2 km tính từ tâm là vị trí có tọa độ 17°37′44.589 vĩ Bắc/110°21’16.894 kinh Đông. Giàn khoan Hải dương 982 do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đóng mới từ năm 2015 tại xưởng đóng tàu ở Đại Liên, hoàn thành cuối năm 2016 và chuyển giao cho Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Đây là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển”. Khu boong làm việc rộng 1.524 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan trên biển bằng cách điều chỉnh cánh quạt và động cơ đẩy.

Tàu cẩu lớn nhất thế giới “Lam Kình”

Chiếc tàu cẩu lớn nhất thế giới Lam Kình là tàu tự hành hoạt động ở vùng nước sâu, thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tàu này có cần cẩu chính với sức nâng 7.500 tấn, cẩu phụ 4.000 tấn, một móc 1.600 tấn, có thể nâng hạ những thiết bị siêu nặng và giàn khoan. Lam Kình đã tham gia nhiều dự án lớn, lắp đặt giàn khoan dầu lớn nhất thế giới. Hôm 03/9/2019, Trung Quốc đã đưa trái phép tàu cẩu này vào trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tàu này xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam cùng lúc với việc tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Tàu tiếp vận cỡ lớn “Tam Sa 2”

Con tàu mới mang tên “Tam Sa 2” (Sansha No. 2), được đặt theo tên của đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên Biển Đông để quản lý các thực thể mà họ chiếm đóng. Đây là con tàu phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự, có thể tiếp tế cho lực lượng đóng trên các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc hạ thủy tàu này đã làm dấy lên những lo lắng rằng con tàu này sẽ được sử dụng để gia cố sức mạnh của các đảo, đá mà Trung Quốc đã quân sự hóa ở vùng biển chiến lược. Hồi tháng 8/2019, Tân Hoa Xã đưa tin về chuyến vận hành thử nghiệm của tàu, đi từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết tàu mới có thể di chuyển 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, và có thể chở được 400 người. Tàu có chiều dài 128 m, lượng chiếm nước là 8.000 tấn, lớn hơn gấp đôi so với con tàu cũ (Tam Sa 1) được đưa vào sử dụng cách đây 11 năm với lượng chiếm nước 2.540 tấn.

Tàu khảo sát địa chất “Hải dương 8” (HD 8)

Vào ngày 19/7/2019, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông tại Bãi Tư Chính. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế. Cộng đồng quốc tế đã ủng hộ mạnh mẽ ứng xử và lập trường của Việt Nam, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc. Đến ngày 24/10/2019, Trung Quốc buộc phải rút hoàn toàn tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 và nhóm tàu hộ tống ra khỏi vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới