Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông và một...

Chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông và một số tác động

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông; đồng thời tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông cũng như thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ năng lực cho các nước ven biển. Hành động của Nhật Bản đã có những tác động nhất định đối với khu vực.

Về tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Nhật Bản là quốc gia không liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, Biển Đông có vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải huyết mạch từ Trung Đông đến lãnh hải Nhật Bản. Do vậy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trên Biển Đông.

Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Theo đó, ngay sau khi Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA, 12/7/2016) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý; các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Ngoài ra, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề Hội nghị AMM 49, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã hối thúc Bắc Kinh chấp nhận và tuân thủ phán quyết của PCA, đồng thời bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình Biển Đông hiện nay, hy vọng Trung Quốc sẽ tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng tại vùng biển tranh chấp. Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2016 đã nêu rõ các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại Biển Đông là bá quyền, đơn phương, hướng tới việc đặt các nước vào việc đã rồi trên vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm đạt được một số mục tiêu quan trọng: Đầu tiên, Nhật Bản kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philippines, Indonesia, Việt Nam… Ngoài các nước ASEAN, trong quan hệ với các nước có chung lợi ích trên Biển Đông như Australia, Ấn Độ, Anh…, Nhật Bản luôn tìm sự đồng thuận thông qua các công cụ như tự do, dân chủ, pháp chế. Ngoài quan hệ song phương, Nhật Bản cố gắng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gần như trong mọi diễn đang quốc tế. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, Nhật Bản giúp một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển. Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á – Đối thoại Shangri La năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cần phải chi viện trên thực tế để Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaisia tăng cường năng lực quân sự trên biển. Nhằm nâng cao khả năng phòng thủ biển của các nước ASEAN, Nhật Bản đã kết hợp các khoản hỗ trợ như viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nâng cao khả năng do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tổ chức, hợp tác về trang bị phòng thủ, để trợ giúp các nước này. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này.

Thứ ba, củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ. Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế. Sự phối hợp và hợp tác Nhật – Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ.

Thứ tư, giành thế chủ động trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc trên nhiều phương diện. Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lực…, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới.

Thứ năm, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.

Việc Nhật Bản tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông có tác động đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như tác động trực tiếp tới quan hệ song phương với các nước.

Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông là một trong những yếu tố tác động đến lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách công bằng, hợp lý sẽ trở thành mắt xích quan trọng để hai bên tăng cường lòng tin chính trị và triển khai quan hệ hợp tác an ninh trong khuôn khổ Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng tiếp cận kép với nội dung: Tranh chấp cụ thể do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán, hiệp thương dựa trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế; ổn định, hòa bình Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng chung sức bảo vệ. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương. Chính sách của Nhật Bản đã tạo ra sự tương phản với chính sách của Trung Quốc. Theo nhận xét của nhiều giới quan sát, Nhật Bản đã sử dụng thành công Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc, làm nổi bật bản chất chính sách “kẻ thắng người thua” với chiêu bài “cùng thắng” của Trung Quốc. Hiểu theo nghĩa đó, Nhật Bản đã thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao trên vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, là một cường quốc về công nghệ trên thế giới và là cường quốc biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự giúp đỡ của Nhật Bản về trang bị và kỹ thuật quân sự cho các nước như Philippines, Việt Nam cũng như việc huấn luyện, tiến hành diễn tập quân sự chung sẽ tăng cường khả năng quân sự của các nước này, qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản quy định Nhật Bản sẽ đứng trên quan điểm chủ nghĩa hòa bình tích cực, thông qua trang bị phòng thủ linh hoạt, tích cực tham gia hợp tác quốc tế và đóng góp cho hòa bình khu vực, thay thế 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí bằng 3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và trang bị phòng thủ, nâng cao sức mạnh quân sự Nhật Bản thông qua trang bị vũ khí sử dụng linh hoạt. Điều này cho phép Nhật Bản có thể chuyển giao trang bị quân sự thuận tiện hơn, không chỉ cho Philippines, Việt Nam mà còn các nước khác trong khu vực Biển Đông như Indonesia, Malaysua… Đặc biệt, khuôn khổ liên minh quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản đã được áp dụng cho các vấn đề an ninh biển. Phương hướng chính sách và biện pháp thực hiện của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông sẽ gây sức ép quân sự lớn hơn đối với Trung Quốc cả về tương quan so sánh lực lượng và sự lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự trên biển.

Đối với Việt Nam, có thể thấy Nhật Bản đã tích cực và có sự điều chỉnh về chính sách cũng như triển khai trên thực địa các hoạt động của mình tại khu vực Biển Đông. Sự điều chỉnh chính sách và việc triển khai tích cực hoạt động của Nhật Bản có những tác động như sau: Góp phần quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nêu và ủng hộ các lập trường của Việt Nam đối với tranh chấp ở Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế. Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động như xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển ở quy mô lớn của Trung Quốc; ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài; phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên biển; đưa thông tin về vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam và các hoạt động đâm va có chủ ý của tàu Trung Quốc… Qua chính sách và các hành động trên thực tế như hiện nay của Nhật Bản, có thể dự đoán Nhật Bản sẽ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông trên các diễn đàn song phương và đa phương trong thời gian tới. Nhật Bản là một nước có uy tín và vị thế lớn về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao ngoài khu vực. Việc Nhật phối hợp với các nước lớn khác như Mỹ, Australai, Ấn Độ lên tiếng về tình hình Biển Đông sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc ngăn chặn các hành động đơn phương không tuân theo luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải tính toán nhiều hơn đến phản ứng quốc tế khi muốn tiến hành các hành động gây hấn trên Biển Đông. Không những vậy, với trọng tâm triển khai xây dựng năng lực trên biển cho các nước tập trung vào hai mảng chính là hỗ trợ trang thiết bị phần cứng như tàu tuần tra, máy bay tuần tra; và hỗ trợ phần mềm như đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chấp pháp biển thì Việt Nam sẽ tiếp tục có được sự hỗ trợ để nâng cao năng lực chấp pháp trên biển. Hiện nay Việt Nam đang còn thiếu kể cả về số lượng cũng như chất lượng các trang thiết bị phục vụ cho tuần tra bảo vệ an ninh biển. Nhu cầu nâng cao năng lực chấp pháp biển càng tăng lên do nhu cầu phát triển kinh tế biển và quản lý các hoạt động trên biển của Việt Nam; xu thế số lượng tàu cá nước ngoài hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Việt Nam ngày càng tăng lên; Trung Quốc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên Biển Đông trong đó có vùng biển của Việt Nam; các tình huống về tranh chấp trên biển sẽ có nhiều phức tạp khó lường cần phải tăng cường năng lực chấp pháp biển. Các lực lượng chấp pháp biển Việt Nam cần thêm nhiều các phương tiện để giám sát quản lý các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam như định vị, vệ tinh, hải đồ, thiết bị thông tin liên lạc, tàu thuyền giám sát nhằm khuyến cáo và quản lý ngư dân trên. Ngoài ra, Nhật Bản là một quốc gia biển đã có những công nghệ vượt trội về khai thác và bảo vệ nguồn lợi từ biển nên việc hỗ trợ của Nhật Bản sẽ trong lĩnh vực này sẽ rất có ích cho phát triển kinh tế biển của Việt Nam, trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biển thuỷ, hải sản cũng như lập các khu vực bảo tồn biển…nhằm tránh cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Các hoạt động này cũng giúp Việt Nam khai thác biển bền vững tại vùng biển của mình.

Với Philippines, việc Nhật Bản hỗ trợ Philippines về tàu chiến, máy bay tuần tra, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo cho cán bộ chấp pháp/quốc phòng cho Philippines… đã trực tiếp góp phần nâng cao năng lực chấp pháp cho Manila, hỗ trợ nước này tăng cường khả năng đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới