Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCạnh tranh, tập hợp lực lượng giữa các cường quốc trong khu...

Cạnh tranh, tập hợp lực lượng giữa các cường quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trong những năm gần đây, cạnh tranh ảnh hưởng và lôi kéo, tập trung lực lượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữa các cường quốc đang có nhiều diễn biến mới, đã tác động đến diễn biến tình hình an ninh trong khu vực.

Trong vài năm trở lại đây, cục diện khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến mới. Trước hết, đó là sự chênh lệch rất lớn về sức mạnh giữa các chủ thể quyền lực. Chỉ tính trong 5 – 6 nước lớn hàng đầu, quy mô GDP năm 2018 của Mỹ gấp gần 1,5 lần quy mô GDP của Trung Quốc, gấp 4 lần Nhật Bản, 5 lần Đức, 7 lần Anh và Pháp. Về ngân sách quân sự toàn cầu, Mỹ chiếm gần 50%, hơn 50% phần còn lại là của toàn thế giới, trong đó Trung Quốc gấp gần 4 lần Nga, Nga gấp 1,5 lần Đức. Trong tổng số các phát minh, sáng chế hằng năm và các trường đại học danh tiếng nhất thế giới…, siêu cường Mỹ cũng chiếm khoảng 50%. Trong giới nghiên cứu quốc tế, nhiều người nhận định rằng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện một đế chế toàn cầu là Mỹ: sức mạnh của riêng Mỹ trên một số lĩnh vực bằng cả thế giới và vì vậy, có tầm ảnh hưởng toàn cầu; hợp tác với Mỹ, hay đơn giản chỉ là sự hiện diện của Mỹ, được xem như là một trong những nhân tố bảo đảm an ninh đối với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới ngày nay. Bộ khung cấu trúc quyền lực giữa các nước lớn vô cùng mất cân đối như vậy không thể không tạo ra chủ nghĩa đơn phương, cường quyền, sô-vanh trong đời sống quốc tế trong những thập niên tới, đồng thời làm cho cục diện đa cực, đa trung tâm trong không ít trường hợp mang nhiều tính danh nghĩa hơn là thực chất. Thứ hai, cục diện châu Á – Thái Bình Dương vừa mang nét chung của cục diện đa cực, đa trung tâm, vừa có sự khác biệt, đặc thù – đó là cục diện hai siêu, nhiều cường. Với sự phát triển mạnh mẽ sau hơn 4 thập niên cải cách, mở cửa, Trung Quốc ngày nay trở thành nước lớn trong thời đại mới: là nền kinh tế thứ hai, dẫn đầu thế giới về quy mô sản xuất công nghiệp, ngoại thương, dự trữ ngoại tệ, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu…; có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, đạt 280 tỷ USD theo công bố năm 2018; là quốc gia hàng đầu thế giới trên một số mũi nhọn khoa học – công nghệ (mạng 5G, thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo…); là chủ thể đang dẫn dắt nhiều chương trình hội nhập quốc tế tầm cỡ thế kỷ, trong đó có sáng kiến “Vành đai, Con đường”… Với sự gần gũi về biên giới lãnh thổ, văn hóa, lịch sử với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc ngày nay thật sự có sức mạnh siêu cường ở châu Á – Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược ngày càng lợi hại với siêu cường Mỹ, một siêu cường vốn từ thuở lập quốc đến nay, về cơ bản, là một quốc gia gắn kết với châu Âu – Đại Tây Dương. A-lân Grin-xpan (Alan Greenspan), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một trong những bộ óc chiến lược Mỹ đã từng chua chát nhưng rất tỉnh táo nhận định, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc là sự kiện lớn nhất thế giới đến tận giữa thế kỷ XXI. Hai siêu cường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương này sẽ đẩy mạnh tập hợp lực lượng, trước hết là với các chủ thể lớn (ASEAN, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a) nhằm giành lợi thế trong các cơ cấu quyền lực tại khu vực. Không nhận biết kịp thời và sáng tỏ sự thống nhất và khác biệt giữa cục diện thế giới và cục diện châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực ứng phó với một thế giới đa dạng, phức tạp hiện nay.

Trong khi đó, về tình hình thế giới, rất cần kịp thời nhận biết, đánh giá một số khuynh hướng mới. Trật tự kinh tế quốc tế sẽ có nhiều dịch chuyển do đã xuất hiện nhiều chủ thể mới, đang đấu tranh công khai yêu cầu điều chỉnh luật lệ, định chế quốc tế. Toàn cầu hóa mặc dù là xu thế không thể đảo ngược, nhưng gặp nhiều trở ngại từ chính sách bảo hộ tràn lan trên thế giới. Do vậy, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng – không phải khủng hoảng theo chu kỳ, mà là hậu quả của những chính sách vĩ mô sai lầm.

Trước tình hình trên, các quốc gia, nhất là các nước lớn, đều chú trọng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ nhằm phát huy ảnh hưởng, tranh giành lợi ích về mọi mặt và tạo lập một vị thế có lợi nhất trong cục diện an ninh khu vực đang dần định hình. Các cách thức tập hợp lực lượng hiện nay rất đa dạng, linh hoạt và cơ động hơn, tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm trong quan hệ quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau. Yếu tố ý thức hệ tư tưởng không còn đóng vai trò chủ đạo như trước đây, đồng thời cũng không còn là sự trở ngại không thể vượt qua trong quan hệ giữa các nước. Lợi ích quốc gia – dân tộc có vị trí nổi trội, quy định mục tiêu, nội dung, phương châm đối ngoại và cách thức tập hợp lực lượng của mỗi nước, mỗi tổ chức quốc tế và khu vực. Mỗi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc để thể hiện quan điểm, thái độ riêng đối với các vấn đề quốc tế. Sự tập hợp lực lượng trên bàn cờ quốc tế không theo chiều dọc với cơ sở là hệ tư tưởng, mà là sự tập hợp đan xen, đa dạng, linh hoạt với mẫu số chung là sự trùng hợp lợi ích quốc gia trong từng thời điểm lịch sử nhất định, theo địa bàn, trong đó các nước vừa hợp tác, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Nhìn tổng quát, sự tập hợp lực lượng giữa các nước lớn thể hiện ở các dạng sau: (i) Mỹ dùng mối quan hệ với từng cường quốc để hạn chế sự phát triển của các nước này. (ii) Các cường quốc quan hệ với Mỹ để hạn chế sự vươn lên của các cường quốc khác. (iii) Các cường quốc tập hợp với nhau để chống siêu cường Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các nước cạnh tranh ảnh hưởng và lôi kéo, tập trung lực lượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu dựa trên sự trùng hợp về lợi ích trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới. Xu hướng này mang tính phổ biến và xuyên suốt trong quan hệ quốc tế qua các giai đoạn lịch sử. Nhưng nét mới của xu hướng này ở châu Á – Thái Bình Dương là có sự tham gia của các nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau trong các tổ chức, các liên kết nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của các quốc gia. Những lợi ích đó có thể mang tính tổng thể (cùng giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu…), hoặc chỉ mang tính bộ phận (lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh, lợi ích phát triển…). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) và quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động đến lợi ích nhiều mặt của các quốc gia. Xu thế phát triển của trật tự thế giới trong tương lai là tiến tới một hệ thống đa cực, bởi lẽ trên bình diện toàn cầu, một quốc gia, dù là siêu cường, cũng không thể có khả năng kiểm soát thực tế toàn bộ các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa 4.0 khiến không một quốc gia nào đủ khả năng thiết lập một trật tự đơn cực mà phải hợp tác với các cường quốc khác và các tổ chức quốc tế.

Xu hướng tập hợp lực lượng trên cơ sở sự trùng hợp về lợi ích cũng dẫn đến tình trạng một quốc gia hoặc một tập hợp các quốc gia tiến hành áp đặt quốc gia khác, bất chấp những chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, dẫn tới các cơ chế an ninh tập thể vì thế mà bị suy giảm tác dụng nhiều so với trước. Tiền lệ này trở thành một mối đe dọa đối với không ít quốc gia và để đối phó, họ sẽ tìm kiếm những hình thức và mức độ tập hợp lực lượng mới, co cụm mới, thậm chí tiến hành chạy đua vũ trang.

Từ việc các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng và lôi kéo, tập trung lực lượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có tác động đối với Việt Nam. Theo đó, xu hướng tập hợp lực lượng mới với sự vận động và những điều chỉnh tương quan lực lượng giữa các chủ thể quốc tế lớn tại khu vực, tác động mạnh đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Về thuận lợi, nó tạo môi trường khu vực hòa bình, hợp tác, thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tập hợp lực lượng của các nước lớn tại khu vực nhằm tăng cường sức mạnh của họ trong cạnh tranh, nhưng sẽ dẫn tới cục diện cân bằng sức mạnh và hòa bình, ổn định tương đối trong khu vực. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, đồng thời tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại của các quốc gia. An ninh của mỗi quốc gia ngày nay được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia trong hội nhập quốc tế. Tất cả các quốc gia đều thi hành chính sách linh hoạt, mềm dẻo, tăng cường hợp tác, tránh đối đầu và chiến tranh, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, ở khu vực xung đột cục bộ, tiềm ẩn những bất ổn có thể bùng phát thành chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng những xung đột này khó có khả năng lan rộng, lôi cuốn sự đối đầu trực tiếp của các nước lớn, vì họ đều có lợi ích lâu dài và cơ bản trong việc duy trì hòa bình để bảo vệ lợi ích cốt lõi và phát triển. Điều này có lợi cho Việt Nam khi thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tiến tới sự cân bằng quan hệ với các nước lớn. Hơn nữa, xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực sẽ là môi trường thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế, đối thoại quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Không những vậy, quá trình trên còn tạo cơ hội mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ tăng cường tập hợp lực lượng nhằm khẳng định vị thế của mình, các nước đồng minh của Mỹ cũng có thêm vị thế mới, họ vừa tìm cách dàn xếp với Mỹ, vừa tìm kiếm những tập hợp lực lượng khác có lợi cho mình. Sự tập hợp lực lượng của các nước lớn và đồng minh vô hình chung giúp các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nâng cao vị thế, tạo cơ hội liên kết, hợp tác mới trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này tạo ra những thuận lợi rất căn bản cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Chúng ta có nhiều thuận lợi trong thiết lập, xây dựng các mối quan hệ song phương, đa phương, mạnh mẽ, gắn kết, tin cậy và cùng có lợi với các quốc gia, tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn cùng chia sẻ lợi ích. Việt Nam cũng có thêm nhiều sự lựa chọn để tránh không rơi vào tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia trong bảo vệ an ninh, quốc phòng của mình; có thêm cơ hội thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng và phát huy vai trò của mình trong Cộng đồng ASEAN, nâng cao vị thế trong bối cảnh đa dạng hình thức tập hợp lực lượng và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay. Ngoài ra, nó còn tạo thuận lợi cho Việt Nam giảm thiểu sức ép của các nước lớn, đấu tranh có hiệu quả hơn với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh các nước lớn điều chỉnh chính sách, quan tâm hơn đối với khu vực, Việt Nam có điều kiện phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các cường quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, có quan hệ sâu rộng với tất cả các nước lớn, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, giảm thiểu sức ép của các nước lớn đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác trong các vấn đề địa  - chiến lược để kiềm chế, đẩy lùi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc và tự do tôn giáo nhằm can thiệp công việc nội bộ, chống phá Việt Nam.

Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, quá trình các nước lôi kéo, tập hợp lực lượng trong khu vực cũng gây ra những khó khăn mới sẽ nảy sinh, cản trở phát triển kinh tế của Việt Nam. Để phát triển bền vững, Việt Nam thực hiện chủ trương cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng ngay tại các thị trường xuất khẩu chính và có lợi, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra quyết liệt,… đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những khó khăn, thách thức mới đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng tạo ra những thách thức, phức tạp mới trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và nguy cơ xung đột tại các “điểm nóng” tiềm tàng, tác động trực tiếp, gián tiếp đến môi trường an ninh của Việt Nam. Các nước ASEAN có mục tiêu chung là xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, song mỗi nước có lợi thế và lợi ích riêng, nên việc củng cố đoàn kết, hợp tác nội khối về những vấn đề chính trị nhạy cảm rất phức tạp, khó khăn, nhất là giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo gặp khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ và xử lý đúng đắn các mối quan hệ với các nhân tố, như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới