Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVị trí, tầm quan trọng trong chiến lược biển của các nước...

Vị trí, tầm quan trọng trong chiến lược biển của các nước trên thế giới

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lục địa đang bị khai thác cạn kiệt, khiến các nước đẩy mạnh quyết tâm triển khai chiến lược biển có hiệu quả, nhằm tìm kiếm, chiếm giữ các nguồn tài nguyên phong phú này.

Lợi ích chiến lược của các bên

Theo đánh giá của giới nghiên cứu địa chất Mỹ, thì Bắc Cực có khoảng 10% dự trữ dầu thế giới và 25% trữ lượng chưa được khám phá, tương đương khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.699 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên và khoảng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng. Viện Hải dương học Nga cũng cho biết, khu vực hình yên ngựa trong lòng Bắc Cực chứa đến 10 tỷ tấn dầu, chưa kể nhiều loại khoáng sản quý khác như niken và kim cương. Riêng ở trung tâm biển Barents tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ lượng khoảng 3,7 nghìn tỷ m3 khí đốt và 31 triệu mkhí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong 7 năm.

Theo các nhà khoa học, đến trước năm 2050, hiện tượng băng tan ở Bắc Băng Dương sẽ mở ra tuyến hàng hải Tây Bắc, rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giúp giảm hải trình từ Luân Đôn sang Tôkyô xuống còn 16 nghìn km so với 21 nghìn km đi ngang kênh đào Suez hoặc 23 nghìn km đi qua kênh đào Panama. Trong tương lai, nước nào kiểm soát được vùng biển này sẽ có ưu thế rất lớn trong phát triển kinh tế cũng như quốc phòng – an ninh.

Biển Thái Bình Dương, Biển Đông cũng được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Khu vực này có khoảng 2 nghìn loài cá, trong đó có hơn 100 loài có giá trị kinh tế cao; hơn 100 loài thuộc 34 giống của 11 họ tôm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến hải sản xuất khẩu. Giới nghiên cứu biển quốc tế đánh giá, Biển Đông có nhiều khả năng trở thành một “Vịnh Ba Tư” thứ hai trên thế giới. Biển Đông được coi là một trong những bồn trũng chứa dầu khí lớn của thế giới. Theo dự báo đây là vùng biển có trữ lượng dầu mỏ khoảng 213 tỷ thùng và 2 nghìn tỷ mkhí; là tuyến đường thương mại giữa Đông Á với châu Âu, Trung Đông và châu Phi; hàng năm có hơn 80% lượng dầu mỏ thế giới vận chuyển qua đây. Biển Đông còn đóng vai trò then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương – khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI. Theo dự đoán của Trung Quốc, riêng khu vực Trường Sa và Hoàng Sa có khoảng 105 tỷ thùng dầu và khoảng 1 nghìn tỷ mkhí và một trữ lượng lớn băng cháy – nguồn năng lượng mới có thể thay thế dầu khí trong tương lai. Biển Đông còn có nhiều khoáng sản quý, có giá trị trong sản xuất công nghiệp như mănggan, titan, uranium, phốt phát….

Biển Đông trở thành một vùng biển chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giao thông đường biển của nhiều nước trên thế giới. Nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nối liền Đông – Tây, có mật độ giao thông hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới. Hơn 30% lượng hàng hoá giao thương trên thế giới đi qua con đường biển này. Ngoài tiềm năng giao thông vận tải và kinh tế, Biển Đông còn có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Với 16 tuyến đường hàng hải, 12 tuyến đường hàng không quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, Biển Đông là khu vực án ngữ lối ra vào lục địa châu Á, có ý nghĩa chiến lược cả trong thời bình và thời chiến. Những năm qua, Biển Đông là con đường vận chuyển chủ yếu về lực lượng, trang bị hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Á. Đặc biệt, trên Biển Đông có nhiều quần đảo lớn, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, có vị trí vô cùng quan trọng đối với khu vực này.

Đánh giá về ý nghĩa quân sự đối với quần đảo Trường Sa, nhiều chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông – Tây (Mỹ) và Đại học Aichi (Nhật Bản) cho rằng: “Quần đảo này được xem như một căn cứ chiến lược để phòng thủ, ngăn chặn, kiểm soát tuyến đường biển và có thể là căn cứ tấn công đất liền”. Quốc gia nào muốn đứng chân ở châu Á – Thái Bình Dương nhất thiết phải khống chế Biển Đông, bởi chiếm cứ được Biển Đông có nghĩa là chiếm cứ được Tây Thái Bình Dương nói riêng, toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc… hiện đã thiết lập các căn cứ quân sự nhằm thực hiện mục tiêu địa – chính trị của mình.

Chiến lược, cách tiếp cận của một số nước

Hiện nay, một số nước trên thế giới đang tìm cách vươn ra biển, dựa vào biển để phát triển kinh tế, thương mại, quốc phòng – an ninh. Đây là nhu cầu tất yếu khách quan. Các nước có biển, nhất là các nước lớn đều có chiến lược biển rõ ràng để phát triển thành cường quốc biển. Tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi nước lựa chọn hướng đi riêng cho mình nhằm khai thác các lợi ích từ kinh tế biển để phát triển đất nước.

Liên bang Nga đã xác định chiến lược biển với 4 nội dung: (1) Tại biển Đại Tây Dương, Nga sẽ duy trì các lực lượng, đặc biệt là hải quân trên biển Bantic, Biển Đen, biển Azov và Địa Trung Hải nhằm bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực này. (2) Tại biển Bắc Băng Dương, Nga đã duy trì Hạm đội Phương Bắc nhằm đảm bảo đường ra của Hải quân Nga, bảo vệ khu kinh tế, thềm lục địa giàu có và tuyến giao thông đường biển phía Bắc trong quá trình phát triển đất nước. Năm 2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển dầu và khí hóa lỏng cho Trung Quốc và tiến sát bờ biển Bắc Cực. Theo tính toán, tuyến đường này so với các tuyến đi qua kênh đào Suez tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Theo kế hoạch, năm 2020 Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Cực, bao gồm các đơn vị quân đội, biên phòng và tuần dương hạm nhằm bảo đảm an ninh quân sự của Moscow trong bối cảnh chính trị và quân sự đa dạng đang hình thành. Theo “Viện nghiên cứu các vấn đề dầu và khí”, Nga sẽ khai thác được khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ mkhí đốt tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2030. Nga hiện đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu k­m­2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này. (3) Tại Ấn Độ Dương, Nga sẽ mở rộng vận tải và đánh bắt cá trên biển, hợp tác chống cướp biển; chống khủng bố; tiến hành nghiên cứu Nam Cực; biến khu vực này thành khu vực ổn định và thân thiện với các nước láng giềng, bảo đảm sự có mặt thường xuyên của hải quân Nga tại đây. (4) Tại biển Thái Bình Dương, Nga sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng Viễn Đông; phát triển thăm dò và nghiên cứu tài nguyên khoáng sản và sản vật biển tại khu vực kinh tế và thềm lục địa của Nga; tạo điều kiện, kể cả sử dụng khả năng của các địa phương trong khai thác tiềm năng biển với mục đích bảo vệ chủ quyền và quyền quốc tế của Nga tại Thái Bình Dương; ký kết các hiệp định quốc tế về hạn chế sử dụng quân sự trong vùng; thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo đảm an ninh trên biển, chống buôn lậu, giúp đỡ tàu bị nạn; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, vận tải nhằm thu hút các nguồn hàng trung chuyển từ các nước Đông Nam Á và Mỹ sang châu Âu và các nước khác.

Mỹ cũng đã đưa ra văn kiện chiến lược biển mới với 31 chương, 10 phần, phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến đại dương, trong đó tập trung vào 4 điển then chốt: (1) tăng cường công tác phối hợp và lãnh đạo ở cấp quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách biển quốc gia; (2) tăng cường tiếp cận vùng nhằm đảm bảo sự tham gia đầy đủ của nhà nước, các vùng, các bộ tộc và người dân địa phương vào việc xây dựng và triển khai chính sách biển; (3) phối hợp quản lý các vùng ngoài khơi nhằm phục vụ các hoạt động khai thác đại dương trong thời gian dài; (4) tăng cường cơ cấu tổ chức cấp liên bang nhằm đáp ứng nhanh những nhu cầu của các bang và các bên liên quan, thích hợp với phương pháp quản lý dựa trên hệ sinh thái. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và thăm dò biển; thu thập dữ liệu và hệ thống thông tin; coi công tác giáo dục, đào tạo là nền tảng, tương lai về biển. Đối với Biển Đông, Mỹ cho rằng, họ có lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược vì Mỹ hiện đang là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, số 2 của Trung Quốc và thứ 3 của ASEAN. Lợi ích kinh tế của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đã lớn hơn ở Tây Âu, vì khu vực này đang thu hút một lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khu vực Đông Á và ngược lại, vận chuyển chủ yếu qua các hải lộ quốc tế trên Biển Đông. Do những lợi ích to lớn về thương mại và kinh tế trong khu vực, nên việc bảo đảm tự do cho tàu thuyền của Mỹ và các nước trên các tuyến đường Biển Đông được Mỹ rất coi trọng.

Trung Quốccho rằng, trong thế kỷ XXI, thế giới sẽ tập trung khai thác và tận dụng tài nguyên biển, mở rộng các ngành nghề biển và phát triển kinh tế biển quy mô lớn. Do đó, Trung Quốc xác định mục tiêu và các giai đoạn để tiến ra biển: (1) xây dựng Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”đểtrở thành cường quốc thế giới; (2) lấy xây dựng kinh tế biển làm trung tâm, có quy hoạch tổng thể khai thác về biển, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và thúc đẩy phát triển nhịp nhàng các ngành sản xuất biển, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý, thực hiện quy hoạch đồng bộ việc bảo vệ môi trường biển, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào khai thác biển. Từ năm 2006 – 2015, là giai đoạn khởi đầu, chuẩn bị thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển. Từ năm 2016 – 2030, là giai đoạn phát triển toàn diện, theo đó, về quân sự, xây dựng hệ thống phòng thủ chiến lược biển hiện đại, lấy hải quân làm nòng cốt, phấn đấu đến năm 2050, lực lượng bảo vệ biển của Trung Quốc ngang bằng với các cường quốc phương Tây; trong lĩnh vực kinh tế, hình thành quy mô phát triển sản nghiệp biển mang hàm lượng kỹ thuật cao, từng bước đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật đóng góp khoảng 70% trong phát triển kinh tế biển. Từ năm 2031 – 2050 được xác định là giai đoạn cất cánh.

Ấn Độcó bờ biển dài gần 5.700 km, khoảng 300 hòn đảo và một khu vực vùng đặc quyền kinh tế rộng gần 2,2 triệu km2. Ấn Độ coi biển không chỉ có tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, sinh vật biển, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Ấn Độ đã xây dựng chiến lược phát triển biểnnhằm mục tiêu khai thác triệt để tài nguyên biển; đẩy mạnh thương mại biển gồm dịch vụ, vận tải, du lịch; xây dựng lực lượng hải quân có sức mạnh vượt trội trong khu vực để bảo vệ, kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương, tạo đà mở rộng tầm hoạt động của hải quân ra nhiều vùng biển trên thế giới. Phát triển ra biển là một phần trong chính sách “Hướng Đông” được Ấn Độ rất coi trọng. Trọng tâm chính sách của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, nhưng việc bảo vệ lợi ích Ấn Độ Dương liên quan đến khu vực tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Đây là khu vực có lợi ích then chốt của Ấn Độ.

Canada là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn với ba mặt giáp biển, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới. Canada là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia, áp dụng phương thức quản lý tổng hợp – một phương thức quản lý hiện đại, thích hợp đối với biển. Hệ thống chính sách, pháp luật về biển của Canada được xây dựng và phát triển trong một thời gian dài gắn với quá trình thay đổi tư duy về quản lý biển. Chiến lược biển Canada được xây dựng và ban hành năm 2002. Nó được xem là tuyên bố về chính sách của Chính phủ Canada về quản lý các hệ sinh thái cửa sông, bờ biển và đại dương ở tầm quốc gia. Chiến lược biển quy định về việc áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp đối với các vùng biển, nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ về chính sách và chương trình quản lý giữa các cơ quan và các chủ thể liên quan. Đồng thời, Chiến lược biển quốc gia Canada xác định rõ ba mục tiêu lớn trong quản lý biển; đó là: hiểu biết và bảo vệ môi trường (BVMT) biển; hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; và nâng cao vị thế về biển của Canada trên trường quốc tế. Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược cũng đã đề ra nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp; nguyên tắc phát triển bền vững; nguyên tắc cẩn trọng. Cùng với Chiến lược biển, Chính phủ Canada đã tái khẳng định cam kết của mình về việc áp dụng rộng rãi nguyên tắc cẩn trọng trong bảo tồn, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Ngoài ra, Chiến lược biển quốc gia Canada cũng đề cập đến một số nguyên tắc khác như: nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái (ecosystem-based), nguyên tắc quản lý dựa vào khoa học (science- based). Về quản lý biển, Chiến lược biển Canada khẳng định đây không phải là công việc và trách nhiệm của riêng chính quyền liên bang. Quản lý biển Canada thuộc trách nhiệm chung của cộng đồng. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải chia sẻ trách nhiệm này. Chính vì vậy, quản lý biển xác định trong Chiến lược biển là một quá trình làm việc tập thể phối, kết hợp giữa chính quyền liên bang với các cấp chính quyền khác nhằm chia sẻ trách nhiệm để hướng tới những mục tiêu chung. Đồng thời, Chiến lược biển cũng thể hiện cam kết của Chính phủ Canada trong việc huy động và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định đối với những công việc có liên quan theo mô hình đồng quản lý hoặc quản lý dựa vào cộng đồng.

Nhật Bản cũng xây dựng chiến lược biển tập trung vào 4 nội dung cốt lõi: (1) phân định “khu vực bảo vệ mực nước thủy triều thấp” xung quanh đường cơ sở hải đảo; (2) bảo vệ và sử dụng “công trình cứ điểm” của khu vực đặc quyền kinh tế; (3) sửa đổi Đại cương phòng vệ và Kế hoạch phòng vệ trung hạn, đảm bảo xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh phục vụ cho chiến lược biển; (4) thuyết phục Mỹ cùng hợp tác với Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Sekaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chú trọng bảo vệ các hòn đảo xa, đặc biệt là những đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư, nhấn mạnh đến kế hoạch đặt đơn vị đồn trú giám sát bờ biển tại hòn đảo Yonaguni ở khu vực cực Tây Nhật Bản, cũng như việc thành lập lực lượng thủy quân lục chiến.

Indonesia, trong chiến lược biển của mình cũng đã nêu ra 5 nội dung quan trọng: (1) hồi sinh nền văn hóa biển; (2) cải thiện quản lý các đại dương và ngành thủy sản; (3) đẩy mạnh kinh tế biển bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, ngành công nghiệp vận tải biển và du lịch biển; (4) đẩy mạnh ngoại giao biển nhằm hạn chế các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cướp biển; (5) tăng cường phòng thủ trên biển nhằm hỗ trợ chủ quyền hàng hải, sự thịnh vượng của đất nước.

Thái Lan, trong chiến lược phát triển đất nước, đã đưa ra kế hoạch 4 điểm về biển: (1) cải thiện hiệu quả quản lý biển; (2) khôi phục và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho việc sử dụng bền vững biển; (3) tăng cường năng lực cạnh tranh trong việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (4) kiểm soát ô nhiễm và an toàn hàng hải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Thái Lan còn ban hành nhiều văn kiện pháp lý khác nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên biển.

Malaysia nhấn mạnh, về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã công bố một khung hướng dẫn mới đối với chính sách đối ngoại của đất nước, nhấn mạnh Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Khung khuôn khổ cũng cho biết Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) khẳng định quyết tâm giữ khu vực trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài đã được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký kết vào năm 1971.

Việt Nam là một quốc gia ven bờ Biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán rộng khoảng 1 triệu km2, có đường ven biển dài hàng nghìn km, có hàng nghìn đảo lớn nhỏ ven bờ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Vùng biển Việt Nam còn là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển ngày càng trở nên cấp thiết.

Như vậy, biển, đảo rất giàu tiềm năng, ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống của con người. Để đáp ứng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các nước trên thế giới ngày càng vươn xa hơn ra biển và đại dương. Tuy nhiên, trong quá trình vươn ra biển đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn về quyền lợi biển giữa các nước có biển với nhau, những nước có biển với nước không có biển, gây ra những tranh chấp rất phức tạp, thậm chí là quyết liệt về chủ quyền và lợi ích trên biển, khiến vấn đề an ninh biển và đại dương ngày càng trở nên cấp bách hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới